Sau khi Thôi Tuần rời đi, Lư Hoài như kẻ mất hồn mới chậm rãi đứng dậy. Hắn lảo đảo bước ra khỏi ngục thất, mạnh tay đẩy tên tiểu lại Đại Lý Tự đang định hỏi chuyện, rồi xiêu vẹo bước từng bước, đi thẳng đến phủ Lư Dụ Dân.
Hắn ngẩng đầu nhìn lên tòa phủ đệ giản dị, trời dần bị mây mù che khuất, từng hạt mưa thưa thớt rơi xuống, chẳng mấy chốc đã biến thành màn mưa dày đặc. Y phục Lư Hoài bị ướt sũng, nhưng hắn chẳng hề để ý, chỉ lặng lẽ nhìn lên hai chữ lớn đề trên cổng: “Lư phủ.”
Lời dạy bảo ân cần của thúc phụ thuở nhỏ như còn vang bên tai. Chữ đầu tiên hắn viết là thúc phụ dạy, bài thơ đầu tiên hắn học là thúc phụ làm. Hắn từng tự hào về thúc phụ biết bao. Hắn rất muốn xông vào, chất vấn thúc phụ về lời Thẩm Khuyết nói, xem đó là thật hay giả. Nhưng hắn đứng ngoài phủ rất lâu mà không dám bước vào.
Hắn sợ. Sợ nghe thấy câu trả lời đó, sợ rằng chỉ cần bước vào, hình tượng đạo mạo mẫu mực trong lòng hắn sẽ sụp đổ hoàn toàn. Hắn không dám.
Lư Hoài nhắm chặt mắt, mặc cho mưa rơi xối xả lên mặt. Thật lâu sau, hắn mới mở mắt, quay người, lê từng bước chân nặng nề rời đi.
–
Lư Hoài vừa rời đi, tin tức về việc A Man tiến vào ngục thất của Ngự Sử Đài, nói chuyện riêng với Thẩm Khuyết đã nhanh chóng truyền đến tai Lư Dụ Dân và Bùi Quan Nhạc.
Lư Dụ Dân vô cùng kinh hãi, suy nghĩ đầu tiên là tìm Lư Hoài để hỏi cho rõ, nhưng Lư Hoài đã bặt vô âm tín. Ý nghĩ tiếp theo của ông ta là phải truy tìm tung tích Thôi Tuần cho bằng được.
Thế nhưng, Thôi Tuần cũng không rõ tung tích.
Hắn không vào cung Đại Minh để cáo trạng, cũng không trở về Sát Sự Thính, càng không quay lại phủ đệ của mình. Cứ như thể hắn đã bốc hơi khỏi nhân gian. Dù Lư Dụ Dân có lật tung cả thành Trường An, cũng không thể tìm thấy dấu vết của hắn.
Lúc Lư Dụ Dân nóng ruột như lửa đốt thì Thôi Tuần lại đang ở trong một thư quán (tiệm sách) nhỏ tại hậu viện giữa lòng Trường An.
Hắn cẩn thận sao chép lại lời khai của Thẩm Khuyết, lật ngược lại và dán lên một tấm ván gỗ hoa lê mỏng, sau đó dùng dao khắc, khắc từng nét lên tấm ván ấy. Đó chính là phương pháp khắc in.
Từ khi Thôi Tụng Thanh đảm nhiệm chức Tể phụ, ông đã ra sức thúc đẩy việc khắc in ở Đại Chu. Sách in từ phương pháp này có giá rẻ hơn sách chép tay đến mười lần. Mục đích của ông là để giúp dân nghèo và tầng lớp hàn môn cũng có thể mua sách, học chữ. Để khuyến khích phương pháp khắc in, ông đã ra lệnh giảm một nửa thuế thương nghiệp cho các thư quán sử dụng phương pháp này. Vì vậy, khắp Trường An, thư quán nào cũng sở hữu bản khắc gỗ và sử dụng kỹ thuật khắc in để xuất bản sách.
