Dương xuân tháng ba, vạn vật hồi sinh.
Tại tây thị Trường An, thương nhân tụ hội, người qua lại như mắc cửi. Một tửu quán gần đại lộ Chu Tước vô cùng náo nhiệt, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng cười nói của các vũ nữ Hồ tộc và thực khách. Bên ngoài tửu quán, một thương nhân Hồ tóc vàng dắt theo lạc đà chở đầy hàng hóa chậm rãi đi qua. Trên nhã tọa tầng hai của tửu quán, hai vị lang quân trẻ tuổi trong thường phục sắc hồng ngồi đối diện nhau, vừa thưởng thức khung cảnh phồn hoa của đại lộ Chu Tước, vừa uống rượu đàm đạo.
Không biết hai người đã bàn đến chuyện gì, một người trẻ tuổi, khí phách mạnh mẽ bỗng giận dữ đập mạnh chén rượu xuống bàn: “Thôi Tuần ngang nhiên đào xới quan đạo, ta đã dâng mười phong tấu chương buộc tội hắn, nhưng đều như đá chìm đáy biển, thật đáng giận!”
Vị lang quân ấy chính là Quốc tử Tư nghiệp Lư Hoài, người từng không phục Thôi Tuần tại yến tiệc trừ tịch. Nay, hắn đã được điều nhiệm làm Đại Lý Tự Thiếu khanh. Công việc đầu tiên sau khi nhậm chức, là gửi tặng Thôi Tuần một vò rượu hình hoa sen khắc đầu phượng để châm biếm.
Người đối diện hắn là Hoàng môn Thị lang, [1] Vương Huyên, người từng chế nhạo Thôi Tuần lấy sắc thờ người, sắc suy tình mỏng. Hắn dùng giọng điệu ôn hòa, khuyên nhủ: “Hoài Tín, ta khuyên ngài không nên dâng tấu nữa. Thái hậu căn bản không có ý muốn trị tội Thôi Tuần.”
[1] Thị lang là phó quan, đứng sau Thị trung. Hoàng môn Thị lang là phó quan của Môn hạ tỉnh, phụ trách kiểm tra phân loại tấu chương của triều thần; phúc thẩm các chiếu, sắc của Trung thư tỉnh. Nguồn chú thích: Wikipedia
Lư Hoài ngẩn ra: “Tại sao? Chẳng phải Thôi Tuần đã bị Thái hậu phạt đánh trăm trượng, lại còn cách chức sao? Hắn hẳn đã thất sủng với Thái hậu rồi chứ?”
Vương Huyên nhấp nhẹ một ngụm rượu nho mỹ tử, đáp: “Cho dù thất sủng, nhưng ta đoán, lần này Thái hậu sẽ không trừng trị hắn.”
Lư Hoài trầm ngâm. Vương Huyên là Hoàng môn Thị lang, gần gũi Thánh nhân, phỏng đoán thượng ý đương nhiên cao minh hơn hắn. Hắn nói: “Nguyện nghe cao kiến.”
Vương Huyên hạ chén rượu, cười nhạt: “Ngài có nghe nói đến việc thi thể Thịnh Vân Đình, cựu Ngu hầu Thiên Uy quân, bị đào lên hay không?”
“Có nghe phong thanh. Nghe nói là do Thôi Tuần phát hiện bên ngoài cửa Thông Hóa, ngay trên quan đạo.”
“Vậy thì thi thể ấy, làm sao lại nằm ở quan đạo được?”
Lư Hoài sửng sốt: “Không phải là bị sơn tặc giết hại sao?”
Vương Huyên nhếch môi, vẻ mặt hàm ý sâu xa: “Phải hay không, ta không dám chắc. Nhưng tướng quân Quách Cần Uy, chủ soái Thiên Uy quân năm xưa, là người được Thái hậu đích thân nâng đỡ.”
“Không phải Quách Cần Uy khi xưa vốn chỉ là một vị tòng thất phẩm chiết xung phủ giáo úy, tổ tiên đều bán giày cỏ sao? Nói đúng ra là hàn môn trong hàn môn. Vì nhận ra sự tài giỏi của ông ta nên Thái hậu mới trọng dụng, đề bạt lên làm Phó đô hộ An Tây đô hộ phủ. Quả không làm Thái hậu phải thất vọng, ông ta tự tay thành lập Thiên Uy quân, toàn bộ đều là những người xuất thân hàn môn. Thiên Uy quân đánh Đột Quyết nhiều lần đại thắng, trở thành lá cờ sáng ngời nhất của Đại Chu.”
