rên đường trở về Trường An, hai người đều im lặng.
Cuối cùng, Lý Doanh là người lên tiếng trước. Nàng hỏi vì sao trước đây hắn đưa nàng đến Vong Tử thành, nhưng nay lại đồng ý đưa nàng về Trường An. Ngư Phù Nguy không đáp, chỉ nói: “Sau khi chết, Trịnh Quân rơi vào ác đạo, bị giam trong Vong Tử thành.”
Lý Doanh khựng lại, Ngư Phù Nguy tiếp tục: “Hắn đối diện với những người đã chết vì hắn, trong lòng day dứt khôn nguôi. Ngày qua tháng lại, oán khí càng tích tụ. Vì muốn độ hóa Trịnh Quân, Thập điện Diêm Vương bèn để hắn luân hồi, chuyển sinh thành một Ngư Phù Nguy hoàn toàn đối lập.”
Kiếp trước, Trịnh Quân không chút công lao, chỉ nhờ xuất thân mà được hưởng bổng lộc dồi dào, địa vị cao sang. Đây chính là loại người mà Ngư Phù Nguy của kiếp này căm ghét nhất. Thập điện Diêm Vương muốn hắn từ bỏ thân phận thế gia quyền quý, trở thành hạng người dưới đáy xã hội, để những kẻ giống như hắn của kiếp trước khinh rẻ, chà đạp hắn; để lý tưởng tan vỡ, báo quốc vô môn; để trắng kiếp trước hóa thành đen kiếp này, đen kiếp trước hóa thành trắng kiếp này.
Ngư Phù Nguy bỗng lẩm bẩm: “Một giấc mộng dài, mới hiểu đúng sai vốn chẳng thể phân rõ. Đã không thể tranh luận thị phi, chi bằng dùng cái chết hôm qua đổi lấy sự sống hôm nay.”
Hắn nói: “Trước đây, vì yêu mến công chúa, lo lắng cho an nguy của nàng, ta mới đưa nàng đến Vong Tử Thành, ngăn nàng cùng Thôi Tuần chịu chết. Nhưng giờ đây, ta đã nghĩ thông suốt. Cái chết của một người, có kẻ nặng tựa Thái Sơn, có kẻ nhẹ như lông hồng. Tình yêu, sinh mệnh, thù hận của cá nhân, so với thứ nặng tựa Thái Sơn kia, cũng chỉ như lông hồng mà thôi.”
Hắn nhìn Lý Doanh chăm chú, trong mắt có chút đắng chát, chút chân thành, lại pha lẫn vài phần phức tạp chẳng thể gọi tên: “Thôi Tuần đáng để công chúa cứu hắn và công chúa cũng xứng đáng được hắn yêu sâu đậm. Thôi Tuần là nhi lang Đại Chu, công chúa càng là công chúa Đại Chu.”
Tiếng bánh xe lăn vang vọng từng hồi, Lý Doanh cắn chặt môi, đôi mắt ngấn lệ. Nàng không dám hỏi, nhưng cuối cùng vẫn lên tiếng: “Thôi Tuần… chàng thế nào rồi?”
Ngư Phù Nguy cúi đầu, khẽ thở dài: “Không ổn. Hắn bị giam trong lao ngục, chịu hình phạt tàn khốc, mười ngón tay đã bị gãy nát. Trên đời này, người có thể cứu hắn, chỉ có công chúa mà thôi.”
–
Trong Đại Lý Tự, Tam Ty ngày đêm thẩm vấn, nơi này đã hóa thành lò luyện ngục của nhân gian. Nhưng bên ngoài Đại Lý Tự, người đang cố gắng không chỉ có mỗi mình Lý Doanh.
Trước cổng Huyền Vũ, Hà Thập Tam cùng đám thiếu niên đứng nhìn chiếc trống Đăng Văn cao quá đầu người. Một thiếu niên nuốt nước bọt, dè dặt hỏi Hà Thập Tam: “Chúng ta phải làm thật hả?”