Thôi Tuần nắm chặt dao khắc, môi mím chặt, từng nét chữ nổi được khắc tỉ mỉ trên tấm ván gỗ lê. Tuy cổ tay hắn đã mất sức, nhưng mỗi nhát dao hạ xuống đều ổn định và chuẩn xác, tựa như mỗi đường khắc trên ván gỗ này thấm đẫm máu và nước mắt của năm vạn người. Dù phải thiêu rụi sinh mạng mình, hắn cũng không cho phép sự sai sót dù chỉ một chút.
Lý Doanh vẫn lặng lẽ ở bên, chăm chú nhìn hắn. Thỉnh thoảng, nàng sẽ chỉnh lại áo khoác lông hạc đen tuyền phủ trên người hắn, giúp hắn không bị hàn khí xâm nhập trong lúc tâm tình phẫn nộ. Thế nhưng, khi Thôi Tuần khắc đến phần lời khai liên quan đến Long Hưng Đế trong lời khai của Thẩm Khuyết, nàng hơi ngập ngừng rồi khẽ nói: “Ta khuyên chàng đừng khắc đoạn này.”
Dao khắc trong tay Thôi Tuần khựng lại. Lý Doanh tiếp lời: “Không phải vì nó là a đệ của ta nên ta thiên vị. Nếu nó thật sự dính líu đến vụ án Thiên Uy quân, từ nay về sau, nó sẽ không còn là a đệ của ta nữa. Ta không có người thân nào lại bỏ mặc bách tính như vậy. Nhưng chàng đã nghĩ đến hậu quả nếu khắc đoạn này chưa?”
Nàng chậm rãi nói tiếp: “Hiện giờ a đệ vẫn là hoàng đế Đại Chu. Dù lời khai của Thẩm Khuyết là thật hay giả, chỉ cần chàng khắc đoạn này lên, chính là tội vọng nghị quân thượng, chẳng khác nào tạo phản. Đừng nói đến chuyện đòi lại công bằng cho Thiên Uy quân, ngay cả tính mạng chàng cũng khó giữ. Chi bằng tạm thời đừng kéo nó vào, hãy tập trung vào Lư Dụ Dân và Bùi Quan Nhạc trước đã.”
Lời nàng nói từng câu đều thấu tình đạt lý. Thế nhưng, dù lý lẽ rõ ràng, lửa căm phẫn trong lòng Thôi Tuần vẫn chưa nguôi. Lý Doanh không khuyên thêm, chỉ lặng lẽ ở bên cạnh hắn. Hắn không phải người nóng nảy, rồi sẽ suy nghĩ thấu đáo.
Quả nhiên, sau một lúc lâu, Thôi Tuần cụp mắt, hắn nói: “Không khắc nữa.”
Lý Doanh thở phào nhẹ nhõm, dịu dàng khuyên bảo: “Trước tiên hãy trừ gian thần, rửa oan cho Thiên Uy quân. Những chuyện khác, sau này hẵng điều tra.”
Thôi Tuần lẳng lặng gật đầu, bỏ qua phần liên quan đến Long Hưng Đế, dồn hết tâm sức khắc trọn vẹn phần còn lại lên tấm ván gỗ lê. Đợi đến khi trời lặn trăng lên, lời khai cuối cùng cũng đã được khắc xong.
Sau khi khắc xong, tiếp theo chính là in ấn. Sáng sớm mai, khắp các con đường trọng yếu trong thành Trường An sẽ dán kín những bản in của lời khai này.
–
Đại sự đã quyết, ngày mai Trường An ắt sẽ dậy sóng. Nếu là người thường, hẳn đã lo lắng đến mức mất ngủ. Thế nhưng, một người vẫn luôn mất ngủ như Thôi Tuần, sau khi uống thuốc xong lại ngủ rất say.
