Giang Nam Giang Bắc một năm có hai mùa vụ, còn Tây Bắc một năm chỉ có một mùa vụ. Vào tháng sáu Trung Nguyên lúa đã chín, mà Tây Bắc mới chỉ mọc mầm.
Giờ đã là đầu tháng sáu, là lúc Giang Nam nhiều mưa.
Còn Tây Bắc cũng có mưa, nhưng mưa không lớn, không ảnh hưởng tới trận chém giết song phương. Mặc dù binh mã triều đình ít hơn một ít, nhưng vẫn duy trì ý chí chiến đấu cao vút. Từ lúc vượt qua sông Lạc Thủy chỉ có tấn công và tấn công.
Tuy Lý Viễn Sơn hạ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tin tức người Mông Nguyên và Cao Khai Thái liên kết với nhau đánh bại Tả Tiền Vệ, nhưng tục ngữ nói chuyện tốt không ra khỏi cửa, chuyện xấu truyền ngàn dặm, tin tức này căn bản không phong tỏa được. Kể từ đó, trong đại doanh phản quân, lòng người bàng hoàng. Đội chấp pháp đã giết liên tục hai ngày, chém trên dưới một trăm binh lính tản tin tức này ra ngoài nhưng vẫn vô tác dụng. Càng giết, đám binh lính càng tin lời đồn này là thật.
Vì ngăn cản xu hướng này lan ra ngoài, Lý Viễn Sơn hạ lệnh triệu tập ba quân, gần bốn vạn người tấn công doanh trại của đại quân triều đình. Đại quân triều đình bên này chẳng thèm phòng thủ, mà chủ động nghênh chiến. Đại tướng quân Kim Thế Hùng tự mình chỉ huy, đám dân dũng với ý chí chiến đấu sục sôi ép phản quân có sĩ khí yếu ớt phải lui về. Người của Kim Thế Hùng thuận thế xua quân thẳng tiến, đuổi theo sát phản quân truy giết hơn mười dặm, một hơi giết tới dưới thành Tây Bình mới thu binh lại.
Một trận chiến này, phản quân tổn hại tám phần, trong đó bốn phần bị bắt, bốn phần thì chạy thoát được.
Đây chỉ mới là màn mở đầu. Bát đầu từ hôm nay, mỗi ngày đều có binh lính phản quân chạy trốn. Lúc đầu chỉ có vài người, về sau là mấy chục, mấy trăm, thậm chí có hôm có hẳn hai chiết xung doanh lợi dụng cơ hội tuần tra để chạy trốn. Về sau có một tin tức bất lợi truyền bá, nghe nói Thủy Sư triều đình đã cập bờ, vận chuyển ít nhất 50 vạn viện binh tới. La Diệu binh bại phải lui về phía nam núi Mang Đãng, tổn thất hơn nửa.
Tin tức này vừa truyền tới lập tức mọc lan tràn như cỏ dại, phủ lên trái tim vốn yếu ớt của phản quân. Bọn họ bắt đầu tính toán tới việc sống sót. Nếu 50 vạn viện quân này là thật, thì từ bờ sông bên kia tới thành Tây Bình chỉ mất hơn một tháng là tới. Rất nhiều binh lính đều nghĩ, nếu không chạy trốn bây giờ, thì mạng của mình chỉ còn có thể kéo dài thêm ba, bốn mươi ngày.
Lý Viễn Sơn biết rằng cái gì mà 50 vạn viện binh triều đình chỉ là tin tức giả dối, bởi vì hiện tại triều đình căn bản không lấy đâu ra nhiều binh mã như vậy. Thủy Sư của triều đình vẫn tuần tra qua lại ở khu vực từ Lạc Thủy tới Trường Giang, mục đích là phòng ngừa La Diệu mượn cơ hội vượt sông về hướng đông. Bởi vậy có thể thấy được Hoàng Đế đã dự tính mọi chuyện có thể phát sinh, không có chuyện gì có thể giấu diếm được mắt y.
Lý Viễn Sơn còn biết, tin tức giả này nhất định là do Hoàng Đế Dương Dịch phái người truyền ra ngoài. Có đôi khi, tin tức giả như vậy còn lợi hại hơn cả đao nhọn. Một đao nhiều nhất chỉ có thể chém chết được một người, mà một tin giả lại có thể khiến cho hơn mười vạn lòng người bàng hoàng.