Hà Thập Tam mặt mày vô cảm: “Ngươi nghĩ xem, tiền thuốc men chữa bệnh cho a nương ngươi từ đâu mà có? Khi a gia ngươi qua đời, là ai đã giúp ngươi mua được quan tài?”
Thiếu niên đó nghe vậy, đôi mắt nóng lên, cúi đầu thật thấp.
Hà Thập Tam nói: “Ta không quan tâm lúc còn là Thiếu khanh Sát Sự Thính, huynh ấy đã làm những gì, dù sao cũng là chuyện tranh quyền đoạt lợi, ta không hiểu nổi. Ta chỉ biết rằng, nếu không có huynh ấy, mấy năm vừa rồi chúng ta ai cũng không sống nổi, càng không thể có được những ngày tháng tốt đẹp như hôm nay. Ngay cả súc sinh còn biết báo ân, chẳng lẽ con người lại không biết?”
Lời nói của cậu khiến đám thiếu niên sục sôi nhiệt huyết: “Được, làm thôi!”
Hà Thập Tam là người đầu tiên sải bước đến trống Đăng Văn, cầm dùi lên gõ mạnh xuống: “Oan quá! Oan quá!”
Hai Kim Ngô Vệ canh giữ trống Đăng Văn nhìn nhau, vội vàng chạy đi bẩm báo Giám Môn Vệ. Chẳng bao lâu, khi dân chúng tụ tập ngày càng đông ngoài cổng Huyền Vũ, vị Tả Giám Môn Vệ nhận được tin cũng đã đến nơi. Hắn trách mắng: “Làm gì đó?”
Hà Thập Tam lớn tiếng đáp: “Oan quá! Ta muốn kêu oan!”
“Ngươi đã cáo lên huyện, châu, hay Đại Lý Tự chưa? Nếu chưa, thì đây là hành vi vượt cấp tố cáo! Nể tình các ngươi còn nhỏ, mau quay về đi!”
“Cái gì mà vượt cấp tố cáo? Ngoài gõ trống Đăng Văn thì có huyện hay châu nào dám nhận đơn tố cáo của ta đâu?”
“Rốt cuộc ngươi muốn tố cáo ai?”
“Tố cáo các ngươi, vu oan cho a huynh của ta!”
“A huynh của ngươi là ai?”
Hà Thập Tam ưỡn ngực ngẩng cao đầu, hô vang cái tên mà trước đây cậu từng khinh thường nhất: “Thôi Tuần! Các ngươi đã vu oan cho huynh ấy!”
Tả Giám Môn Vệ sững sờ, Hà Thập Tam càng cao giọng hơn: “Huynh ấy gõ trống Đăng Văn nhưng tại sao các ngươi không điều tra mà lại giam thẳng vào Đại Lý Tự? Danh nghĩa là Tam Ty hội thẩm, nhưng thực chất chỉ là dùng cực hình để ép cung! Nếu Thánh nhân không câu kết với Đột Quyết, nếu Thái hậu không dung túng con ruột, thì sao lại sợ điều tra? Dựa vào đâu mà các ngươi không xét hỏi bị cáo, lại đi tra tấn nguyên cáo?”
Tả Giám Môn Vệ kinh hãi đến phát run, hắn chỉ tay vào Hà Thập Tam, quát: “Phản rồi! Phản rồi!”
Kim Ngô Vệ lập tức xông lên, dùng vỏ đao quất thẳng vào người Hà Thập Tam. Cậu bị đá ngã xuống đất, nhưng vẫn gào to với bách tính vây quanh: “Chẳng phải trống Đăng Văn được dùng để kêu oan hay sao? Hay là chỉ vì liên quan đến Thái hậu và Thánh nhân nên không thể gõ vào đó? “Vương tử phạm pháp, đồng tội như thứ dân”, ha, chẳng nhẽ chỉ để lừa gạt chúng ta thôi sao?”
Bách tính ngơ ngác nhìn nhau. Những thiếu niên của Thiên Uy quân khác cũng đồng loạt ùa lên, vừa không ngừng kêu oan vừa cầm dùi trống đánh xuống. Một người bị đánh gục, lại có người khác nhặt dùi trống lên tiếp tục gõ xuống. Trước trống Đăng Văn, máu nóng loang lổ, những thiếu niên bất chấp sống chết, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước, giống như những huynh trưởng của họ, sáu năm trước trên Lạc Nhạn Lĩnh, dù biết chắc sẽ bỏ mạng, nhưng vẫn giơ cao đao kiếm, thúc ngựa xông thẳng vào vó sắt Đột Quyết.
–
Trong điện Bồng Lai, Thái hậu ngồi ngay ngắn sau rèm châu, lặng thinh lắng nghe tiếng trống vang lên dồn dập. Tả Giám Môn Vệ run rẩy bẩm báo: “Chỉ là đám nhóc con mười hai, mười ba tuổi, đánh không chạy, dọa không sợ. Thần đã cho bắt giam toàn bộ bọn chúng, nhưng vẫn có những đứa nghe tin kéo đến, tiếp tục gõ trống Đăng Văn. Thần cho rằng, chúng dám vọng nghị quân thượng, không bằng giết một nhóm, để răn đe kẻ khác.”
Thái hậu lạnh nhạt hỏi: “Ngươi bảo ngô giết lũ trẻ mới mười hai, mười ba tuổi?”
“Nhưng chúng phạm thượng tác loạn, đại nghịch bất đạo…”
“Trước hết cứ giam lại đi đã.” Thái hậu mệt mỏi nói: “Đứa nào tới thì giam đứa đó, đến khi nào không còn ai tới nữa thì thôi.”
Tả Giám Môn Vệ vội đáp: “Tuân lệnh.” Sau đó lại nói: “Chúng tự tiện gõ trống Đăng Văn, làm ô danh Thái hậu và Thánh nhân. Thần cho rằng, nên phái Kim Ngô Vệ canh giữ trống Đăng Văn, cấm không cho dân chúng gõ nữa. Đợi khi mọi chuyện lắng xuống rồi hẵng xử lý tiếp.”
Thái hậu không tỏ rõ thái độ, Tả Giám Môn Vệ lĩnh mệnh rời đi. Khi ra ngoài cung, hắn bắt gặp Lư Hoài khoác quan phục đỏ thẫm đang chờ bên ngoài. Đợi Thái hậu triệu kiến, Lư Hoài quỳ xuống hành lễ, sau đó đứng dậy, châm chọc nói: “Từ xưa đến nay, chưa từng có triều đại nào cấm dân chúng gõ trống Đăng Văn. Đại Chu quả nhiên đã tiên phong mở lối.”
Thái hậu ngẩng mắt nhìn hắn, Lư Hoài gầy đi trông thấy. Hắn đã lặn lội đến khu rừng hoang ngoài Trường Xuân Quán, đào thi thể của Vương Huyên lên. Thi thể Vương Huyên đã bắt đầu thối rữa, dẫu vậy, hắn vẫn có thể nhận ra, trước khi chết, vị thư sinh yếu đuối này đã chịu cảnh tra tấn thảm khốc đến nhường nào.
Đôi tay Lư Hoài run rẩy chạm vào thi thể của người bạn thân, rồi ngã quỵ trước thi thể của Vương Huyên, khóc đến ngất lịm nhiều lần.
Sau khi đưa di hài Vương Huyên về nhà họ Vương, vợ con của hắn khóc đến đứt gan đứt ruột. Lư Hoài hết lần này đến lần khác hứa hẹn sẽ chăm lo cho họ, nhưng vẫn không thể xoa dịu nỗi đau mất chồng, mất cha.
Chỉ có mẹ già của Vương Huyên vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Bà nói với Lư Hoài: “Con ta chết vì nghĩa, tiếng thơm muôn đời, một đời tiêu diêu tự tại, sao phải bi ai?”
Lư Hoài không khỏi chấn động, hắn đắn đo giây lát rồi hỏi bà, người từng là tỳ nữ của Vương thị đất Lang Gia: “Giữa nghĩa và trung, nên chọn bên nào?”
Mẹ của Vương Huyên đáp: “Nghĩa là đại nghĩa, trung là ngu trung.”
Nên chọn gì, chẳng cần nói cũng rõ.
–
Thời gian gần đây, Thái hậu như đã mất hết nhuệ khí. Mái tóc đen nhánh ngày nào giờ đây lấm tấm vài sợi bạc. Đôi mắt từng sắc bén kiên nghị nay cũng nhuốm vẻ mỏi mệt, ánh nhìn thiếu đi sự sắc sảo thường thấy. Mà trước những lời nói lộ vẻ châm biếm của Lư Hoài, bà cũng chỉ giữ im lặng. Cuối cùng, bà mới lên tiếng: “Lư khanh, trước đây ngô lệnh cho khanh quay về phủ chờ xử lý, không cho tham gia Tam Ty hội thẩm, quả thật là đã lạnh nhạt với khanh. Nhưng khanh tự ý thả Thôi Tuần ra, ngô cũng phải cho Thánh nhân và triều thần một lời giải thích. Đợi mọi chuyện qua đi, khanh hãy trở về Đại Lý Tự đi.”
Lư Hoài lắc đầu: “Thần sẽ không trở về Đại Lý Tự nữa.”
Thái hậu có phần sửng sốt. Lư Hoài tiếp lời: “Thúc phụ của thần do chính tay thần bắt giữ. Ông ấy đã uống thuốc độc tự vẫn trong phủ. Trước khi qua đời, ông ấy muốn thần hứa với ông ấy một điều, đó là phải trung quân, phụng chủ, không được để tiểu nhân làm hại Thánh nhân.”
Lư Hoài chậm rãi nói: “Trung quân, phụng chủ: bốn chữ ấy luôn là nguyên tắc làm quan của thúc phụ, cũng là nguyên tắc làm quan của thần. Nhưng trong suốt những ngày qua, thần không ngừng tự hỏi: thân làm bề tôi thì ắt phải trung quân, ắt phải vì chủ. Nhưng nếu quân sai lầm thì sao? Chủ sai lầm thì sao? Khi ấy, có nên tiếp tục trung quân, phụng chủ nữa không? Thần là thần tử của Đại Chu, nhưng thần cũng là một con người. Đã là con người, thì nên trung thành với quân hay trung thành với lẽ phải đây?”
Ánh mắt hắn kiên định, hẳn đã có đáp án. Sau rèm châu, Thái hậu chỉ lặng im. Ngoài điện, tiếng trống Đăng Văn lại rền vang từng hồi. Lư Hoài nghiêng tai lắng nghe, rồi nói: “Thúc phụ nuôi nấng thần trưởng thành. Những gì ông ấy răn dạy, thần vẫn luôn nhất nhất làm theo. Chỉ riêng lần này, e rằng thần phải làm trái ý ông ấy. Thần, với tư cách là một con người, muốn truy cầu đạo lý của riêng mình. Có lẽ trên con đường ấy, thần sẽ đánh mất cả tính mạng, nhưng dù vậy, thần cũng không hối tiếc.”
Những lời ấy khiến sắc mặt Thái hậu thoáng hiện vẻ hoang mang. Trung thần, bá tánh. Vì tình thương dành cho con trai, bà đã đứng về phía đối lập với những người ấy. Còn nhớ hay không, ở thời điểm bắt đầu ấy, bà từng không có nổi một đôi giày để mang. Mỗi khi ngước nhìn cung Đại Minh cao rộng uy nghi, trong lòng bà đã từng lóe lên một ý nghĩ táo bạo:
Giấc mộng của ta, thật sự chỉ là làm thiếp của người quyền thế nhất thiên hạ thôi sao?
Chẳng lẽ ta không thể khiến bách tính Đại Chu ai ai cũng có giày để mang sao?
Dù ta là nữ nhân, chẳng lẽ không thể có mộng tưởng ấy sao?
Những gì nam nhân làm được, ta cũng có thể làm được!
Thần sắc Thái hậu bàng hoàng, Lư Hoài lại nói: “Thần không làm quan nữa, cũng sẽ không quay lại Đại Lý Tự. Hình cụ của Đại Lý Tự, vốn không nên dùng để tra khảo một kẻ có tấm lòng son sắt.”
Ánh mắt hắn xuyên qua bức rèm châu lay động, mang theo chút chờ mong. Hắn mong sao có thể giành được một câu khoan dung từ Thái hậu, mở ra lối thoát cho người đã bị dập nát mười ngón tay ở trong ngục. Nhưng hắn chờ, chờ mãi, cũng chẳng đợi được điều gì. Trong lòng hắn, rốt cuộc đã trở nên nguội lạnh.
Hắn quỳ xuống, dập mạnh đầu một cái, rồi lấy từ trong tay áo ra một chiếc túi gấm ngũ sắc thêu mẫu đơn đã sờn rách: “Thần phải đi rồi. Con đường phía trước mờ mịt, nhưng con đường thần chọn, tất là con đường phải chết. Nhưng trước khi chết, thần vẫn muốn dâng vật này lên Thái hậu.”
Nội thị nhận lấy túi gấm, dâng lên Thái hậu. Ngón tay bà run lên dữ dội ngay khi vừa chạm vào nó. Bà thậm chí không giữ nổi phong thái cao quý của mình, vội vã đứng dậy, vén rèm châu, sải bước nhanh đến trước mặt Lư Hoài: “Túi gấm này, khanh lấy từ đâu ra?”
Lư Hoài đáp: “Đây là vật tùy thân của Thôi Tuần, khi hắn bị giam vào ngục, túi gấm rơi vào tay thần.Vì đã hư tổn, thần định mang đi sửa lại, nhưng tìm khắp Trường An cũng không ai có thể vá lại được. Sau cùng, một cung nữ tóc bạc nhận ra đây là túi gấm của công chúa Vĩnh An từ ba mươi năm trước.”
Phần túi bị rách lộ ra hai nhánh tóc được buộc lại bằng sợi dây đỏ.
Lư Hoài chậm rãi cất giọng: “Còn vì sao Thôi Tuần lại có túi gấm của công chúa Vĩnh An, điều đó thần không rõ. Có lẽ, thái hậu nên tự hỏi Thôi Tuần. Chỉ là, nếu Tam Ty tiếp tục tra tấn, e rằng Thôi Tuần sẽ không thể mở miệng được nữa.”
Thái hậu sững người, bà nhìn chằm chằm vào lọn tóc trong túi, gần như lắp bắp, rồi đanh giọng lệnh cho nội thị: “Truyền lệnh! Bảo Tam Ty dừng hình ngay lập tức! Đi hỏi hắn! Hỏi hắn vì sao lại có chiếc túi này!”
–
Thế nhưng, nội thị do Thái hậu phái đến lại không thể moi được nửa câu từ Thôi Tuần.
Ngay cả khi Thái hậu đích thân đến, hắn cũng chẳng hề hé môi.
Đây là lần thứ hai trong đời bà đặt chân đến Đại Lý Tự. Lần trước là cách đây ba năm, bà bất chấp mọi áp lực, tự mình xuống tận ngục cứu hắn ra. Còn lần này, bà lại một lần nữa khiến mọi người kinh ngạc, bước vào nơi bẩn thỉu đẫm máu ấy, siết chặt túi gấm trong tay, nhìn Thôi Tuần hỏi: “Túi gấm này, rốt cuộc từ đâu mà có?”