Lý Doanh tựa bên giường hắn. Nàng đưa tay, vuốt nhẹ hàng lông mi đen nhánh của hắn. Lông mi phất qua đầu ngón tay, êm dịu như cánh ve. Nàng biết, hắn đã quá mệt mỏi rồi.
Hắn đã chờ đợi ngày này suốt sáu năm. Sáu năm, hắn gánh trên vai mối thù khắc cốt ghi tâm, cùng bao tiếng xấu đeo bám, không một ngày nào hắn được yên giấc. Giờ đây, khi ánh hừng đông lóe lên ở cuối trời, cuối cùng hắn đã được trút bỏ gánh nặng, yên gối, ngủ một giấc trọn vẹn suốt đêm.
Ngón tay nàng nắm lấy bàn tay lạnh giá của hắn, ngón tay đan xen như lần đầu gặp gỡ bên hồ sen, chỉ là so với khi đó, giờ đây lại thêm phần dây dưa tình ý. Lý Doanh ngắm nhìn gương mặt yên bình trong giấc ngủ của hắn, khẽ thì thầm: “Ta thật sự hy vọng, a đệ không liên quan đến chuyện này…”
Đó là em trai của nàng, đó là người thân nhất của nàng trên cõi đời, ngoại trừ Thái hậu. Tuy nàng nói rằng nếu y thật sự dính líu đến chuyện này, nàng sẽ không nhận y nữa. Thế nhưng, sâu trong lòng, nàng vẫn không muốn tin. Nàng không muốn tin rằng em trai ruột của mình lại có thể nhẫn tâm, giao cả vạn dân cho dị tộc giày xéo.
Nàng ngẩng đầu nhìn Thôi Tuần đang say ngủ, trong lòng tràn đầy nỗi áy náy và xót xa. Lý Doanh nắm nhẹ lấy tay hắn. Hắn và a đệ nàng đều ở cùng đội tuổi hai mươi ba. Sáu năm trước, cả hai đều mười bảy tuổi, đang ở độ tuổi thanh xuân rực rỡ nhất. Thế nhưng sau đó, một người sống cuộc đời vinh hoa quyền thế, trở thành vị hoàng đế anh minh nhân đức trong mắt muôn dân; một người lại rơi vào đại mạc hoang vu, thanh danh tan nát, chịu đựng biết bao khổ nhục. Nhớ lại quãng thời gian từ mười bảy đến hai mươi tuổi, Thôi Tuần sống trong ngục tối, chịu đủ khổ hình; từ hai mươi đến hai mươi ba tuổi, lại bị đàm tiếu bủa vây. Mỗi ngày trong sáu năm ấy đều là cơn ác mộng không dứt. Và rất có thể, kẻ đã khiến hắn rơi vào cơn ác mộng ấy lại chính là a đệ của nàng.
Nàng nằm gục bên giường hắn, ánh mắt trở nên mơ hồ. Một lúc lâu sau, nàng bỗng mím môi, nhẹ giọng nói: “Thập Thất lang, trước khi sự thật được phơi bày, ta muốn tin tưởng thêm đệ ấy một lần nữa, được không?”
Thôi Tuần vẫn chìm vào giấc ngủ sâu, tất nhiên không thể đáp lại. Lý Doanh mỉm cười: “Chàng không trả lời nên ta xem như chàng đồng ý rồi nhé.”
Bàn tay nàng áp chặt lên tay hắn, lẩm bẩm: “Chỉ mong, không phải là đệ ấy.”
–
Ngày hôm sau, cả thành Trường An chìm trong cơn sóng gió.
Toàn bộ Kim Ngô Vệ xuất quân, lục soát và xé bỏ toàn bộ những bản in dán trên các cung đường trọng yếu. Thế nhưng tin tức đã sớm lan truyền khắp ngõ ngách, chẳng thể nào ngăn cản.
