Ở biển hoa tường vi, Thôi Tuần còn nói thêm cho Lý Doanh vài chuyện.
Hắn nói rằng, mặc dù Thái hậu không phải là hung thủ giết nàng, nhưng Thái hậu chắc chắn biết điều gì đó.
Lý Doanh cau mày: “Ý ngài là, a nương biết kẻ đã giết ta là ai?”
Thôi Tuần gật đầu: “Nếu không, bà ấy sẽ không ngăn cản ta tiếp tục điều tra.”
“Nhưng, tại sao a nương lại làm như vậy?”
“Có lẽ, Thái hậu có nỗi khổ tâm khó nói.”
Ánh mắt Lý Doanh có vẻ mơ hồ. Rốt cuộc, nỗi khổ tâm nào mới có thể khiến a nương ngăn cản việc vạch trần hung thủ?
Trong lòng nàng dâng lên một thoáng bất mãn, xen lẫn chút thất vọng đối với a nương. Nhưng chỉ trong chốc lát, nàng đã mím môi, khẽ nói: “A nương làm vậy, hẳn là có lý do của người. Người yêu thương ta như thế, ta không nên nghi ngờ người.”
Khi nàng quyết định tin tưởng một người thì luôn sẵn sàng đặt trọn niềm tin. Nàng nói: “Nếu a nương không muốn nói, thì ta sẽ tự mình tìm hiểu. Ta tin rằng, sẽ có một ngày, ta tìm được chân tướng, rồi sẽ…”
Lời nói chợt nghẹn lại. Thực ra, nàng muốn nói: “Rồi sẽ đầu thai chuyển thế”, nhưng khi tới bốn chữ này, nàng bỗng nhiên ngập ngừng.
Đầu thai chuyển thế vốn là mong muốn lớn nhất trong suốt ba mươi năm qua của nàng. Nàng là một người sợ cô đơn, sợ đến mức ở hồ sen kia, bóng tối vô tận và sự tịch mịch chết chóc suýt nữa đã đẩy nàng đến bờ vực phát điên. Nàng chỉ có thể nhìn thấy những cung nữ, nội thị tới chơi ở hồ sen, nhưng chẳng ai có thể nhìn thấy sự tồn tại của nàng. Cứ phải một mình đối mặt với sự cô độc và bất lực triền miên ấy khiến nàng không muốn làm cô hồn dã quỷ thêm nữa.
Nàng muốn sớm ngày đầu thai, trở lại làm người. Thế nhưng…
Tâm trí rối bời, nàng bước nhanh rời khỏi biển hoa tường vi, nhưng đi được vài bước, chân nàng đã dừng. Quay đầu lại, nàng nhìn về phía Thôi Tuần. Giữa tiết tháng ba, hắn khoác trên mình áo lông hồ trắng muốt, đứng giữa biển hoa tường vi rực đỏ như ngọn lửa. Hoa tường vi đỏ rực tựa hồng liên nghiệp hỏa bừng cháy, nổi bật dáng hình gầy gò như hạc bệnh của hắn.
Một cơn gió nổi lên, cành tường vi oằn mình, những cánh hoa theo gió tung bay. Biển hoa đỏ rực cuộn trào như sóng dữ, tựa hồ ngọn lửa hồng liên trong địa ngục bùng cháy, muốn nuốt trọn thân ảnh gầy guộc này.
Lý Doanh ngây người nhìn hắn, thân hình nàng như hòa vào biển lửa đỏ thẫm. Nàng mấp máy môi, muốn nói ra bốn chữ kia, nhưng chẳng thể thốt lên thành lời.
–
Gió ngừng thổi.
Lý Doanh siết chặt trong tay đóa tường vi mà Thôi Tuần vừa hái tặng nàng. Nàng lặng lẽ nhìn hắn, bước chân không nhúc nhích. Đôi mắt nàng như muốn nói ngàn lời, cũng như chờ mong hắn sẽ bước tới. Thôi Tuần mím môi, chậm rãi tiến lên từng bước, từng bước rời xa biển lửa đỏ rực kia.
Cuối cùng, hắn đứng trước mặt nàng. Lý Doanh bỗng thấy khóe mắt mình ươn ướt. Nàng cúi đầu, hai tay đan lại, giấu trong ống tay áo lụa, đóa tường vi cũng được nàng cất giữ như báu vật trong lòng bàn tay.
Khi nàng cúi đầu, nơi gáy lộ ra làn da trắng như sứ, mịn màng thanh khiết. Ánh dương vàng nhạt rọi lên người nàng, tựa hồ toàn thân nàng đều tỏa ra ánh sáng nhàn nhạt. Thôi Tuần bỗng nói: “Vừa nãy, hình như cô chưa nói hết.”
Lý Doanh sững người, trấn tĩnh lại rồi ngẩng đầu đáp: “Không, ta đã nói xong rồi.”
Thôi Tuần cũng không truy hỏi thêm, chỉ trầm giọng nói: “Ta sẽ giúp cô.”
“Giúp ta?”
Thôi Tuần gật đầu: “Giúp cô sớm tìm ra chân tướng, rồi đầu thai chuyển thế.”