Ba năm trước, khát vọng cầu sinh của Thôi Tuần vô cùng mãnh liệt. Hắn biết Thái hậu là người duy nhất có thể cứu mình, vì vậy dù mình đầy thương tích, hắn vẫn cố sức bò đến dưới chân bà, níu lấy vạt váy, hạ mình cầu xin, hứa sẽ trở thành thanh đao trong tay bà, chỉ mong được bà đưa ra khỏi đại lao. Nhưng lần này, hắn gần như không còn chút khát vọng sống nào nữa, chỉ nhắm mắt làm ngơ trước những câu hỏi của bà.
Hắn đã hoàn toàn thất vọng về bà.
Thái hậu lặp lại câu hỏi: “Thôi Tuần, túi gấm này từ đâu mà có? Búi tóc bên trong là của ai?”
Hắn vẫn chỉ nhắm mắt, im lặng không đáp. Giọng Thái hậu dần lộ vẻ gấp gáp: “Thôi Tuần, ngô đang hỏi ngươi đấy!”
Cuối cùng Thôi Tuần cũng chậm rãi mở mắt. Khuôn mặt vốn đã tái nhợt vì chịu cực hình liên tục giờ đây lại càng trắng bệch đến đáng sợ. Hắn ho khan hai tiếng, mỗi cơn ho đều khiến vết thương trên người co rúm lại. Hắn cười nhạt: “Thần không muốn nói.”
Thái hậu trừng mắt: “Ngươi…”
“Thái hậu cứ việc dùng hình.” Thôi Tuần cười lạnh, đôi bàn tay vốn thon dài sạch sẽ giờ đây máu thịt be bét, chẳng còn nhận ra hình dáng ban đầu: “Dùng hình cụ dành cho nữ nhân, đúng như Thánh nhân đã truyền dạy.”
Thái hậu mím chặt môi, ánh mắt dừng lại nơi những ngón tay đẫm máu của Thôi Tuần. Kẻ sĩ có thể chết, nhưng không thể chịu nhục. Lòng bà dậy lên nỗi bi ai cùng cực.
Đứa con trai mà bà dốc sức bảo vệ, đúng là chẳng ra gì.
Bà cắn răng, quay người rời khỏi phòng giam. Trước khi đi, bà nắm chặt túi gấm, nghiêm giọng truyền lệnh: “Dù Thánh nhân có đích thân tới đây, cũng không được phép tra tấn hắn thêm nữa!”
–
Thái hậu rời đi, Thôi Tuần không thể chống đỡ thêm nữa, hắn mơ màng ngã xuống nền đất lạnh lẽo, khắp người đầy thương tích, đau đớn đến tột cùng. Giữa những cơn đau dồn dập, thần trí hắn dần rơi vào mê loạn.
Chỉ là, trong cơn mê man ấy, bóng hình trong trẻo như vầng trăng sáng kia lại càng thêm rõ ràng.
Hẳn nàng… đã ở Vong Tử Thành rồi.
Tốt lắm.
Đợi kẻ hại nàng chết đi, nàng sẽ chuyển kiếp đầu thai.
Không cần ở lại đây, không cần cùng hắn nhìn thấy hết thảy sự nhơ nhuốc nơi trần thế, để rồi làm vấy bẩn linh hồn thuần khiết như lưu ly của nàng.
Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, hắn không hề nhận ra đám ngục tốt đã lặng lẽ ra vào, thu dọn hết thảy những vật trừ tà cùng những lá bùa Minh Hoàng trấn quỷ trong lao ngục của Đại Lý Tự từ khi nào chẳng hay.
Một đôi nhu đề mềm mại, chạm nhẹ lên những ngón tay rướm máu của hắn.
Không rõ ai đang khóc, lại còn khóc rất thương tâm. Một giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống, chạm vào đầu ngón tay hắn.
Nước mắt mặn chát, rơi trúng vết thương, khiến hắn đau đến giật mình. Hắn chậm rãi mở mắt, nhưng ánh nhìn đột nhiên cứng đờ: “Minh Nguyệt… Châu?”