Long Hưng Đế giận dữ đến nỗi đập bàn, hạ lệnh khẩn cấp điều tra xem kẻ nào to gan lớn mật dám tung tin đồn thất thiệt giữa thành Trường An. Tả hữu Kim Ngô Vệ nhận lệnh chuẩn bị xuất phát, nhưng Long Hưng Đế đột nhiên nghĩ đến điều gì đó, quát lớn: “Thôi Tuần đâu? Sao hôm nay không thấy hắn đến triều?”
“Bẩm Thánh nhân, Thôi Thiếu khanh đã dâng tấu xin cáo bệnh.”
“Cáo bệnh?” Long Hưng Đế cười lạnh: “Hắn không dám đến thì có.”
Hắn nghiến răng: “Đi! Truyền hắn tới đây, dù có chết cũng phải lôi hắn đến gặp trẫm!”
Tả hữu Kim Ngô Vệ nhìn nhau, nhưng vẫn cúi đầu đáp: “Vâng.”
Trong lúc Long Hưng Đế đang nổi trận lôi đình, A Sử Na Ngột Đóa đứng ngoài điện Thần Long. Nàng lắng nghe một lúc, sau đó quay người, nói: “Đi thôi.”
Cung tỳ khó hiểu hỏi: “Huệ phi không vào diện kiến Thánh nhân sao?”
A Sử Na Ngột Đoá lắc đầu. Nàng ngước nhìn bầu trời mây đen dày kịt, dùng giọng quan thoại không mấy thông thạo đáp: “Sắp mưa rồi.”
Nàng nói: “Hồi cung thôi.”
Dứt lời, nàng ngồi vào bộ liễn, hướng về tẩm cung của mình. Chỉ là khi ngang qua một hồ cá, nàng bỗng yêu cầu dừng kiệu, bước xuống ngắm cá vàng trong hồ.
Tuy nói là ngắm cá, ánh mắt nàng lại chăm chú dừng ở một đóa sen giữa hồ. Từng hạt mưa lất phất rơi xuống, cung tỳ nhanh nhẹn giương ô, che cho A Sử Na Ngột Đoá. Mưa càng lúc càng nặng hạt, cánh sen lay động không ngừng giữa gió mưa, nhưng cánh hoa cũng được rửa sạch đến mức rực rỡ dị thường. A Sử Na Ngột Đóa giương mắt, chợt hỏi cung tỳ: “Ngươi nói xem, sau cơn mưa này, đóa sen ấy sẽ trở nên đẹp hơn, hay sẽ héo tàn?”
Cung tỳ không có tài tiên tri, sao biết được đóa sen yếu ớt này sẽ bị gió mưa tàn phá hay sẽ lại hồi sinh sau mưa. Nàng chỉ có thể đáp: “Nô tỳ không biết.”
A Sử Na Ngột Đoá cũng không truy hỏi thêm, chỉ nhìn đóa sen bị nước mưa làm rũ xuống. Nàng nói: “Bông sen này thật đẹp. Trước khi nó chết đi, ta muốn hái nó xuống.”
Cung tỳ lập tức đáp: “Đợi mưa tạnh, nô tỳ sẽ đi hái ngay.”
Nhưng A Sử Na Ngột Đóa chỉ lắc đầu từ chối: “Không, để ta tự hái.”
–
Khi Long Minh Cung của đế vương đang chìm trong chướng khí mù mịt, thì căn nhà tạm của A Man cũng đón thêm một nhóm người mới.
Đó chính là những thân nhân của Thiên Uy quân ở Trường An.
Những người này, có già có trẻ, có phụ nữ có trẻ thơ, nhưng trải qua sáu năm sóng gió, số người còn lại đã không còn nhiều. A Man được các tỷ muội trong giáo phường đỡ ra ngoài. Người đầu tiên bước ra từ đám đông là Hà Thập Tam, cầm theo một tờ lời khai bị xé trộm, hỏi A Man: “Thịnh a tỷ, bọn ta biết tỷ là thiếp của Thẩm Khuyết, muốn hỏi tỷ, những lời viết trên này, có đúng không?”
