“Hứa Từ Cựu, học sinh của ta, rất am hiểu binh pháp, là một tài năng đáng để bồi dưỡng.” Bậc thầy binh pháp Trương Thận giới thiệu, “là một tên không biết làm thơ” câu này thì nói thầm trong lòng.
Ông ta hơi thắc mắc, ngươi có biết làm thơ đâu mà bước ra làm gì?
Người chắc mẩm bỏ túi được ngọc bội tím, Chu Thối Chi, nghe vậy cũng hơi cảnh giác, nhưng thấy là Hứa Tân Niên thì cũng chẳng thèm để ý nữa.
Chỉ liếc y một cái.
Học chung được mấy năm, không dám nói là biết gốc biết rễ, nhưng đối phương cao thấp ra sao vẫn hiểu được chút ít.
Hứa Tân Niên nổi bật ở phương diện sách luận, binh pháp cũng có trình độ, nhưng làm thơ thì khó mà tinh tế được.
Ngọc bội vẫn là của mình.
Đám học sinh đều nhìn chăm chú Hứa Tân Niên, y hưởng thụ ánh mắt của mọi người, trưng ra cái bản mặt không coi ai ra gì, trông về mặt trời lấp ló phía xa:
“Mười dặm vàng pha bóng nhật vân.”
Đại kỳ thủ Lý Mộ Bạch vuốt râu gật gù, câu này chỉ đơn giản là thuật lại cảnh sắc nhưng lòng dạ khoáng đạt, sinh động.
“Nhạn xuôi gió bấc tuyết bay nhanh.”
Hiện tại là đầu đông, tuyết vẫn chưa đến nhưng không lâu nữa, câu này cũng không tính là khuếch đại.
Mặt trời dần buông, tuyết bay đầy trời, cánh nhạn dập dìu trong cơn gió bấc gào thét, những hình ảnh đó chỉ cần hơi cảm nhận là đã xuất hiện trong đầu.
Hai câu này đã phác họa nên bối cảnh rất tốt, cực kỳ phù hợp với cuộc đưa tiễn ngày hôm nay.
Trương Thận cực kỳ kinh ngạc, quan sát kỹ Hứa Tân Niên thêm lần nữa. Với trình độ làm thơ của người học sinh này, hai câu thơ bảy chữ kia chắc hẳn đã là tác phẩm dốc hết tâm huyết rồi. Nếu cứ tiếp tục duy trì như thế, nói không chừng có thể so sánh được với Chu Thối Chi.
Trong ba vị đại nho đức cao vọng trọng, trình độ làm thơ của Tử Dương cư sĩ là cao nhất. Ông ta nghiền ngẫm hai câu thơ, trong lòng hiện lên một buồn không tên.
Mười dặm, hoàng hôn, gió bấc, cánh nhạn lẻ loi, tuyết rơi tán loạn… Tất cả họa lên một bức tranh tiêu điều thê lương.
Cứ như lần này không phải ông ta ra làm quan, mà là bị đày đi vậy.
Nhưng mà vẫn nói đúng trọng điểm.
Lần ra làm quan này nhìn như là được triều đình trọng dụng, ban cho quyền hành. Nhưng cái đám đi ra từ Quốc Tử Giám kia sẽ trơ mắt nhìn ông ta một bước lên mây hay sao?
Sẽ mặc cho ông ta đặt nền móng trong quan trường cho Thư Viện Vân Lộc hay sao?
Lần đi Thanh Châu này thật ra vẫn chưa biết sẽ thế nào, con đường phía trước vẫn rất mịt mờ.
Bỗng nhiên, Hứa Tân Niên giang hai tay ra, gương mặt đẹp trai được ánh mặt trời ấm áp chiếu rọi, hiện lên vẻ tinh tế hoàn mỹ tựa như viên ngọc tuyệt đẹp.
Y giơ tay lên một cách hăng hái, nhìn thẳng vào Tử Dương cư sĩ, đọc lên hai câu thơ cuối bằng giọng đầy khí phách:
“Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ!”
“Thiên hạ ai người chẳng biết anh!”
Trong chớp mắt, cả trong và ngoài đình đều yên tĩnh.
Phút chốc, mọi người ở đây ai cũng sởn hết da gà lên.
Chu Thối Chi quay đầu sang một cách cứng ngắc, sững sờ nhìn Hứa Tân Niên đang đứng ngạo nghễ.
“Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ! Thiên hạ ai người chẳng biết anh!” Lý Mộ Bạch hưng phấn vỗ tay: “Thật tuyệt!”
Hai câu trước đầy vẻ bi thương, hai câu sau lại xoay chuyển càn khôn, khiến người ta cảm thấy sáng tỏ thông suốt, phấn chấn lòng người.
Trương Thân im lặng nhìn Hứa Tân Niên.
Giờ phút này, Tử Dương cư sĩ vẫn còn đang chìm đắm trong ý cảnh của bài thơ bảy chữ này, tâm hồn vẫn đang rung động.
“Thơ hay, thơ hay quá…” Ông ta lẩm bẩm.
