Cách đây ba mươi năm, “Quỷ thôn” mà chủ khách xá vừa nhắc đến vốn là một thôn làng tên là thôn Ngưu Gia. Vào tháng ba năm Thái Xương thứ hai mươi, cả thôn gồm hai trăm hai mươi nhân khẩu bỗng chết thảm chỉ sau một đêm, máu chảy ra từ thất khiếu. Quan phủ điều tra nhưng không tìm ra nguyên nhân, chỉ có thể vội vàng chôn cất toàn bộ thi thể. Đến ngày thất tuần, vài người phụ nữ lấy chồng xa trở về cúng bái đã hớt hải đến trình báo với huyện úy, nói rằng trong lúc canh giữ đã gặp phải một nữ quỷ.
Nữ quỷ ấy bảo rằng nàng vốn là một thai phụ, trên đường đi qua thôn Ngưu Gia thì bị tổ tiên trong thôn nổi cơn háo sắc, hãm hại đến chết, thi thể còn bị vứt xuống sông. Dẫu đã trăm năm trôi qua, oan khí vẫn không tiêu tan, nàng ta hóa thành lệ quỷ quay lại báo thù. Hai trăm hai mươi mạng người trong thôn đều bị nàng ta giết. Nữ quỷ còn cảnh báo rằng thôn Ngưu Gia là nơi ô uế, về sau bất kỳ ai đặt chân đến đây hay cúng bái đều sẽ chịu lời nguyền chết bất đắc kỳ tử.
Huyện úy không tin, dẫn theo đám lại dịch đến điều tra. Nào ngờ, chính ông ta cũng gặp phải nữ quỷ. Kinh hãi trở về, chưa được bao lâu đã đột tử. Từ đó, lời đồn về việc cả thôn Ngưu Gia bị lệ quỷ tàn sát lan rộng, không ai dám bén mảng đến nơi này. Thôn Ngưu Gia vì thế mà trở thành Quỷ thôn nổi tiếng khắp vùng.
Trên lưng ngựa, Thôi Tuần chau mày suy nghĩ về những lời của chủ khách xá. Lý Doanh ngồi trước hắn, bất giác ngoảnh lại hỏi: “Chàng định đến Quỷ thôn sao?”
Hắn gật đầu: “Nếu đi đường tắt qua đó để đến thành Củng Châu thì sẽ nhanh hơn bảy, tám ngày.”
“Chàng không sợ bị nữ quỷ nguyền rủa à?”
Thôi Tuần khẽ cười: “Thế đạo này, người còn đáng sợ hơn quỷ.”
Lý Doanh nghĩ đến Vương Nhiên Tê vì ghen ghét mà muốn hại nàng, biểu tỷ Thẩm Dung vì dã tâm mà muốn giết nàng, và cả… cha ruột của nàng. Nàng cười cay đắng: “Chàng nói đúng, người còn đáng sợ hơn quỷ.”
Hắn không khuyên nhủ thêm, chỉ quất roi thúc ngựa. Gió hè mát rượi phả lên mặt nàng, những con đường cổ, núi xanh, nước biếc trải dài trước mắt. Tiếng vó ngựa lộc cộc như hòa vào không gian rộng lớn, tâm trạng u sầu ban nãy cũng dần tan biến. Trời đất mênh mông, con người như hạt cát, chuyện cũ đã theo gió bay xa, chỉ có thể trân trọng người trước mắt.
Thôi Tuần thấy nàng đã bớt ủ rũ, liền ghìm cương ngựa: “Chúng ta đến Quỷ thôn nào.”
–
Lý Doanh cùng Thôi Tuần theo hướng mà chủ nhân khách xá chỉ dẫn, ngựa phi nhanh trên quan đạo hoang phế, cuối cùng dừng lại trước một tấm bia đá khắc dòng chữ “thôn Ngưu Gia.”
Thôi Tuần nhảy xuống ngựa trước, sau đó mới vòng qua đỡ Lý Doanh xuống. Hai người đứng trước tấm bia, phóng tầm mắt nhìn về phía trước, chỉ thấy những ngôi nhà tồi tàn, xiêu vẹo mọc rải rác trên mảnh đất khô cằn. Ngay cả cây cối cũng trơ trụi, lá vàng úa, hoàn toàn không có lấy chút xanh tươi, um tùm thường thấy vào đầu hạ. Thỉnh thoảng, từ trong thôn lại vang lên vài tiếng gào hú của dã thú, càng khiến nơi đây thêm phần quỷ dị, đáng sợ.
Thôi Tuần và Lý Doanh trao nhau một ánh mắt, sau đó Thôi Tuần dắt ngựa, định tiến vào thôn. Nhưng con ngựa Khang Cư bỗng tỏ ra bồn chồn, bất luận Thôi Tuần thúc giục thế nào cũng không chịu tiến thêm một bước. Lý Doanh khẽ nói: “Người ta thường bảo ngựa có linh tính, cảm nhận được nguy hiểm xung quanh. Xem ra thôn làng ma quái này quả thật không đơn giản.”
Thấy Khang Cư như vậy, nét mặt Thôi Tuần thoáng vẻ do dự. Nhìn ra tâm tư của hắn, Lý Doanh nhẹ giọng bảo: “Thập Thất lang, chàng không cần vì lo lắng cho an nguy của ta mà từ bỏ ý định vào thôn. Ta vốn đã là hồn ma, còn sợ gì ma quỷ nữa?”
Nghe vậy, Thôi Tuần bật cười, rồi buộc ngựa Khang Cư vào một gốc cây lớn gần đó. Hắn nói: “Vậy thì chúng ta vào xem thử, rốt cuộc là người làm loạn, hay là ma tác quái.”
–
Thôn làng ma quái này đã bị bỏ hoang ba mươi năm, đến nỗi không khí cũng nồng nặc mùi ẩm mốc, mục nát. Vừa bước chân vào thôn, hiện ra trước mắt họ là hai trăm hai mươi tấm bia mộ bằng gỗ, kèm theo từng ụ đất nhấp nhô. Những tấm bia dày đặc, xiêu vẹo, trên đó ghi chi chít tên người.
Thôi Tuần giẫm lên dây leo khô héo dưới chân, đi tới trước một tấm bia. Ngón tay hắn phủi qua, lớp bụi dày lập tức bay tung tóe, lộ ra bề mặt bia mộ đã lâu không được ai hương khói. Hắn đứng thẳng người, nhìn bao quát những bia mộ xung quanh. Linh cảm mách bảo rằng có điều gì đó bất thường ở đây, nhưng rốt cuộc bất thường ở đâu, nhất thời hắn vẫn chưa thể nói rõ.
Không rõ vì lý do gì, vừa đến gần những tấm bia, Lý Doanh liền cảm thấy đầu óc choáng váng, cả thân thể như cạn kiệt sức lực. Nàng níu lấy vạt áo của Thôi Tuần, sắc mặt tái nhợt: “Những phần mộ này có điểm bất thường, chúng ta nên tránh xa ra một chút thì hơn.”
Vừa dứt lời, cảm giác chóng mặt càng thêm nghiêm trọng, đến mức nàng không đứng vững. Thôi Tuần thấy thế, lập tức bế nàng lên, bước nhanh ra xa vài trượng. Đến khi nàng đã khá hơn, hắn mới đặt xuống, lo lắng hỏi: “Nàng không sao chứ?”
Lạ kỳ thay, rời khỏi khu mộ vài trượng, Lý Doanh liền cảm thấy tinh thần tốt hơn nhiều, cảm giác choáng váng cũng biến mất. Nàng cau mày nhìn những ụ đất nhô lên, lắc đầu nói: “Không sao.”
Nàng lại tiếp: “Chúng ta qua chỗ khác xem thử.”
