Mục lục
Đêm Trăng Năm Thứ Ba Mươi - Vân Hương Thanh Nịnh
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nụ hôn dịu dàng vô hạn, như thể nâng niu báu vật trân quý nhất thế gian, thận trọng, chậm rãi, rơi xuống bờ môi Lý Doanh. Nàng không nhắm mắt, tròng mắt ngấn lệ mở to không chớp, chăm chú khắc ghi từng đường nét trên khuôn mặt trắng bệch nhưng tuấn mỹ của Thôi Tuần, như thể muốn khắc sâu bóng hình hắn vào tim, dù chỉ một chi tiết nhỏ nhoi cũng không muốn bỏ sót.

Trong buồng giam tối tăm, kẻ mang tiếng xấu khắp Đại Chu – Liên Hoa Lang – dựa vào vách đá lạnh ẩm. Máu tươi nhuốm đỏ những kẽ móng tay, mười đầu ngón tay phủ đầy vết thương do kim thép nung đỏ đâm vào, máu thịt be bét. Dù thân thể hư nhược đầy thương tích nhưng hắn vẫn nâng niu nàng trong vòng tay, thành kính hôn lên vầng thánh nguyệt sáng ngời trong lòng hắn.

Nụ hôn của hắn, không hề nhuốm màu d.ục v.ọng. Đó là nụ hôn thuần túy của một kẻ buông bỏ tất cả mọi khúc mắc trong lòng, một nụ hôn nhẹ nhõm khi cuối cùng, hắn có thể ôm nàng như một người đàn ông bình thường được ôm người mình yêu, không còn khinh rẻ chính mình, cũng không còn sợ làm vấy bẩn nàng nữa.

Hắn rời khỏi môi Lý Doanh, đôi mắt sâu thẳm tựa hồ nước tĩnh lặng, ánh lên lệ quang lấp lánh: “Minh Nguyệt Châu, ta… ta đã xứng đáng với tình yêu của nàng rồi, đúng không?”

Hơi ấm của hắn dường như vẫn còn vương trên môi nàng. Nước mắt Lý Doanh không ngừng tuôn rơi. Nàng nghẹn ngào nói: “Chàng luôn xứng đáng. Trước đây xứng đáng, sau này cũng thế. Đời này kiếp này, mãi mãi về sau, ta sẽ không bao giờ gặp được ai xứng đáng hơn chàng.”

Đôi mắt nhòe lệ, nàng chủ động ngẩng mặt, hôn lên vết thương do roi quất trên mặt Thôi Tuần: “Thập Thất lang, cả thiên hạ này không còn ai tốt hơn chàng nữa đâu. Trong lòng ta, chàng là lang quân tốt nhất thế gian. Trên đời này, không một ai có thể sánh bằng chàng.”

Nàng không dám ôm Thôi Tuần, chỉ có thể dùng đôi môi mềm mại hôn lên từng vết thương trên gương mặt hắn, hôn lên sống mũi, hôn lên cằm. Nàng muốn dùng cách này để nói với hắn rằng nàng thích hắn biết bao, và hắn đáng để nàng yêu thích đến nhường nào.

Cuối cùng, nàng nâng nhẹ bàn tay xương thịt rời rạc của hắn lên, nước mắt lã chã rơi xuống: “Đau không?”

Đôi mắt long lanh của Thôi Tuần phản chiếu bóng hình nàng. Giọng hắn khàn đặc, yếu ớt đến cực điểm, ánh mắt không rời nàng, chỉ khẽ lắc đầu: “Nàng đến rồi… thì không còn đau nữa.”

Lý Doanh cắn môi, nước mắt rơi mỗi lúc một nhiều. Nàng cúi người, hôn lên phần xương trắng lộ ra từ vết thương. Rõ ràng Thôi Tuần đã rụt lại, nhưng không còn né tránh như lần đầu tiên nàng chạm vào hắn, cũng không còn sự tự ti khi tự nói rằng chính mình dơ bẩn. Hắn chỉ nhìn nàng, đôi mắt mờ sương chất chứa sự không đành và cả sự đau xót. Lý Doanh ngẩn lên, nước mắt rưng rưng, chợt mỉm cười nói: “Thập Thất lang, ta rất vui.”

Nàng nói: “Ta rất vui, vì cuối cùng chàng đã hiểu, chàng không hề bẩn, chàng và các huynh đệ Thiên Uy quân của chàng đều là những nam nhi trung trinh nhất của Đại Chu.”