Tới lúc này, Lý Viễn Sơn không thể không thừa nhận mình đánh giá thấp Dương Dịch.
Một Hoàng Đế có thể dùng bất kỳ thủ đoạn tồi tệ nào, bao gồm liên thủ với người Mông Nguyên. Một Hoàng Đế đã vứt bỏ mọi cố kỵ ràng buộc, không thể nghi ngờ là đáng sợ nhất. Y đã không cần quan tâm tới danh dự của mình, vậy thì y còn sợ cái gì nữa?
Cũng chính tới lúc này, Lý Viễn Sơn mới nhận ra hoàn cảnh của mình sắp tới bờ vực rồi. Đáng buồn nhất chính là, phía trước là bờ vực, phía sau cũng vậy.
Chỉ mấy ngày ngắn ngủi, Lý Viễn Sơn như già đi mười tuổi.
Từ lúc khởi binh làm phản, y không ngừng thực hiện giấc mộng biến nhà thành nước của mình. Ba năm này, y cảm thấy mỗi ngày y đều bước lên con đường thành công. Từ lúc y tự lập làm vương, có rất nhiều thủ hạ khuyên y thừa dịp đông tiến hoặc là xuôi nam. Tây Bắc nghèo nàn, không phải là một nơi lâu dài để nuôi quân. Nhưng y vẫn kiên định làm theo kế hoạch của mình. Hiện tại, rốt cuộc y đã có chút hối hận rồi.
Y biết rằng Tây Bắc nghèo nàn, biết rằng Trung Nguyên Giang Nam phồn hoa.
Sở dĩ y không tiến binh, chính là vì muốn lập một ván cờ ở Tây Bắc. Chỉ cần khiến cho Hoàng Đế ngự giá thân chinh tới vùng đất hoang vắng này rồi diệt trừ Hoàng Đế, như vậy Trung Nguyên Giang Nam sẽ bị chiến loạn phá hư. Y muốn là cả đế quốc, chứ không phải là một góc. Trong mắt y, non sông mấy vạn dặm này là đồ vật của y, y luyến tiếc hủy diệt. Nhưng giấc mộng này, cuối cùng cũng phải tới lúc tỉnh dậy.
Lý Viễn Sơn vẫn cho rằng Dương gia nợ Lý gia bọn họ, nợ rất nhiều. Năm Thái Tông, Lý Khiếu dẫn binh chiếm được hơn nửa lãnh thổ quốc gia Đại Tùy hiện tại. Công tích như vậy, tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả, sự vinh quang của Dương gia là từ một tay Lý Khiếu tạo nên. Nếu không có Lý Khiếu, thì đế quốc này đã không cường đại như vậy.
Nhưng về sau thì sao, vì phòng ngừa Lý Khiếu công cao lấn chủ, tay cầm binh quyền lớn, Hoàng Đế đã điều Lý Khiếu tới một nơi lạnh lẽo cằn cỗi là Tây Bắc. Nói là trọng dụng, kỳ thực là ngăn cách khỏi nơi phồn hoa. Không chỉ như vậy, sau khi tước đoạt toàn bộ binh quyền của Lý Khiếu, Hoàng Đế còn phái chiến binh hai vệ đóng ở hai nơi khác giám thị Lý gia, từng giây từng phút đề phòng Lý Khiếu có dị tâm.
Có rất ít người biết rằng, lúc về già Lý Khiếu từng ngửa đầu thở dài, hối hận lúc trước mình lập nhiều công lao cho Đại Tùy, thế nên con cháu đời sau đều phải chịu liên lụy.
Lý Viễn Sơn hận, từ đầu tới cuối đều hận.
Người của Dương gia dựa vào cái gì mà đối xử với Lý gia của y như thế?
Nếu một nửa thiên hạ của Đại Tùy là nhờ người của Lý gia lấy xuống được, vậy thì tại sao người của Lý gia không thể cầm về?
Lý Viễn Sơn đứng trên tường thành Tây Bình, nhìn chiến trường ở bên ngoài thành, im lặng không nói gì.
Có lẽ là do gió thổi cát vào mắt, y rơi lệ đầy mặt.