–
Hai người cùng đi tìm khắp nơi trong thôn làng, nhưng ngoài những bức tường đổ nát, họ không phát hiện ra điều gì bất thường. Một lát sau, trời cũng dần tối, Thôi Tuần thắp sáng hỏa thạch, chậm rãi quan sát những căn nhà hoang tàn xung quanh, suy nghĩ một hồi rồi nói: “Những căn nhà này, có điểm gì đó rất lạ.”
Lý Doanh ngạc nhiên: “Lạ ở chỗ nào?”
“Những ngôi nhà bình thường đều phải xây theo hướng Bắc Nam, nhưng ở đây, tất cả các ngôi nhà đều xây theo hướng Đông Tây, và vị trí bên phải, hướng Bạch Hổ, lại cao hơn hẳn so với bên trái, hướng Thanh Long. Cảnh tượng này tựa như lời mà các thầy phong thủy hay nói, “Bạch Hổ Sát”.”
Lý Doanh nghe đến đây liền rùng mình. “Bạch Hổ Sát” là hung sát đứng đầu trong thuật phong thủy, phạm phải nó sẽ dễ gặp tai họa đổ máu. Nàng nhìn kỹ những căn nhà này, bên ngoài vẫn còn để những nông cụ han gỉ. Lý Doanh nói: “Người trong thôn Ngưu Gia hẳn đều là dân thường, họ đâu biết gì về Bạch Hổ Sát. Dù có biết, cũng không thể tự tay sắp xếp nhà cửa mình theo cách này.”
Trừ phi… có kẻ trong bóng tối đã cố ý dẫn dắt họ tạo nên cục diện Bạch Hổ Sát.
Thôi Tuần đã đẩy cánh cửa gỗ khép hờ ra: “Có lẽ trong nhà sẽ có gì đó để khám phá.”
–
Vừa bước vào, một luồng hơi lạnh thấu xương ập tới. Nhìn cách bày biện bên trong, có thể nhận ra đây là một căn nhà nông dân vô cùng đơn sơ. Hầu như không có đồ đạc gì, chỉ có một chiếc bàn gỗ thô sơ, xem ra đây là gian chính của căn nhà. Từ đây nhìn vào, có thể thấy một chiếc giường gỗ mục nát, còn bên trái là một căn bếp nhỏ hẹp, trong đó chất đầy cỏ dại ẩm mốc. Có lẽ chúng được dùng để đốt lửa, nhưng gia đình bình thường không phải dùng củi hoặc than sao?
Phía sau vang lên giọng nói trầm thấp của Thôi Tuần: “Củi đã bị tiều phu đốn rồi đem bán, những hộ nông dân nghèo như thế này không mua nổi củi, chứ đừng nói đến than. Họ chỉ có thể dùng cỏ dại để nhóm lửa.”
Lý Doanh lúc này mới hiểu ra. Những gì nàng tưởng là gia đình bình thường, thực ra lại dựa trên tiêu chuẩn của một quan viên tứ phẩm như Thôi Tuần hoặc một phú thương như Ngư Phù Nguy, chứ không phải là những hộ nông dân khốn khó nhất Đại Chu.
Nàng thoáng cảm thấy hổ thẹn, lẩm bẩm: “Tích xưa có chuyện Tấn Huệ Đế nói “Sao không ăn thịt?” [1] Hôm nay, ta và ông ấy cũng chẳng khác gì nhau.”
[1] “Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?” Trên là câu nói nổi tiếng của Tấn Huệ Đế – Tư Mã Trung. Huệ đế là Hoàng đế thứ hai của triều Tấn, được cho là ngây ngô, ngớ ngẩn. Câu nói trên được phát ngôn khi Hoàng đế nghe tấu trình về nạn đói. Cũng bởi sự ngây ngô của Hoàng đế nên thời kì trị vì của Tấn Huệ Đế chỉ có thể tóm gọn trong một từ “lũng đoạn”. Sự lũng đoạn mở đầu từ Giả hậu Giả Nam Phong – con gái đại thần Giả Sung. Sau đó là thế cục “Bát vương chi tranh – Loạn bát vương” – sự kiện đánh dấu sự suy yếu của triều Tấn và mở ra thời kì “Ngũ Hồ thập lục quốc”. Nguồn chú thích: Fanpage Tư Duy Lịch Sử
Thôi Tuần an ủi: “Nàng là công chúa, sống lâu ngày trong cung cấm, không hiểu được nỗi khổ của dân gian cũng là điều dễ hiểu.”
Thế nhưng lời an ủi ấy chẳng thể khiến tâm trạng Lý Doanh khá hơn bao nhiêu. Nàng nhìn căn bếp nhỏ hẹp tối tăm, không khỏi cảm thán: “Căn nhà nông dân này còn chẳng lớn bằng một phòng ngủ trong Phượng Dương các của ta. Thì ra, đây chính là cuộc sống của nông dân Đại Chu ba mươi năm trước.”
Nàng nhớ lại câu thơ của Khuất Nguyên nước Sở: “Ai dân sinh chi đa gian” (Thương nỗi đời dân lắm gian truân). Trước kia, khi học đến câu này, nàng chỉ cảm thấy thoáng buồn, bởi lẽ dân sinh đối với nàng cách quá xa. Từ nhỏ, nàng được nuôi dưỡng trong nhung lụa, cẩm y ngọc thực mà lớn lên, chưa từng chịu khổ, cũng chưa từng đói khát. Vì vậy, nàng không thể thật sự thấu hiểu ý nghĩa của câu thơ ấy.
Ngay cả sau khi rời khỏi hồ sen, trải qua bao chuyện, nàng vẫn chưa từng bước ra khỏi Trường An, làm sao có thể biết rằng, bên ngoài Trường An lại là một thế giới khác?
Chỉ đến hôm nay, nàng mới hiểu rõ thế nào là “dân sinh chi đa gian.”
Đôi khi, những gì mắt thấy mang đến tác động mạnh hơn rất nhiều so với những gì đọc được trong sách vở.
Khi nàng đang mải miết suy nghĩ, chợt nghe thấy một âm thanh khác thường, Thôi Tuần cũng nghe thấy. Hai người bước nhẹ đến bên cửa sổ căn bếp, qua ô cửa gỗ bám đầy mạng nhện nhìn ra ngoài.
Nhìn một cái, cả hai đều sững người.
Dưới ánh trăng trắng nhợt nhạt treo lơ lửng trên bầu trời, thôn làng ma quái ban nãy vốn không một bóng người, giờ đây lại dần dần hiện lên những bóng dáng vận áo vải thô sơ. Có lão nhân tóc bạc, có thiếu niên non nớt, có hán tử vạm vỡ mang cuốc trên lưng, cũng có phụ nhân yếu đuối ôm đứa trẻ trong lòng.
Đám người tụm năm tụm ba cười nói rôm rả. Trong ánh trăng trắng bệch, cảnh tượng ấy càng thêm phần rợn người.
Lý Doanh rùng mình, từng sợi tóc gáy dựng đứng: “Những người này… từ đâu chui ra vậy?”
Thôi Tuần nhìn chằm chằm vào đám đông hơn trăm người đang tụ họp, hắn chợt nhớ tới từng gò đất nhô lên ở đầu thôn, bèn bình thản nói: “Không phải những người này, mà là những oan hồn kia.”
Lý Doanh kinh ngạc, nàng chăm chú quan sát kỹ lại đám người, quả nhiên những thôn dân kia không hề có chút hơi thở của người sống, đúng như lời Thôi Tuần, không phải con người, mà chính là quỷ.
Nàng định hỏi Thôi Tuần rằng đây có phải là thôn dân của thôn Ngưu Gia, những người được đồn đoán đã bị lệ quỷ sát hại hay không, thì bất chợt cảm thấy có thứ gì đó níu nhẹ vào vạt váy mình. Nàng không kiềm được cúi đầu nhìn xuống, vừa nhìn thấy đã suýt hồn phi phách tán.
Nàng thét lên, cả người lao vào lòng Thôi Tuần, đẩy hắn loạng choạng lùi lại mấy bước. Hắn thoáng chần chừ, nhưng cuối cùng vẫn đưa tay ôm lấy nàng, như muốn an ủi. Đôi mắt hắn không rời khỏi người đã dọa Lý Doanh đến hoảng sợ, hóa ra đó là một đứa trẻ khoảng năm, sáu tuổi, đang ngẩng đầu, tò mò nhìn hai người bọn họ.
Đứa trẻ mở miệng, giọng nói hồn nhiên vô tư: “Hai người là ai? Sao lại vào nhà của em?”
Lý Doanh run rẩy nép chặt trong lòng Thôi Tuần, tay bấu lấy hắn không rời. Trái lại, giọng Thôi Tuần vẫn bình tĩnh như nước: “Chúng ta là khách qua đường, chỉ muốn ghé xin ngụm nước.”
“Là khách qua đường à, em còn tưởng hai người là thần tiên chứ.”
Thôi Tuần bật cười, thậm chí còn đưa tay xoa đầu đứa trẻ: “Em tên là gì? Năm nay mấy tuổi rồi?”
Đứa trẻ chớp chớp mắt, đếm ngón tay rồi đáp: “Em tên là Lý Nhi, năm nay sáu tuổi.”
“Lý Nhi…” Thôi Tuần gật gù, hắn chỉ ra ngoài cửa sổ: “Vậy những người bên ngoài là ai?”
“Là a gia, a nương của em, và cả người trong thôn nữa.”
Quả nhiên, những oan hồn ngoài cửa sổ chính là thôn dân của thôn Ngưu Gia, toàn bộ đã chết một cách đầy bí ẩn.
Thôi Tuần lại hỏi: “Họ đang làm gì vậy?”
“Trời sáng rồi, họ phải ra đồng làm việc.”
Trời sáng rồi ư…
Lý Doanh tràn ngập nghi hoặc, nàng không nhịn được nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh trăng trắng nhợt treo lơ lửng trên bầu trời, trông đặc biệt chói mắt. Nàng không khỏi thốt lên: “Đây chẳng phải là ban đêm sao?”
Đứa trẻ nhìn nàng, vẻ mặt rất kỳ lạ: “Bên ngoài là mặt trời mà, sao lại là ban đêm được?”
Lý Doanh càng thêm ngờ vực, nhưng đột nhiên cảm nhận được tay áo bị Thôi Tuần kéo nhẹ. Nàng lập tức hiểu ý, ngậm miệng không nói gì thêm. Thôi Tuần ôn tồn hỏi: “Ồ~ trời sáng rồi, vậy Lý Nhi định làm gì nào?”
“A gia, a nương đi làm rồi, em phải ở nhà nấu cơm, chờ họ về.”
Nói xong, Lý Nhi ngồi xuống bên bếp đất, nhét cỏ dại vào trong lò. Nhúm cỏ dại đó ẩm ướt và mốc meo, căn bản không thể nào cháy được, nhưng Lý Nhi lại chống cằm, lẩm bẩm một mình: “Lửa lớn quá, phải nhỏ hơn chút.”
Cậu bé thực sự dùng kẹp gắp lửa đảo nhẹ vài cái, dáng vẻ như thể những nhành cỏ kia đã bùng cháy ngùn ngụt. Cảnh tượng kỳ dị này khiến sống lưng Lý Doanh lạnh toát, trong khi Thôi Tuần vẫn điềm nhiên nói: “Lý Nhi, ta có bánh hồ đây, em đừng nấu cơm vội, hãy đưa ta đi gặp a gia, a nương của em trước đã.”