Sau cùng, nàng nói: “Thập Thất lang, đợi ta.”

“Đợi ta cứu được chàng.”

May mắn thay, trên đời này, người muốn cứu Thôi Tuần không chỉ có mỗi mình Lý Doanh.

Những thiếu niên như Hà Thập Tam đều đã bị bắt, song thân quyến còn lại của Thiên Uy quân vẫn đang ở đó. Những người già tóc bạc, những quả phụ thủ tiết bên bài vị của chồng, những đứa trẻ non nớt còn chưa cao bằng bánh xe… Dẫu cuộc sống hiện tại đã bớt phần cơ cực, họ vẫn không từ bỏ ý định cứu Thôi Tuần. Dưới sự dẫn dắt của A Man, họ nối tiếp nhau tiến về cổng Huyền Vũ, quyết tâm gõ vang chiếc trống Đăng Văn giờ đây họ đã bị cấm chạm vào. 

Bởi vì họ vẫn còn nhớ, khi họ lâm vào tuyệt vọng, ai là người không ngừng gửi đến thuốc men, tiền bạc, giúp họ thắp lên một tia hy vọng. Bởi họ cũng không quên, khi bị quan phủ và ác bá chèn ép, ai là người nhẫn nhục chịu đựng để đổi lấy quyền thế, âm thầm dang tay giúp đỡ.

Những người con, người chồng, người cha của họ từng bao lần đổ máu ở biên quan, thề chết không lùi bước. Khi đối mặt với kỵ binh Đột Quyết đông gấp bội ở Lạc Nhạn Lĩnh, không một ai quay đầu bỏ chạy. Thiện Uy quân chưa từng sợ chết, thân là gia quyến của họ, những người ở lại cũng sẽ không sợ chết.

Người đem củi sưởi ấm cho thế gian, đâu thể để y chết cóng trong gió tuyết.

Trước cổng Huyền Vũ, máu nóng không ngừng đổ xuống. A Man bị đánh trọng thương, những người già cũng bị đánh trọng thương, quả phụ cũng bị đánh trọng thương, từng người một trong số gia quyến Thiên Uy quân đều bị tống giam, ngay cả trẻ nhỏ cũng không phải ngoại lệ. Dân chúng đứng xem, ban đầu còn bàn tán chỉ trỏ, về sau chỉ còn lại sự trầm lắng, thổn thức.

Quách Húc, con trai duy nhất của Quách Cần Uy cũng từ quê nhà vội vàng chạy đến. Vì Lục Mai, thê tử của hắn đã nói với hắn rằng năm đó khi hắn bị lưu đày đến Thích Tây, chính Thôi Tuần đã phái nàng vượt đường xa đến nơi ấy, túc trực bên cạnh chăm sóc. Sau khi hắn được minh oan, cũng chính Thôi Tuần ra mặt, nói nàng không cần trở về Sát Sự Thính nữa mà hãy cùng Quách Húc hồi hương, sống những tháng ngày yên ổn.

Quách Húc sững sờ. Lúc hoàn hồn, hắn nói hắn muốn đến Trường An, hắn muốn cứu Thôi Tuần.

Khi ấy Lục Mai đang mang thai, nhưng nàng không hề ngăn cản Quách Húc. Mẹ già của Quách Húc cũng không ngăn cản hắn mà cùng con trai lên xe, hướng thẳng đến Trường An.

Dù biết rõ, chuyến đi này có lẽ sẽ khiến đứa trẻ chưa kịp ra đời cũng không còn đường sống, nhưng “tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo” [1]. Họ là người nhà của Quách Cần Uy, họ không thể làm kẻ vong ân bội nghĩa.

[1] tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo: Nhận một giọt nước, trả một dòng suối.

Khi thai nhi trong bụng Lục Mai bị đánh đến sinh non giữa làn gậy gộc, máu tươi từ váy nàng chảy dài ra ngoài cổng Huyền Vũ, nhuộm đỏ cả mặt đất. Bách tính đứng xem ngây ngẩn cả người, dõi theo dòng huyết sắc đỏ tươi ấy, mãi đến khi có người đầu tiên gào lên: “Sao các người dám làm thế!”

“Quách soái tận trung vì nước, ngay cả thủ cấp cũng bị quân Đột Quyết chặt xuống làm nhục, vậy mà cả huyết mạch chưa kịp chào đời của ông ấy các người cũng không buông tha. Các ngươi khác gì quân Đột Quyết?”