Hắn nói ra bốn chữ kia một cách thản nhiên. Lý Doanh không biết hắn vô tình hay cố ý, chỉ cảm thấy trong lòng dâng lên chút chua xót. Nàng khẽ hỏi: “Thôi Tuần, ngài hy vọng ta sớm đầu thai chuyển thế sao?”
Thôi Tuần nhìn vào đôi mắt trong veo như lưu ly của nàng, do dự trong giây lát, nhưng rồi vẫn gật đầu đáp: “Cô không nên ở lại nơi này.”
Lý Doanh ngẩn ngơ nhìn hắn. Trong ánh mắt hắn có sự bình thản lẫn quyết tuyệt. Nàng dời ánh mắt đi, giọng nói mang theo chút thất vọng: “Ta hiểu rồi.”
–
Long Hưng năm thứ hai mươi, mùa xuân.
Mùa xuân năm ấy, mưa thuận gió hòa, bạch lộ tung cánh, nông dân cày cấy, thương nhân qua lại, bách tính an cư lạc nghiệp, thiên hạ giàu có thái bình, tất cả tạo nên một bức tranh thịnh thế, biển lặng trời yên.
Nhưng có lẽ chỉ những người trong điện Tử Thần mới hiểu rõ, sự tranh chấp thế lực giữa lực Thôi đảng và Lư đảng đã đến mức gay gắt. Thôi đảng chủ trương tân chính, Lư đảng lại phản đối, muốn phế bỏ tân chính. Hai bên không ngừng công kích, thế như nước lửa, quyết không đội trời chung.
Dẫu vậy, dù tranh đấu đến mức này, hai người đứng đầu là Thôi Tụng Thanh và Lư Dụ Dân vẫn giữ được vẻ ngoài hòa khí. Hai người không tham tài, chẳng ham sắc, cũng không màng danh lợi, chỉ vì theo đuổi lý tưởng trong lòng. Nếu không vì khác biệt quan niệm, có khi họ đã trở thành tri kỷ.
Lư Dụ Dân từng tranh luận với Thôi Tụng Thanh trước triều đình: “Sĩ nhân trăm hạnh, lấy đức làm đầu. Đây chính là câu đầu tiên mà con em ngũ tính thất vọng được dạy khi nhập học. Thế gia trăm năm truyền thừa, gốc rễ sâu xa, con cháu ba tuổi đọc kinh, năm tuổi học sử, văn thao võ lược không gì không biết. Để thế gia giữ vị trí trọng thần, mới có thể kế thừa và phát triển lợi ích cho quốc gia, an ổn bách tính.”
Thôi Tụng Thanh nghe thế, chỉ cười nhạt: “Thế gia đương nhiên có thể làm trọng thần, nhưng quá nửa trong số đó ngay đến lúa và mì còn không phân biệt được, lấy gì để thấu hiểu khổ cực dân gian? Người hàn tộc tuy xuất thân thấp hèn, nhưng cũng có kẻ chí lớn, lòng son không đổi. Nếu con của tể tướng mãi mãi làm tể tướng, con của nông dân mãi mãi làm nông dân, thiên hạ chẳng khác nào vũng nước đọng. Cảnh Ngũ Hồ loạn Hoa, [1] chẳng phải sẽ tái hiện sớm thôi sao?”
[1] Thập lục quốc (giản thể: 十六国; phồn thể: 十六國; bính âm: Shíliù Guó), còn gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa, là một tập hợp gồm nhiều quốc gia có thời gian tồn tại ngắn ở bên trong và tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 đến 439 kéo theo sự rút lui của nhà Tấn về miền nam Trung Quốc đến khi Bắc triều thống nhất toàn bộ phương bắc, mở ra cục diện mới là Nam Bắc triều. Nguồn chú thích: Wikipedia
Ngũ Hồ loạn Hoa chính là sự kiện xảy ra trong thời kỳ Ngụy Tấn mà Lư Dụ Dân luôn tôn sùng, Thôi Tụng Thanh cố ý mượn việc này để châm biếm. Lư Dụ Dân tức giận đến trợn mắt há miệng, đang định phản bác thì đột nhiên có tin khẩn truyền đến, nói rằng Đột Quyết nội loạn, Tả Hiền vương Kim Di đào thoát, nay đã chạy vào biên giới Đại Chu.
Tin tức này khiến mọi người trong triều kinh ngạc không thôi. Sắc mặt Thôi Tụng Thanh và Lư Dụ Dân đều tức thì biến đổi. Thế nhưng, ánh mắt của những người khác lại đồng loạt hướng về phía Thôi Tuần, người đang lặng lẽ đứng một bên, tay cầm hốt bản [2] ngà voi.
[2] hốt bản: thẻ bằng ngà, bằng xương, quan lại xưa cầm khi mặc triều phục.