A Man nhìn quanh, thấy những gương mặt hốc hác, đã già nua hơn tuổi thật. Sáu năm qua, họ phải mang danh gia quyến của bại quân, chịu bao nỗi nhục nhã và miệt thị. Như mẹ của Tào Ngũ Lang, vì không chịu nổi nhục nhã nên đã treo cổ tự vẫn. Những người còn lại chỉ có thể sống trong sự tê liệt và bi thương. Nhưng hôm nay, họ bất ngờ biết được rằng, hóa ra con trai của họ, anh em của họ, hay chồng của họ không phải là bại tướng, mà là bị người hãm hại đến mức toàn quân tan nát. Làm sao họ có thể không hận?
Sống mũi A Man xộc lên, nàng đáp: “Từng chữ trên này, đều là những gì Thẩm Khuyết đã từng nói với ta. Tất cả đều là thật.”
Đám đông lặng yên một lúc, rồi bỗng dưng bùng lên tiếng khóc thống thiết. Họ khóc vì những người thân đã mất, khóc cho những người anh em, người chồng người con, và cũng khóc cho chính bản thân họ.
Hà Thập Tam cố nén nước mắt, hỏi A Man: “Vậy thì những a huynh của ta, họ bại trận không phải vì chủ quan, mà là bị hại đến mức toàn quân bị diệt. Họ không phải bại quân, họ là anh hùng, đúng không?”
A Man cắn môi, gật đầu: “Mỗi người trong số họ đều là anh hùng.”
Hà Thập Tam ngẩng cao đầu, ưỡn ngực cười lớn: “Tốt! Ta, Hà Thập Tam, là thân nhân của anh hùng!”
Hắn lại nói: “Thịnh a tỷ, bọn ta phải đi kiện, tỷ có muốn đi không?”
Vết thương của A Man còn chưa lành, nhóm tỷ muội trong giáo phường lo lắng nói: “A Man…”
Nhưng A Man lập tức đáp: “Ta đi.”
Nàng kiên quyết nói từng chữ: “Ta cũng là thân nhân của anh hùng, ta nhất định phải đi!”
–
Trên đường đến huyện nha, A Man cũng kể cho Hà Thập Tam nghe về a huynh cậu, Hạ Cửu, người đã bị giết khi đi cầu viện tại Phong Châu. Thật đáng thương, Hà Cửu không chết trong tay người Đột Quyết, mà lại bị chính đồng bào mình bắn hạ ngay tại cổng thành Phong Châu. Y bị bắn tổng cộng một trăm linh tám mũi tên, sống sờ sờ bị biến thành con nhím, rồi ngã xuống ngay trên mảnh đất Đại Chu mà y thề suốt đời bảo vệ.
A Man còn nói với Hà Thập Tam: “Lần này đến huyện nha, sống chết khó lường. Đệ chưa đầy mười bốn tuổi, cuộc đời mới chỉ vừa bắt đầu, đệ có thể không đi. Nỗi oan của a huynh đệ, cứ để chúng ta lo liệu.”
Hà Thập Tam lau khô nước mắt, đáp: “Thịnh a tỷ, a huynh của đệ trúng một trăm linh tám mũi tên, vẫn không lùi bước. Đệ cũng sẽ không lùi.”
Ánh mắt cậu kiên định vô cùng. A Man cảm động trong lòng, nói: “Đệ giống với anh trai, đều là những bậc anh hùng.”
Hà Thập Tam đỡ nàng, cùng nàng chậm rãi bước đi. Bỗng nhiên hắn cậu ra điều gì, hỏi: “Đúng rồi, Thịnh a tỷ, tỷ có biết người đã dán lời khai là ai không?”
A Man đáp: “Ta không biết, nhưng ta có thể đoán được.”
“Là ai?”
“Là… Thôi Tuần.”