“Đại Chu ta, không nên là một Đại Chu thế này!”

Trong phủ Lư Hoài, hắn khép lại quyển sách trong tay, nhìn đám học trò đến từ Quốc Tử Giám, bình tĩnh nói: “Ta không có gì để bàn luận cùng các trò. Các trò đều là những học trò xuất sắc nhất của Quốc Tử Giám, đương kim Thái hậu lại là bậc minh chủ. Nếu các trò thực tâm muốn báo quốc, chớ nên như thúc phụ ta, cứ khư khư bám víu vào quan niệm nam tôn nữ ti. Đây chính là bài học cuối cùng ta để lại cho các trò.”

Đám học trò đưa mắt nhìn nhau. Lư Hoài từng đảm nhiệm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám suốt năm năm, môn sinh trải dài khắp thiên hạ, được sĩ tử Đại Chu tôn kính. Một người trong số họ không nhịn được, lên tiếng hỏi: “Thưa Tư nghiệp, người định không quay về Đại Lý Tự thật sao?”

“Không.” Lư Hoài đáp: “Đại Lý Tự là nơi chấp pháp, xét xử oan sai, chứ không phải công cụ để bức hại những trung thần ngay thẳng. Nó không phải là Đại Lý Tự trong lòng ta.”

“Vậy người có trở về Quốc Tử Giám không?”

“Cũng không.”

“Thế Tư nghiệp định đi đâu?”

“Tới cổng Đan Phượng, tĩnh tọa.”

Cổng Đan Phượng là chính môn của cung Đại Minh. Đám học trò nghe vậy, ai nấy đều biến sắc. Họ đương nhiên hiểu rõ vì sao Lư Hoài muốn đến đó. Lúc này cả Trường An đang xôn xao dậy sóng, ngoài cổng Huyền Vũ, những viên đá xanh nơi bậc thềm đã bị nhuộm đỏ bởi huyết lệ. Một học trò không kìm được, hỏi: “Thưa Tư nghiệp, thời Xuân Thu, Tấn Hiến Công trúng quỷ kế của Ly Cơ, phát binh tấn công con trai mình là Trùng Nhĩ. Khi ấy, Trùng Nhĩ nói: “Quân phụ chi mệnh bất hiệu, hiệu giả, ngô cừu dã.” (Mệnh lệnh của quân phụ không thể chống lại, ai chống lại chính là kẻ thù của ta) Ngay cả khi bị truy sát, Trùng Nhĩ cũng không dám phản kháng, thậm chí còn hạ lệnh rằng ai chống lại thì chính là kẻ địch của y. Từ đó, Trùng Nhĩ bắt đầu mười chín năm lưu lạc, mãi đến khi Tấn Hiến Công băng hà, y mới thoát cảnh lưu vong. Xin hỏi Tư nghiệp, người thấy lời này thế nào?”

Lư Hoài đáp: “Trải qua bao triều đại, lời này vẫn luôn được ca tụng. Đại Chu lấy hiếu trị quốc, lời ấy lại càng được xem là Thánh ngôn. Quân phụ vừa là vua của thiên hạ, vừa là phụ thân của muôn dân. Trái mệnh quân phụ là bất trung bất hiếu, mà bất trung bất hiếu là tội nghiệt lớn nhất.”

Học trò lặng lẽ cúi đầu. Hai chữ “trung” và “hiếu” đã khắc sâu trong lòng họ từ khi mới tập tành học chữ. Bởi vậy, dù họ xót thương cho những dòng máu xanh rơi trước trống Đăng Văn, nhưng vì sự trói buộc của hai chữ ấy, họ vẫn không dám tiến thêm nửa bước.

Thế nhưng Lư Hoài lại nói: “Nhưng ngoài trung hiếu, vẫn còn một chữ lớn hơn trung, trọng hơn hiếu.”

Một học trò liền bất giác hỏi: “Là chữ gì ạ?”

“Chữ chính.” Lư Hoài chậm rãi thốt từng lời: “Chính giả, chính dã. [2] Thế nào là chính? Trung, hiếu, nhân, nghĩa, đây là chính. Thân bất chính, làm sao chính nhân? Không phải chính nhân, làm sao chấp chính? Không thể chấp chính, lấy gì làm quân, lấy gì làm phụ?”