Lúc này, Đại Lý Tự, Thiếu khanh Lư Hoài bỗng bật cười khinh miệt: “Kim Di, kẻ này từng giữ chức Bách Kỵ Tư Đô úy của Đại Chu. Tiên đế đối đãi ông ta không bạc, vậy mà ông ta lại mưu phản, sau khi thất bại thì chạy sang Đột Quyết. Không chỉ làm Tả Hiền vương của Đột Quyết, ông ta còn nhiều lần bày mưu, dẫn quân Đột Quyết tiến phạm biên cảnh. Loại phản tặc hai mặt này, lại dám cả gan trốn vào Đại Chu? Thần thỉnh cầu Thánh nhân lập tức truy bắt, xử lăng trì để rửa mối hận trong lòng bách quan và dân chúng Đại Chu!”
Lư Hoài tuy miệng mắng Kim Di, nhưng ánh mắt lại hờ hững liếc về phía Thôi Tuần, hiển nhiên trong lời có ý ám chỉ. Là cháu ruột của Lư Dụ Dân, hắn chẳng kiêng dè gì, nhưng những người khác thì đều cúi đầu, không dám phụ họa. Thôi Tuần chỉ giữ thần sắc thản nhiên, ánh mắt tĩnh lặng như mặt hồ không gợn sóng, dường như chẳng hề để tâm đến ẩn ý trong lời nói của Lư Hoài.
Thánh nhân trên long ỷ gật đầu, chậm rãi nói: “Lời Lư khanh nói rất đúng. Truyền lệnh cho các châu huyện lập tức truy bắt Kim Di, nhất định phải giết để răn đe kẻ khác!”
Thánh nhân đã mở lời, bá quan đương nhiên đồng thanh phụ họa. Lư Hoài lại bồi thêm: “Khởi bẩm Thánh nhân, thần cho rằng nên bắt sống Kim Di, giải về Đại Lý Tự tra khảo. Biết đâu còn có thể khai ra vài kẻ phản quốc khác.”
Câu này của Lư Hoài càng lộ rõ dụng ý. Ai mà không biết trước đây Thôi Tuần từng bị nghi ngờ đầu hàng Đột Quyết? Chỉ vì không có nhân chứng vật chứng, lại thêm hắn một mực phủ nhận, nên mới thoát khỏi tội danh phản quốc. Nay Kim Di tự mình tìm đến, Lư Hoài càng quyết tâm tận dụng cơ hội này kéo Thôi Tuần ngã ngựa.
Thế nhưng, lời nói vừa dứt, Thôi Tuần, người đang đứng giữa tâm bão, vẫn giữ nguyên thần sắc, không chút dao động. Ngược lại, sắc mặt của Thôi Tụng Thanh và Lư Dụ Dân, hai người đứng đầu hai phe, đều tái đi thấy rõ.
–
Từ hôm đó, sau khi Thôi Tuần nói nàng không nên lưu lại nơi này, Lý Doanh cứ thấy trong lòng buồn bực không yên, tâm trí ủ rũ, không còn chút sức sống. Nếu Thôi Tuần mong nàng sớm đầu thai, nàng cũng muốn mau chóng tìm ra sự thật để hồn về Địa phủ.
Nhưng ngặt nỗi, a nương đã nghiêm lệnh cấm Thôi Tuần tiếp tục điều tra. Lý Doanh cũng không muốn kéo hắn vào rắc rối thêm, nên đành nghĩ cách tự mình điều tra vụ án. Song, nàng không thạo phá án như Thôi Tuần, hoàn toàn không biết phải bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, khi chợt nghĩ đến các tửu quán trong thành thường là nơi đông người tụ họp, lại có các bậc kể chuyện hay dùng chuyện xưa để ví von thời cuộc, nàng cảm thấy có lẽ sẽ nghe được điều gì đó hữu ích.
Lý Doanh liền đến tửu quán náo nhiệt nhất ở thành Trường An. Trên đường đi, nàng thấy dòng người nhộn nhịp đổ về một nơi. Vì tò mò, nàng cũng chen vào xem, thì ra quan sai đang dán cáo thị truy nã.
Trên cáo thị là hình vẽ một nam tử khoảng sáu mươi tuổi, gương mặt âm trầm lạnh lẽo. Lý Doanh lẩm nhẩm cái tên: “Kim Di?”
Người này, hình như là Bách Kỵ Tư Đô úy dưới trướng a gia. Bách Kỵ Tư là tiền thân của Sát Sự Thính, chuyên phụ trách do thám hành động của bá quan. Chức Đô úy của Bách Kỵ Tư, cũng tương tự như chức Thiếu khanh của Sát Sự Thính hiện nay, đều là đầu lĩnh mật thám của hoàng gia. Người này thường xuyên vào cung gặp a gia, được a gia xem như trọng thần, nên nàng từng gặp ông ta vài lần. Tuy biểu hiện của ông ta rất cung kính, nhưng nàng luôn cảm thấy ánh mắt của ông ta nặng nề dục vọng quyền thế, tâm thuật bất chính, nên không mấy thiện cảm với ông ta.
Lý Doanh đang mải nghĩ đến chuyện cũ, lại không hề nhận ra bản thân vừa lướt qua một người mặc áo choàng đen. Người đó đeo một thanh loan đao vỏ vàng bên hông. Lúc ngang qua nàng, thanh loan đao ấy bỗng phát ra ánh sáng xanh lục lập lòe, trông đầy quỷ dị.