“Sao chỉ có nửa bài?” Bậc thầy binh pháp Trương Thận thấy học sinh của mình không ngâm tiếp thì không kìm được mà mở miệng hỏi.
… Hứa Tân Niên hơi khựng lại: “Bài thơ này chỉ có nửa bài.”
Chỉ có nửa bài ư?
Những người đọc sách ở đây lập tức trợn mắt lên, họ khó mà tiếp thu được những lời như vậy. Ai làm thơ mà chỉ có nửa bài chứ?
“Không sao không sao, nửa bài thôi đã kinh tâm động phách như vậy rồi.” Tử Dương cư sĩ bình thường trở lại, nở một nụ cười thật tươi: “Hứa Từ Cựu, bài thơ này tên là gì?”
“Không có!”
Hứa Tân Niên vẫn kiêu ngạo, thật ra là không biết giải thích như thế nào, chỉ có thể tiếp tục giữ vẻ cao ngạo, mới có thể làm cho người ta không hỏi tiếp nữa.
“Đừng vội đừng vội.” Nụ cười của Tử Dương cư sĩ ngược lại còn tươi hơn: “Bài thơ này là để đưa tiễn ta đúng không?”
Hứa Tân Niên gật đầu.
“Không bằng lão phu thay ngươi đặt một cái tên được không?”
Đại kỳ thủ Lý Mộ Bạch và bậc thầy binh pháp Trương Thận đột nhiên hiểu được dụng ý của ông ta, trong lòng cảm thấy chua như chanh vậy.
“Vậy thì gọi là ‘Đình Miên Dương đưa tiễn Dương Chu đến Thanh Châu’ thấy thế nào?” Đường đường là bậc đại nho, trong mắt lại đầy vẻ chờ mong.
“Cũng được!” Hứa Tân Niên phách lối theo thói quen, nhưng sau đó nhận thấy thái độ của mình thiếu cung kính, liền bổ sung: “Toàn bộ nhờ tiên sinh làm chủ.”
“Lão tặc vô sỉ!”
“Hừ!”
Hai vị đại nho càng ganh tị hơn.
“Đây chính là vận may của ta.” Tử Dương cư sĩ cười lớn, chắp tay với hai vị kia một cách dương dương tự đắc.
Thời buổi thi từ suy thoái như hiện nay, nếu bài thơ này được truyền đi, nhất định sẽ gây oanh động trong giới nho gia, sẽ được học sinh trong thiên hạ ca tụng.
Danh tiếng của Tử Dương cư sĩ cũng sẽ theo đó mà nổi lên. Ông ta làm thế tương đương với việc buộc chặt tên ông ta vào bài thơ.
Nếu bài thơ này trở thành tác phẩm kinh điển, thì cái tên Tử Dương cư sĩ cũng được lưu truyền thiên cổ.
Kiệt tác như thế này, được lưu truyền hậu thế là điều vô cùng có khả năng.
Nhưng điều mà hai vị đại nho hận nhất là Hứa Tân Niên dùng thân phận học sinh để tặng thơ cho sư trưởng. Bên trong tên bài thơ không nên xuất hiện tục danh, mà nên dùng ‘tên chữ’ hoặc là ‘hiệu’. Chỉ có cùng thế hệ hoặc là hảo hữu mới có thể dùng tên chính.
Có thể thấy được rằng lão tặc này vì muốn dương danh mà sĩ diện cũng quăng đi rồi.
Mơ ước lớn nhất của người đọc sách là gì? Tu thân trị quốc bình thiên hạ ư? Không, đây là lý tưởng, không phải ước mơ.
Trăm ngàn năm qua, mơ ước lớn nhất của người đọc sách chỉ có một: Lưu danh sử sách!
Hai vị đại nho đố kị đến đỏ cả mắt.
Là sư trưởng, Trương Thận nhận ra có thể đây không phải là bài thơ do chính học sinh mình làm. Nhưng ông ta không vạch trần, học sinh mình có thể được Tử Dương cư sĩ ưu ái, đó là phúc phần của y. Người làm thầy như ông ta cũng cảm thấy cao hứng.
Trong tiếng thảo luận sôi trào của đám học sinh, Hứa Tân Niên tằng hắng một cái, nói rõ sự thật: “Lão sư, hai vị tiên sinh, thơ này không phải do học sinh làm, mà là của người khác.”
Tiếng thảo luận phút chốc dừng lại.
Vẻ mặt của ba vị đại nho không giống nhau. Trương Thận bừng tỉnh, lộ ra vẻ quả nhiên là như vậy.
Lý Mộ Bạch cảm thấy kinh hãi, rất là bất ngờ.
Phản ứng của Tử Dương cư sĩ là lớn nhất, vọt tới hai bước, vội vàng hỏi: “Là ai? Là học sinh thư viện chúng ta ư? Có mặt ở đây không?”
Ánh mắt ông ta vội lướt qua Hứa Tân Niên, dáo dác tìm tòi trong đám học sinh.
“Là gia huynh!” Hứa Tân Niên khẽ giương cằm lên, duy trì vẻ kiêu ngạo.
Đám học sinh yên lặng lại bắt đầu xôn xao:
“Huynh trưởng của Hứa Từ Cựu ư?”
“Đi học ở đâu, sao chưa từng nghe qua nhân vật này nhỉ?”
“Ơ… Nhớ không lầm thì Hứa Từ Cựu là con trưởng mà?”
“Từ Cựu, cao tính đại danh của huynh trưởng ngươi là gì? Sư thừa là ai… y da, ngươi giấu kỹ thật đấy, tài làm thơ cỡ này vậy mà bọn ta chưa nghe bao giờ cả.”
Các học sinh nôn nóng không kìm được.
Ba vị đại nho cũng nhìn Hứa Tân Niên.
Chết… Mình không nên nghe theo lão cha thô lỗ, nói ra lão ca thô bỉ… Trông thấy ánh mắt nóng bỏng của đám học sinh, Hứa Tân Niên nhận ra sai lầm của mình.
Tất cả đều là hạ phẩm, chỉ có đọc sách là cao, có thể thấy người đọc sách kiêu ngạo thế nào, chính Hứa Tân Niên cũng vậy.
Người đọc sách của Thư Viện Vân Lộc càng kiêu ngạo hơn.
Nếu như Hứa Thất An cũng là người đọc sách, thì bọn họ sẽ khâm phục, ngưỡng mộ. Còn để cho mọi người biết chẳng qua là một nha dịch, họ sẽ nổi lên cảm xúc tiêu cực.
Một tên nha dịch thấp hèn mà có thể làm ra bài thơ bảy chữ tuyệt tác như thế, vậy thì mặt mũi của chúng ta quẳng đi đâu?
Hứa Tân Niên cố lấp liếm: "Gia huynh… Ở nhà mài dùi kinh điển, không ở Thư Viện Vân Lộc, cũng không ở Quốc Tử Giám. Huynh ấy… Tính tình huynh ấy đạm bạc, không thích hơn thua, không mong công danh, chỉ muốn sống đến khi bạc đầu."
Khí tiết như thế đúng thật là gương mẫu của đời mình, khiến người ta thật ngưỡng mộ… Đám học sinh của Thư Viện Vân Lộc hoàn toàn bị khuất phục, nổi lên tâm tư muốn kết giao.
Hạng nhất không có gì bất ngờ, ngọc bội tím được trao cho Hứa Tân Niên. Tử Dương cư sĩ vui vẻ tạm biệt mọi người, trong lòng sáng tỏ, lúc leo lên xe ngựa chợt lưu lại một câu:
"Đại tài như thế, không thể để viên ngọc sáng này bị long đong. Thuần Tĩnh, Cẩn Ngôn, hai ông cảm thấy thế nào?"
Chẳng biết hai vị đại nho nghe không hiểu thật, hay là giả vờ không hiểu, chỉ im lặng đưa tiễn Tử Dương cư sĩ. Khi xe ngựa khuất bóng, Lý Mộ Bạch đột ngột kéo tay Hứa Tân Niên, dẫn y sang một bên: "Từ Cựu, đột nhiên lão phu muốn thu đồ đệ. Hôm nay rảnh rỗi, dẫn ta đi gặp huynh trưởng ngươi đi."
Trương Thận vội nói: "Từ Cựu, nếu như con và huynh trưởng cùng bái lão phu làm thầy, chẳng phải là một câu chuyện đẹp hay sao."
Biết làm thơ hay không, không quan trọng. Chủ yếu là không thể để mai một nhân tài như vậy.
Nếu như sau này ngẫu nhiên làm được một bài thơ kinh điển nữa, chẳng hạn 'Thầy ta Trương Thận' kiểu như vậy, chẳng phải là một chuyện rất tốt ư.
Lý Mộ Bạch không vui nói: "Binh pháp không phải thứ quan trọng. Người đọc sách, trước phải học kinh nghĩa, thông sách luận, tu thân tề gia."
"Ha… Vậy kỳ đạo quan trọng lắm chắc? Hơn nữa còn thua không ngẩng đầu lên nổi, chẳng thắng được Ngụy Uyên lấy một ván." Trương Thận hừ một tiếng.
"Lão tặc, ông im đi, đừng có lôi Ngụy Uyên ra trước mặt ta. Từ trước đến giờ, lão phu luôn yêu quý nhân tài, học sinh này lão phu nhất định phải thu."
"Lão thất phu, ông thì yêu quý nhân tài cái khỉ khô gì. Ông thèm khát thi tài của người ta thì có."
"Lão tặc vô sỉ, có tin một hơi hạo nhiên chính khí của ta đập chết ông hay không?"
"Làm như lão phu không có chắc."
Hứa Tân Niên rợn hết cả người.
Đám học sinh phía xa cũng cực kỳ hoảng sợ, chẳng biết xảy ra chuyện gì mà hai vị đại nho cãi nhau đến đỏ mặt tía tai, thậm chí có xu hướng đánh nhau.