[2] Câu gốc ở đây là: “Chính giả, chính dã”(政者,正也) xuất phát từ tư tưởng Nho gia. Câu này gồm 02 chữ “Chính”. Chữ “Chính” thứ nhất (政) nghĩa là “chính sự”, tức việc cai trị, quản lý đất nước. Chữ “Chính” thứ hai (正) nghĩa là “chính trực, ngay thẳng”, tức sự công chính, đúng đắn về đạo đức và hành vi.

Hắn nói một cách rành rọt, từng lời từng chữ đều vang vọng khí khái. Đám học trò nghe vậy, không khỏi cúi đầu trầm tư, nét mặt dần hiện vẻ hoang mang và nghiền ngẫm. Lư Hoài nói tiếp: “Mệnh quân phụ không thể không nghe. Nhưng ta đến cổng Đan Phượng không phải bất trung, cũng chẳng phải bất hiếu. Ta trung với Đại Chu, hiếu với năm vạn anh linh liệt sĩ.”

Hắn nhớ đến cố hữu Vương Hiên đã khuất, vành mắt không khỏi nóng lên: “Còn cả những vị tôn trưởng đã bỏ mạng trên con đường này nữa.”

Lư Hoài nói được làm được. Hắn c.ởi quan phục, khoác lên mình một bộ y phục trắng tinh, tĩnh tọa trước cổng Đan Phượng. Dòng người qua lại trên quan đạo không khỏi ngoái nhìn, thấy vị cựu Tư nghiệp Quốc Tử Giám, cựu Thiếu khanh Đại Lý Tự, nay vì rửa oan cho kẻ từng là đối thủ chính trị của mình chấp nhận buông bỏ cả tính mạng, lặng lẽ ngồi trước cổng cung.

Ban đầu, hắn chỉ có một thân một mình. Nhưng chẳng bao lâu sau, các học trò của hắn cũng khoác bạch y, lần lượt ngồi xuống bên cạnh. Càng lúc càng có nhiều học trò gia nhập, số người nhanh chóng vượt qua con số hàng trăm, tất cả đồng lòng yêu cầu xét lại vụ án Thiên Uy quân.

Cơn thịnh nộ của Long Hưng Đế lập tức bùng phát, Lư Hoài bị khép tội phạm thượng tác loạn, bị trừng phạt nghiêm khắc ngay trước cổng Đan Phượng, sau đó bị tống giam vào ngục. Các học sĩ khác cũng chịu cảnh bị Kim Ngô Vệ đánh đòn ngay trước cửa cung. Thế nhưng, văn nhân vốn dĩ ngay thẳng, cứng cỏi, huống hồ Lư Hoài là bậc tôn sư của ba nghìn hai trăm học sĩ tại Quốc Tử Giám, địa vị trong lòng họ vô cùng cao quý. Hình phạt tàn khốc không những không khiến họ khiếp sợ mà ngược lại, càng có nhiều người tiếp bước, kiên trì tĩnh tọa trước cổng Đan Phượng. Dù bị đánh đập, họ vẫn không hề nao núng, ngược lại còn lấy đó làm vinh dự.

Một người là Quách Húc, một người là Lư Hoài, đủ để khiến những người dân chất phác nhất Đại Chu bắt đầu nghi ngờ Long Hưng Đế, cũng đủ để khiến những bậc sĩ tử tinh anh nhất Đại Chu dần dao động niềm tin vào thiên tử. Chỉ có Thái hậu, người nắm quyền sinh sát cao nhất trong triều, trước sau vẫn giữ im lặng.

Giữa lúc gia quyến của Thiên Uy quân cùng sĩ tử náo động khắp kinh thành, Ngư Phù Nguy cũng không hề nhàn rỗi. Hắn vung hết gia tài, hối lộ ngục tốt của Đại Lý Tự, thuê y sư đến chữa trị vết thương cho Thôi Tuần. Không dừng lại ở đó, bất chấp hiểm nguy, hắn còn ngầm mua chuộc khất cái, người kể chuyện rong, sáng tác những bài đồng dao lan truyền khắp thành Trường An. Lý Doanh nhìn hắn, nhẹ giọng nói: “Nếu bị phát giác, không thi cử được đã đành, chỉ sợ còn mất cả tính mạng.”

Ngư Phù Nguy căn bản không để tâm đến sống chết: “Mỗ có thể đồng hành cùng trung lương và sĩ tử đã là may mắn ba đời, hà tất phải sợ?”