Lư Hoài cười nhạt, ngắt lời: “Thế thì sao? Chẳng phải sáu năm trước, trong trận đánh với Đột Quyết, Quách Cần Uy khinh địch, dẫn đến toàn quân Thiên Uy gồm năm vạn người bị tiêu diệt trong trận Lạc Nhạn Lĩnh sao? Cũng vì vậy mà Đại Chu mất đi sáu châu trong Quan Nội Đạo, từ Phong, Hựu, Thắng, Diêm, Hạ, Thanh. Bách tính sáu châu chịu cảnh lầm than, nạn dân tay trần chạy trốn nghìn dặm về Trường An, tiếng khóc vọng trời. Nếu không nhờ Bùi Thượng thư Bùi Quan Nhạc, đánh bại Đột Quyết ở Ninh Sóc, chỉ e kỵ binh Đột Quyết đã tiến vào Trường An rồi. Một thất bại nhục nhã như vậy, dù trước đó Quách Cần Uy có lập được bao nhiêu công trạng thì cũng không thể bù đắp nổi!”
Vương Huyên yên lặng lắng nghe, không tiếp lời ngay. Hắn thong thả uống thêm một chén rượu nho, rồi đáp: “Sáu năm trước, Thánh nhân đã tự mình chấp chính. Nhưng lúc đó, quyền bổ nhiệm quan chức, định đoạt chính lệnh vẫn nằm chắc trong tay Thái hậu. Trong triều, đa phần quan lại đều xuất thân hàn môn, thế gia hầu như không còn chỗ đứng. Sau trận Lạc Nhạn Lĩnh, sáu châu bị đánh mất, núi sông rách nát, sĩ tử và nho sinh trong thiên hạ dâng tấu thư oán trách, cho rằng Thái hậu không có mắt nhìn người. Ngay cả Quốc Tử Giám cũng có hơn nghìn học sĩ quỳ trước cổng Đan Phượng, viết sớ bằng máu, chỉ trích nữ nhân làm loạn triều chính, yêu cầu Thái hậu trao trả quyền lực cho Thánh nhân. Cuối cùng, Thái hậu không chịu nổi áp lực đã phải nhận tội, giao quyền và lui về ở ẩn tại điện Bồng Lai. Từ đó, Thánh nhân mới thực sự có quyền bổ nhiệm quan chức. Dù hiện tại thế lực Thái hậu vẫn còn mạnh, nhưng so với quyền thế che trời của sáu năm trước, thì đã suy yếu đi nhiều rồi. Chẳng phải ít nhất, chức vị Thượng thư Tả bộc xạ [2] hiện nay cũng thuộc về thúc phụ của ngài đấy thôi, Hoài Tín.”
[2] Tả Bộc Xạ: Là một chức quan văn. Thời Hán, chức quan này là tùy viên của Thượng Thư Lệnh (chuyên coi sóc về xét duyệt tấu chương, chiếu biểu, có thể hiểu giống như chức Chánh Thư Ký Văn Phòng Nội Các bây giờ). Từ thời Tùy – Đường trở đi, Bộc Xạ tương đương chức Tể Tướng, và chia làm Tả Bộc Xạ và Hữu Bộc Xạ (Hữu Bộc Xạ thấp hơn Tả Bộc Xạ).
Lư Hoài nghi hoặc: “Bác Diễn, những điều ngài nói, ta đều biết cả. Nhưng chuyện này thì có liên quan gì đến việc Thái hậu không muốn trừng trị Thôi Tuần?”
Vương Huyên nhẹ nhàng đặt chén rượu xuống bàn, khóe môi hiện lên nét cười khó hiểu: “Thái hậu năm xưa dù bất đắc dĩ trao quyền, nhưng chuyện về Thiên Uy quân có thật sự khép lại hay chưa? Ngài thử nghĩ xem, nếu ngài là Thái hậu, có thể hoàn toàn bỏ qua những oán hận này không?”
Lư Hoài suy ngẫm một lúc, chậm rãi gật đầu: “Oán hận thì đương nhiên có, nhưng… chuyện này thì có liên quan gì đến Thôi Tuần?”
Vương Huyên không trả lời ngay, chỉ cười không nói. Lư Hoài nhìn thấy vẻ mặt ấy, tâm tư hắn xoay chuyển, rồi bỗng bừng tỉnh: “Ta hiểu rồi! Thái hậu không muốn trừng trị Thôi Tuần, chẳng phải vì muốn mượn chuyện Thịnh Vân Đình bị sát hại để làm dậy lên sóng gió, từ đó buông rèm chấp chính trở lại?”