…
…
Tháng sáu, Lý Viễn Sơn hạ liên tiếp mười sáu quân lệnh điều Mạnh Vạn Tuế và Ân Phá Sơn hội quân ở thành Tây Bình. Nhưng mười sáu quân lệnh này như đá chìm xuống biển, không có hồi âm. Đừng nói Mạnh Vạn Tuế và Ân Phá Sơn không tới, mà ngay cả người đưa quân lệnh đi cũng không trở về người nào.
Lúc đắc ý vạn người kính trọng và ngưỡng mộ, lúc thất ý thì mọi người cùng nhau đẩy tưởng.
Do dự vài ngày, Lý Viễn Sơn rốt cuộc hạ quyết tâm.
Không thể để tiêu hao binh lực như vậy được nữa. Binh lính trong thành đều là thân tín của y, tuy lòng người hoang mang nhưng ít nhất vẫn duy trì quân kỷ. Mấy ngày này binh mã phản quân ngoài thành không ngừng có kẻ chạy trốn, các tướng lĩnh cũng bắt đầu tính toán đường lui, đâu còn tâm tư trói buộc thủ hạ nữa. Nếu tiếp tục như vậy, không cần đại quân triều đình tấn công, những lời đồn đãi kia đủ để đánh bại Lý Viễn Sơn.
Ngày 28 tháng 6 năm Thiên Hữu thứ mười lăm Đại Tùy, Lý Viễn Sơn đăng cơ xưng đế ở thành Tây Bình.
Y tuyên bố lập nước là Đại Chu, định đô ở Tây Bình, niên hiệu Vạn Thủy.
Trong nha môn Quận Thủ chật chội của thành Tây Bình, Lý Viễn Sơn mặc vào long bào, phong quần thần. Phong Lý Hiếu Triệt làm Thái tử, Tống Khiêm Hội làm Thừa tướng, Chu Định Quốc, Vạn Nham Tùng làm Trụ Quốc Đại tướng quân. Tướng lĩnh quan văn trong ngoài thành đều được phong thưởng. Chỉ riêng quan to Nhất Phẩm đã có mười mấy vị, Nhị, Tam Phẩm có mấy trăm vị. Trong khoảng thời gian ngắn, trong thành bỗng xuất hiện một vị Hoàng Đế, mười mấy Quốc Công, mấy trăm Hầu Tước, còn có rất nhiều tướng quân không đếm hết.
Sau khi lên ngôi, Lý Viễn Sơn bắt đầu phân chia thực ấp cho các Quốc Công này. Có người được phong thực ấp ở Giang Nam, có người được phong thực ấp ở Đông Bắc, tóm lại toàn là những nơi đông đúc và giàu có. Nhưng phần lớn mọi người đều biết rằng, có lẽ cả đời này bọn họ cũng không có cơ hội tới đất phong của mình để xem.
Bởi vì lúc trước không có sự chuẩn bị, cho nên đại lễ đăng cơ của Hoàng Đế tại thành Tây Bình đơn giản tới buồn cười. Long bào của Lý Viễn Sơn vẫn là bộ long bào màu đen, lúc đăng cơ thì chỉ thêu thêm mấy dải tơ lụa màu vàng ở cổ áo và ống tay áo. Quốc hiệu vẫn là Đại Chu, nhưng thực ra Lý Viễn Sơn đã sớm nghĩ kỹ. Bởi vì một trăm năm trước danh hiệu của Lý Khiếu chính là Chu Quốc Công. Bởi vì không có đủ số quan văn, cho nên an bài thị vệ mặc trang phục văn nhân để thay thế. Bởi vì không có ngọc tỷ, nên Hoàng Đế Đại Chu Lý Viễn Sơn lúc ban bố mấy trăm ý ý chỉ liền dùng gạch đóng dấu.
Tưởng tượng một chút, Hoàng Đế khai quốc Đại Chu cầm trong tay một viên gạch đập rầm rầm xuống thánh chỉ, còn phải ra vẻ nghiêm túc. Cái cảnh tượng này cũng thật thú vị.
Về phần các quan viên được phong, quan phục không phải là vấn đề lớn, bởi vì chẳng ai để ý cả. Ngay cả long bào của Hoàng Đế đều qua loa, thì bọn họ cần gì?
Màn đêm buông xuống, Hoàng Đế Đại Chu ở trong nha môn Quận Thủ…Không, là hoàng cung nơi tiếp đón quần thần của Đại Chu mới đúng. Do lương thảo trong thành không còn nhiều, cho nên trên mỗi bàn chỉ có hai món ăn mặn, một bát thịt heo cải trắng, một bát gà hầm nấm, đây là hai món ăn xa hoa nhất có thể có rồi. Một đám Quốc Công, Huyện Hầu ngồi ở bàn, nhìn đồ ăn mà lắc đầu cười khổ.
Đương nhiên đây không phải là điều khiến bọn họ cười khổ. Lúc ăn cơm, Hoàng Đế Đại Chu lại sai người tuyên đọc mấy chục ý chỉ, ban danh hiệu Hoàng Đế từ Lý Khiếu tới mãi đời cha của y. Thụy hào có chừng sáu mươi bốn cái, cũng không biết là cái người nghĩ ra phải nhổ bao nhiêu cái tóc mới nặn ra được. Sau đó là ý chỉ cho con cháu Lý gia. Lý Viễn Sơn một hơi ban mười mấy Thân Vương, mười mấy Quận Vương. Trong khoảng thời gian ngắn, các Quốc Công Huyện Hầu trong nha môn Quận thủ này trở nên ảm đạm thất sắc.
Tất cả mọi người cúi thấp đầu, sắc mặt không có chút vui mừng nào.
Nhưng
Dường như Lý Viễn Sơn không bị ảnh hưởng.
Y ngồi trên ghế cao, giơ chén rượu lên nói công tích của cha ông mình ngày xưa. Buổi nói chuyện chừng nửa canh giờ, thịt heo đã lạnh ngắt nhưng y vẫn chưa nói xong. Các quan lại phía dưới bưng chén đã mỏi tay.
Lý Viễn Sơn một mực mỉm cười, có vẻ rất cao hứng.
Mãi đến giờ Tý yến hội mới chấm dứt, Hoàng Đế Đại Chu đã ngà ngà say được nội thị dìu tới “Tẩm cung” nghỉ ngơi. Thái Tử Lý Hiếu Triệt đi theo sau, vẫn cúi thấp đầu đi đường, dường như không muốn để người khác thấy vẻ khó xử trên khuôn mặt mình.
Trở lại chỗ ở, Lý Hiếu Triệt bảo người hầu cởi quần, đắp chăn cho Lý Viễn Sơn. Nhìn nam tử đã say bất tỉnh nhân sự kia, nhìn người phụ thân mà mình từng coi là vĩ đại kia, trong lòng Lý Hiếu Triệt đầy đau xót. Y biết rằng quyết định của phụ thân thật hoang đường, cũng biết đại lễ đăng cơ này sao mà buồn cười. Nhưng từ đầu tới cuối y đều tận lực khiến mình thể hiện trang nghiêm chút, chính là vì an ủi trái tim đã vỡ nát kia của phụ thân.
Hoàng Đế…
Cuối cùng chẳng phải phụ thân đã làm Hoàng Đế rồi đó sao?
Lý Hiếu Triệt đứng cạnh giường thật lâu, trong lòng như có thanh dao khoét.
Cũng không biết đứng như vậy được bao lâu, Lý Hiếu Triệt thở thật dài chuẩn bị rời đi. Lúc y tới cửa, chợt nghe thấy tiếng khóc phía sau. Y quay đầu lại, phát hiện phụ thân tuy nhắm mắt nằm trên giường, nhưng nước mắt không ngừng chảy xuống.
Lý Hiếu Triệt bước nhanh quay lại, há miệng nhưng không biết nói thế nào để an ủi.
- Triệt Nhi…
- Phụ thân.
- Vi phu nợ con một đại lễ sắc phong Thái Tử, vi phu sẽ trả lại cho con.
Lý Viễn Sơn thì thào nói, Lý Hiếu Triệt không rõ là cha mình tỉnh hay là say.
- Người của Lý gia…người của Lý gia từ trước tới nay chưa bao giờ nhận htua.
Lý Viễn Sơn bỗng nhiên vung vẩy tay:
- Đây mới chỉ là bắt đầu…chỉ là bắt đầu! Sớm muộn gì cũng có một ngày ta ngồi trên ghế rồng trong điện Thái Cực thành Trường An kia, lúc đó xem kẻ nào…xem kẻ nào còn dám châm chọc cười nhạo ta! Kẻ nào dám cười, dám châm chọc ta, ta giết, giết cả nhà kẻ đó!