Lý Doanh không khỏi xúc động: “Ta thay mặt Thập Thất lang, cảm tạ ngài.”

Ngư Phù Nguy khẽ lắc đầu, rồi nói: “Bá phụ của Thôi Tuần, Thôi tướng công, cùng Kinh Triệu Doãn Tiết Vạn Triệt, dạo gần đây đều cáo bệnh không thượng triều.”

Việc Tiết Vạn Triệt không thượng triều nằm trong dự liệu của Lý Doanh, bởi ông vốn là lão thần chính trực, chính khí lẫm liệt. Nhưng chuyện Thôi Tụng Thanh cũng không thượng triều thật khiến nàng phải bất ngờ. Thôi Tụng Thanh là người có thể hy sinh tất cả vì tân chính, sao phải bận tâm đến sinh tử của Thôi Tuần?

Nghĩ lại, con người đâu phải cỏ cây, ai có thể thực sự vô tình? Có lẽ, chính những lời Thôi Tuần nói trên trên triều đường đã khiến Thôi Tụng Thanh thức tỉnh. Hắn xem thường con đường mà Thôi Tụng Thanh theo đuổi, khiến ông ta buộc lòng phải nhìn nhận lại những gì mình đã làm.

Như lời Thôi Tuần từng nói: “Một thứ đạo mà ngay cả oan khuất của tướng sĩ chết vì nước cũng không quan tâm, ngay cả tính mạng của dân lành vô tội cũng không đếm xỉa, thì thứ đạo ấy, có cũng vô dụng!”

Lý Doanh siết chặt xá lợi Phật đỉnh trong tay: “Nhưng chỉ a nương ta không mở miệng, những gì Lư Hoài và những người khác đang làm đều sẽ thành công cốc.”

Ngư Phù Nguy lặng thinh.

Phải, bọn họ đều là những kẻ mang hoài bão, nhưng nhiệt huyết rồi cũng sẽ có ngày cạn kiệt. Hiện tại, Thái hậu chưa thực sự ra tay, nhưng một khi bà hạ quyết tâm, Lư Hoài sẽ chết, Quách Húc sẽ chết, hắn cũng sẽ chết, tất cả bọn họ đều sẽ mất mạng. Trước những thủ cấp bị chém rơi, dù dân chúng có phẫn uất đến đâu cũng chỉ có thể nén giận vào lòng, không dám có nửa lời dị nghị.

Chờ đến ba năm, năm năm sau, ngay cả sự phẫn nộ trong lòng, e rằng cũng chẳng còn mấy ai nhớ đến.

Đó chính là bi kịch của chính đạo trước quyền lực tuyệt đối.

Lý Doanh nói: “Để ta đi, ta muốn gặp a nương.”

“Không được.” Ngư Phù Nguy lập tức lắc đầu: “Lần trước công chúa bị Phật pháp phản phệ, suýt nữa hồn phi phách tán, nay thần hồn đã suy yếu vô cùng. Nếu lại ép buộc hiện thân, cho dù có xá lợi Phật đỉnh trong tay, sau này e rằng cũng chỉ có thể miễn cưỡng giữ được thần hồn không diệt, chẳng thể được như trước kia nữa.”

“Nhưng ngài cũng đâu có biện pháp nào tốt hơn, đúng không?”

Ngư Phù Nguy sững người.

Phải, hắn không còn cách nào tốt hơn.

Ban nãy, hắn đã nghĩ liệu có thể thuyết phục Thái hậu, dùng thuật pháp để khiến bà nhìn thấy Lý Doanh hay không? Chẳng hạn như thuyết phục Thái hậu uống máu chó mực? Nhưng ngay sau đó, hắn liền gạt bỏ ý nghĩ này. Người sống uống máu chó đen để trông thấy hồn ma, đây vốn là tà thuật, trái nghịch thiên đạo, tổn hại căn cơ, nếu không, vì sao từ xưa đến nay, số người dám sử dụng tà thuật này lại ít đến như thế?

Rốt cuộc, thế gian này có mấy ai giống như A Sử Na Ngột Đóa, vì yêu mà điên cuồng, chẳng màng đến tính mạng của bản thân?

Vậy nên, chỉ cần đề xuất cách này, hắn chắc chắn sẽ bị quy tội mưu hại Thái hậu, rồi bị tống vào ngục, chờ ngày xử tử.