Lư Hoài càng nghĩ càng giận, đập mạnh tay xuống bàn: “Thảo nào khi Thôi Tuần tự tiện đào quan đạo, Thái hậu lại làm ngơ không màng. Hóa ra đây chính là toan tính của bà ta! Bước tiếp theo, chẳng lẽ Thái hậu định sai con chó săn trung thành là Thôi Tuần, cắn ngược lại các trọng thần trong triều, vu cáo rằng Thịnh Vân Đình bị kẻ gian ám hại? Rồi đổ tội rằng Thiên Uy quân diệt vong không phải vì khinh địch mà là triều đình không kịp cứu viện, để từ đó lật lại sự kiện thảm bại sáu năm trước?”
Vương Huyên nói: “Lật lại thì chưa đến mức, Thiên Uy quân vốn đã là quân đội thất địa bị người đời phỉ nhổ, chuyện này sớm đã định luận, không thể tranh cãi. Thái hậu không cần phải dấn thân vào vũng nước đục này. Theo ta thấy, bà ta không trừng trị Thôi Tuần, chính là cố ý làm trò cho các đại thần từng ép bà thoái vị sáu năm trước xem. Thái hậu muốn cho họ thấy rằng, “con rết trăm chân, chết mà không ngã”. Dù bà ta đã lui về điện Bồng Lai, nhưng chỉ bằng một bộ xương khô thật giả khó phân, cũng có thể khiến bọn họ lo sợ không yên!”
Lư Hoài vốn căm ghét gian trá, lúc này giận đến mức mắt trợn trừng, nghiến răng nghiến lợi nói: “Từ trước đến nay ta ghét nhất là mưu mô xảo quyệt, giờ nhìn lại, cái gọi là xác chết chôn dưới quan đạo, chắc chắn cũng là một màn kịch của Thôi Tuần! Việc nước, máu và nước mắt của dân chúng sáu châu, lại có thể trở thành công cụ để hắn lũng đoạn quyền hành!”
Nói xong, Lư Hoài liên tiếp uống cạn ba chén rượu nho, hơi men bốc lên, hắn không cam lòng nói: “Bác Diễn, ngài nhìn thấu chuyện này như vậy, chẳng lẽ không có cách nào để nhân cơ hội này trừ khử hạng gian thần như Thôi Tuần hay sao?”
Vương Huyên hơi khựng lại, vẻ mặt do dự, nhưng cuối cùng chỉ uống cạn một chén rượu, lắc đầu nói: “Ta, Vương Bác Diễn, chỉ là một thứ tử của Vương gia, có thể làm đến chức Hoàng môn Thị lang đã là mãn nguyện. Ta không có chí lớn cứu đời, chỉ mong được sống bình yên cùng mẹ già vợ thơ. Chín tầng trời kia quá cao, ta không có tâm cũng không có gan.”
Lư Hoài thất vọng lớn, nói: “Bác Diễn, ngài là trạng nguyên, đứng đầu điện thí mà!”
Vương Huyên chỉ lắc đầu: “Hoài Tín, ta và ngài không giống nhau. Ngài là cháu ruột của tể tướng, tuổi trẻ năm lăng, có chuyện gì xảy ra cũng có Lư tướng công che chở. Ngài dám gửi rượu sen trêu chọc Thôi Tuần, nhưng ta thì không.”
Lư Hoài biết hắn nói đúng sự thật, nên cũng không cố thuyết phục nữa, chỉ cảm thấy u sầu không vui, uống từng ngụm rượu nho. Vương Huyên thấy vậy, an ủi: “Hoài Tín, ngài yên tâm, ta thấy lần này, Thôi Tuần chưa chắc có thể bình an vượt qua.”
Lư Hoài ngẩng phắt đầu lên: “Sao ngài nói vậy?”
“Thôi Tuần kiêu ngạo hống hách, nhưng trong thành Trường An, vẫn còn một người còn kiêu ngạo và hống hách hơn hắn.”
Lư Hoài ngẫm nghĩ một chút, liền đoán được người mà hắn nhắc đến là ai. Vương Huyên nói: “Khi Thôi Tuần làm Thiếu khanh Sát Sự Thính, người đó khắp nơi đối đầu với hắn, giờ chẳng lẽ không nhân cơ hội Thôi Tuần bị bãi quan mà trả thù sao?”
Nghe vậy, Lư Hoài lập tức hớn hở, cười nói: “Đúng vậy, lòng bàn tay mu bàn tay đều là thịt, xem Thái hậu làm sao lựa chọn đây.”
Nỗi bực tức trong lòng Lư Hoài đã tan biến, tâm trạng cũng thoải mái hơn. Hắn và Vương Huyên tiếp tục đối ẩm trò chuyện, nói cười vui vẻ. Mặt trời đã lên cao ba sào, bỗng thấy trên đại lộ Chu Tước xuất hiện một cỗ xe ngựa mui trần chầm chậm tiến tới. Xung quanh xe có hàng trăm sĩ tử áo trắng đi theo hộ tống. Người qua đường nhìn thấy cảnh này đều dừng lại, có người nhìn thấy dung nhan vị lão giả sáu mươi tuổi trong xe, kinh hô: “Là Thôi tướng công?”
Lư Hoài và Vương Huyên nhìn nhau một cái, đồng thời thốt lên: “Thôi tướng công? Thôi Tụng Thanh?”
Chẳng phải đó chính là người từng chủ trì Tân chính Thái Xương, nhưng sau khi Thái hậu buông rèm chấp chính thì bị bãi nhiệm không rõ lý do, trở thành một thường dân sao?
Đó cũng chính là Thôi Tụng Thanh, bá phụ của Thôi Tuần, người đứng đầu thiên hạ cao môn, dù lui về ở ẩn tại Bác Lăng vẫn khiến toàn bộ sĩ tử trong thiên hạ quy phục?
Ánh mắt hai người đều trở nên sắc bén, trong lòng đều nghĩ rằng, bầu trời Trường An lần này, e rằng lại sắp đổi thay.
Chiếc xe ngựa chầm chậm lăn bánh, cuối cùng dừng lại trước cổng Đan Phượng, trong khi bên ngoài, các nho sĩ áo trắng vẫn kiên quyết không rời đi mà ngồi bệt ngay tại cửa, đợi thầy mình quay lại.
Trong đại điện Bồng Lai, rèm ngọc lấp lánh, màn xanh vắt nhẹ, hương thơm dịu dàng lan tỏa. Thái hậu chầm chậm xoay chiếc túi thơm bằng vàng chạm khắc hoa văn bồ đào và chim muông trong tay, lãnh đạm nhìn lão giả trước rèm hành lễ, giọng bà nhẹ tênh: “Thôi khanh bình thân.”
Thôi Tụng Thanh đứng dậy, so với hai mươi năm trước khi bị trục xuất khỏi triều đình, nay ông đã già đi nhiều, tóc bạc phơ, nhưng tinh thần vẫn quắc thước. Thái hậu khẽ cười một tiếng: “Nghe nói mấy năm qua, ông dùng hết gia sản, mở học viện, thúc đẩy khắc bản in sách, khiến nho sĩ xuất thân hàn môn cảm kích vô cùng, gọi ông là “Bạch y Khanh tướng.”
“Thái hậu quá lời rồi.” Thôi Tụng Thanh không kiêu ngạo, không siểm nịnh: “Mở học viện là để giúp nho sinh nghèo có nơi đọc sách. Nhưng dù có mở thêm bao nhiêu học viện cũng không thể phủ rộng đến tất cả. Còn khắc bản in, so với chép tay, chi phí thấp hơn nhiều, giúp người nghèo dễ dàng tiếp cận với sách vở. Khi người biết chữ nhiều hơn, sĩ tử ứng thí cũng đông hơn, triều Đại Chu sẽ có thêm nguồn nhân tài rộng lớn.”
Nghe vậy, khóe môi Thái hậu thoáng nở một nụ cười, nhưng giọng điệu lại không thật tâm tán thưởng: “Thôi khanh, ở chốn quê nhà mà vẫn một lòng lo nghĩ quốc sự, quả là không hổ danh Bạch y Khanh tướng.”
Thôi Tụng Thanh nghe ra ý châm biếm trong giọng nói của bà nhưng không bận tâm, ngược lại còn đáp: “Bẩm Thái hậu, bốn chữ “Bạch y Khanh tướng”, thần không dám nhận. Thần chỉ mong đời này quốc thái dân an, sóng yên bể lặng. Vì nguyện vọng ấy, thần dù tan xương nát thịt cũng không từ nan.”
“Hay cho câu “tan xương nát thịt cũng không từ nan!” Thái hậu lớn tiếng: “Thôi Tụng Thanh, hai mươi năm trước, ngô đã nói với ông, lần sau ngô triệu ông, sẽ là ngày ông mất mạng! Vậy lần này, tại sao ông còn dám đến Trường An?”
Thôi Tụng Thanh không chút sợ hãi: “Thần dám đến là vì thần đánh cược rằng Thái hậu sẽ không giết thần, mà còn muốn khôi phục chức quan cho thần.”
“Ồ? Vì sao?”
“Tuy Thái hậu ghét thần, nhưng Tân chính Thái Xương là tâm huyết ba mươi năm của Thái hậu. Nay Thượng thư Tả bộc xạ Lư Dụ Dân bảo thủ, cho rằng Tân chính làm lung lay nền tảng quốc gia. Lư đảng ngày càng lớn mạnh, chống đối Thái hậu. Giờ đây, Thái hậu lại tự tay trừng phạt Sát Sự Thính Thiếu khanh Thôi Tuần, như thể chặt đi một cánh tay của mình. Nếu không muốn tâm huyết ba mươi năm bị hủy hoại, Thái hậu không còn cách nào khác ngoài việc khôi phục chức quan cho thần.”
Thái hậu nghe xong, cười khẩy: “Ông phân tích thật rõ ràng rành mạch.”
Thôi Tụng Thanh bình thản: “Tân chính Thái Xương cũng là tâm huyết cả đời của thần. Thần không muốn nhìn thấy tâm huyết của mình bị vứt bỏ. Dẫu phải chịu cảnh chết không có chỗ chôn, thần vẫn nguyện quay lại Trường An.”
Sau rèm, ánh mắt Thái hậu tối lại: “Được, vậy ngô thoả nguyện của ông, cho ông khôi phục chức quan. Nhưng kết cục sau này của ông, ta không dám chắc.”
Thôi Tụng Thanh chỉ mỉm cười nhàn nhạt: “Diệc dư tâm chi sở thiện hề. Tuy cửu tử kỳ do vị hối.” [3]
[3] Hai câu thơ trích trong bài thơ “Ly tao” (Nỗi sầu ly biệt) của Khuất Nguyên.
Dịch nghĩa: Cũng như lòng ta yêu điều thiện, dù chết chín lần cũng không hối.
Nghe câu này, Thái hậu không thể nói thêm lời độc địa nào nữa. Cho dù căm ghét ông đến mấy thì vẫn không thể không thừa nhận, người này một mực trung thành, một lòng vì nước vì dân. Bà trầm ngâm một lúc lâu, rồi nói: “Thôi Tụng Thanh, ông và cháu ông, quả là một trời một vực.”
Thôi Tụng Thanh chính trực liêm khiết, hết lòng vì nước. Trong khi đó, Thôi Tuần lại dựa thế lộng quyền, vu oan hãm hại người hiền. Cùng là người nhà họ Thôi ở Bác Lăng, một người được vạn dân kính ngưỡng, một kẻ bị thiên hạ phỉ nhổ, một người lưu danh thiên cổ, một kẻ chịu tiếng xấu muôn đời.
Thôi Tụng Thanh cúi nhẹ đầu: “Điều thần hối hận nhất đời này, chính là từng viết thư tiến cử Thôi Tuần cho Quách Cần Uy.”
Thái hậu cười lạnh: “Thà chết đói còn hơn thất tiết, câu này không áp dụng được với Thôi Tuần.”
Thôi Tụng Thanh nén sự chán ghét trong lòng với Thôi Tuần, nói: “Tuy Thôi Tuần có đức hạnh thấp kém, nhưng quả thực là một lưỡi dao tốt. Hắn chọc giận Thái hậu, chỉ cần phạt nhẹ là đủ. Thần cho rằng, Thái hậu nên gạt bỏ tư thù, tái trọng dụng hắn.”
Thái hậu ngẩng lên: “Ông nói? Tư thù?”
Thôi Tụng Thanh gật đầu: “Thái hậu, là vì công chúa Vĩnh An…”
“Đừng nhắc đến nữa!” Thái hậu bỗng nghiêm giọng ngắt lời: “Thôi Tụng Thanh, nếu ông còn muốn ở lại Trường An, thì đừng bao giờ nhắc đến Minh Nguyệt Châu!”
Thôi Tụng Thanh sững người, cúi đầu không nói thêm lời nào. Thái hậu vẫn chưa nguôi giận, ngực bà phập phồng kịch liệt, tay siết chặt túi thơm trong lòng bàn tay: “Ngô hận không thể băm vằm Thôi Tuần thành trăm mảnh, nhưng… mạng hắn, ngô không thể không giữ. Trường An này, kẻ muốn giết hắn nhiều không đếm xuể. Thôi Tụng Thanh, ông đi đi, bảo vệ mạng hắn. Nhưng đừng nhắc lại chuyện trọng dụng hắn. Ngô không muốn thấy hắn thêm lần nào nữa!”
Thôi Tụng Thanh thầm thở dài trong lòng, nhưng vẫn cung kính đáp: “Thần tuân lệnh.”