Ngư Phù Nguy im lặng không đáp, Lý Doanh chỉ nói: “Để ta đi. Trên đời này, chỉ có ta mới cứu được Thôi Tuần.”

Bên trong cung điện, hương trầm quyện tỏa. Thái hậu nghiêng người, tựa vào trường kỷ, ánh mắt thẫn thờ dán chặt vào túi gấm ngũ sắc trong tay, suy nghĩ miên man.

Sao Thôi Tuần lại có túi gấm của Minh Nguyệt Châu?

Nhưng mặc cho bà hỏi thế nào, hắn cũng không chịu nói.

Thái hậu khép mắt, vẻ mặt thoáng hiện nét mệt mỏi. Tóc mai của bà đã bạc đi nhiều, chỉ trong vòng vài chục ngày ngắn ngủi mà trông như đã già đi cả chục tuổi. Lại có nội thị đến báo, nói rằng Thánh nhân cầu kiến.

Thái hậu ho khẽ hai tiếng, phất tay: “Không gặp.”

Bà biết rõ Bồ Tát Bảo đến vì chuyện gì, chẳng qua là muốn bà đồng ý giết Lư Hoài, giết Quách Húc. Nhưng bà đã từng nhượng bộ, cho phép hắn tự ý xử trí Thôi Tuần rồi. Hắn có thể giết, có thể hành hạ, thậm chí có thể dùng cực hình với Thôi Tuần, nhưng không thể vì một Hồ nữ mà sai Tam Ty dùng hình cụ nữ nhân để sỉ nhục Thôi Tuần! Kẻ sĩ có thể bị giết, nhưng không thể chịu nhục. Hắn làm vậy, có khác gì ả nữ nhân người Hồ độc ác điên cuồng kia không?

Bà không muốn gặp hắn.

Nội thị đáp một tiếng “Tuân lệnh”, rồi lui xuống bẩm báo với Long Hưng Đế. Ngoài điện dần dần trở nên yên ắng. Thái hậu lặng lẽ nhìn chiếc túi gấm trong tay, nước mắt cuối cùng cũng trào ra.

Bà thì thầm: “Minh Nguyệt Châu, nếu con còn ở bên cạnh a nương thì tốt biết bao.”

Bà tự nói với chính mình: “A nương biết, a đệ con đã sai, nhưng a nương không nỡ… A nương đã mất con rồi, không thể mất thêm a đệ con nữa. Con nói cho a nương biết đi, a nương nên làm thế nào đây?”

Bà không mong nhận được hồi đáp, bởi lẽ bà hiểu rằng, con gái của bà đã mất từ ba mươi năm trước, bà không bao giờ gặp được nàng nữa.

Vĩnh viễn không thể gặp lại Minh Nguyệt Châu của bà.

Nhưng bỗng nhiên, một giọng nói vang lên: “A nương, người muốn Minh Nguyệt Châu nói cho người biết nên làm gì thật sao?”

Thái hậu bàng hoàng ngẩng đầu.

Vẫn kiểu vấn tóc song hoàn vọng tiên, váy lụa trắng đỏ xen kẽ, trên vai phủ một tấm sa mỏng, bóng dáng quen thuộc ấy hiện ra trước mắt bà. Đó chính là con gái của bà, Minh Nguyệt Châu!

Nàng vẫn xinh đẹp thanh tao như thuở mười sáu, đoan trang nhã nhặn, thanh lệ tuyệt trần. Thái hậu bật dậy khỏi giường, bà kinh ngạc chớp mắt liên tục, bàn tay run rẩy đưa lên dụi mắt, rồi lại dụi nữa. Đến khi khóe mắt đỏ hoe, bà mới run rẩy mở mắt ra, ánh mắt hướng về thiếu nữ, nhưng thân ảnh kiều diễm ấy không hề biến mất, trái lại còn càng lúc càng rõ ràng.

Bà thậm chí quên cả xỏ hài, cứ thế chân trần vội vàng lao xuống giường, chạy về phía ái nữ. Nhưng vừa bước đi một bước, vì quá vội vã mà loạng choạng ngã mạnh xuống đất. Người cầm quyền chí cao vô thượng của Đại Chu lúc này chẳng khác nào một người mẹ bình thường nhất, cắn răng chịu đau, gắng sức bò dậy, nước mắt lưng tròng nhìn nữ nhi, nức nở nói: “Minh Nguyệt Châu… Minh Nguyệt Châu của ta…”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK