Long Hưng Đế còn chưa kịp lên tiếng, Thái hậu đã gằn từng chữ: “Thẩm Khuyết! Đúng, Thẩm Dung, a tỷ của ngươi là do ngô giết. Nhưng nàng ta đáng chết.”
Thẩm Khuyết bật cười lạnh, ánh mắt hằm hằm nhìn Thái hậu, giọng nói tràn đầy châm biếm: “Muốn vào cung hầu hạ Tiên đế thì đáng chết sao? Tiên đế đâu phải chỉ của một mình bà. Nói trắng ra, bà sợ a tỷ của ta trẻ trung xinh đẹp, đoạt mất sủng ái của bà nên mới giết tỷ ấy!”
“Nếu Thẩm Dung thực sự chỉ muốn vào cung hầu hạ Tiên đế, ngô đã không giết nàng ta!” Thái hậu vung tay, ném mạnh một hình nhân vu cổ làm bằng gỗ xuống đất: “Đây mới là lý do khiến ngô phải ra tay.”
–
Bình Sơn Quận phu nhân Thẩm Dung, qua đời năm nàng hai mươi tuổi.
Khi Thẩm Dung chào đời, dì ruột nàng là Khương Linh Diệp vẫn chưa nhập cung. Trong ký ức bốn năm đầu đời, nàng chỉ nhớ đến những bộ y phục chắp vá đến sờn cũ, căn nhà đất lụp xụp thấp bé, và cả hình bóng a nương nàng ngồi dưới ánh trăng, may vá đến tận khuya. Dù chỉ mới bốn tuổi, nàng đã phải giúp a nương giặt giũ, nấu cơm, làm việc nặng. Gia cảnh nghèo khó đến cùng cực, nhưng điều tuyệt vọng nhất không phải ở hiện tại, mà là tương lai mịt mờ vô vọng.
A gia nàng là một con buôn. Trong xã hội sĩ nông công thương, thương nhân hay con buôn luôn được xếp ở tầng lớp thấp nhất. A gia của nàng cũng như ngoại tổ nàng, đều là kiểu người không có chí tiến thủ. Khi nàng lớn lên, nàng cũng sẽ bước theo con đường của a nương, lấy một con buôn kém cỏi, rồi lại tiếp tục một cuộc đời nghèo khổ, bế tắc.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm nàng bốn tuổi.
Di mẫu của nàng, Khương Linh Diệp, được tuyển vào cung.
Khương Linh Diệp có dung mạo kiều diễm, lại cực kỳ thông minh. Người quản lý sổ sách kinh doanh của tổ phụ đâu vào đó, rõ ràng mạch lạc, ngay cả việc mười năm trước ai nợ ngoại tổ bao nhiêu tiền, người cũng nhớ rõ mồn một. Nếu không phải ngoại tổ mẫu cấm người ra ngoài buôn bán, có lẽ người đã trở thành một nữ thương thành công.
Một người toàn vẹn như thế, những kẻ đến cầu thân người cũng nhiều đến dẫm nát cả bậc cửa. Trong số đó phần lớn đều là những người môn đăng hộ đối, nhưng cũng có không ít phú hộ si mê vẻ đẹp của người, sẵn lòng bỏ ra số tiền lớn để nạp người làm thiếp. Có đôi lần ngoại tổ cũng từng dao động, nhưng người đều thẳng thừng từ chối.
Ngoại tổ không hiểu, bèn hỏi: “Đến cả phú hộ mà con cũng không muốn, vậy con muốn gả cho ai?”
Người bình tĩnh đáp: “Nếu đã làm thiếp, thì sao không làm thiếp của người quyền thế nhất thiên hạ?”
Ai là người quyền thế nhất thiên hạ?
Đương nhiên là Thánh nhân ngụ ở Đại Minh cung.
Khương Linh Diệp đã chán ghét cuộc sống này. Ở Đại Chu, ngoài đồ tể mặc áo màu đen, tất cả đều mặc áo trắng, mà địa vị của thương nhân lại thấp nhất trong số các lương dân. Nếu người lấy một thương nhân, rồi sinh con gái, con gái người lại lấy thương nhân, vòng tuần hoàn ấy cứ tiếp nối mãi, đời đời kiếp kiếp, đều chỉ là tầng lớp thấp hèn.
Người không quyết định được việc mình sinh ra ở đâu, nhưng người có thể quyết định vận mệnh của mình.
Ông trời đã ban cho người nhan sắc mỹ lệ cùng trí tuệ vượt trội, người phải tận dụng tất cả để thay đổi số mệnh.
Di mẫu quyết định tham gia tuyển chọn cung nữ, tìm cách nhập cung để thoát khỏi vòng lặp luẩn quẩn này. Ngoại tổ và ngoại mẫu ra sức phản đối, nhưng a nương nàng lại tán thành. A nương nói: “Từ nhỏ di mẫu con đã là người có chí khí, tâm cao như vậy, thay vì để di mẫu gả cho một thương nhân rồi sống cuộc đời u sầu, chi bằng cứ để di mẫu thử một lần, dù thắng thua ra sao thì ít nhất cũng không phải hối tiếc.”
Kỳ thực, a nương của nàng cũng không nghĩ di mẫu sẽ làm nên chuyện, thiên hạ này nào thiếu mỹ nhân. Nhưng vì thương yêu đứa em gái duy nhất, a nương đã không ngần ngại mang hết thảy ra giúp di mẫu đặt cược. Di mẫu không có nổi một đôi giày vừa chân, cũng chẳng có y phục hoa lệ, sợ rằng không thể lọt vào mắt xanh của Hoa Điểu Sứ. A nương bèn cởi đôi giày tốt nhất của mình đưa cho di mẫu, gom góp hết tiền bạc trong nhà, làm cho di mẫu một bộ váy sáu mảnh bằng lụa Bích Đan. Khi ấy, di mẫu cảm động đến rơi nước mắt, nói: “A tỷ, nếu muội thật sự có thể làm phượng hoàng bay lên cành cao, muội nhất định sẽ không quên đại ân đại đức của tỷ.”
Cứ như thế, di mẫu vào cung. Không ai ngờ rằng, thiếu nữ nghèo đến mức không có nổi một đôi giày vừa chân này, sau khi nhập cung lại nhanh chóng được Thánh nhân sủng ái, từng bước đi lên, cuối cùng trở thành Hoàng hậu Đại Chu, dưới một người trên vạn người.
–
Trước bốn tuổi, cuộc đời Thẩm Dung có thể gói gọn trong bốn chữ: Không đáng nhìn lại. Sau bốn tuổi, cũng chỉ cần bốn chữ để hình dung: Gà chó lên mây.
Di mẫu nhập cung, được phong làm phi, gia cảnh nàng nàng cũng vì thế mà trở nên khấm khá. A nương không còn phải thức khuya đến hỏng mắt vì làm giày thuê cho phú hộ, a gia cũng không còn phải lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để rao bán hàng rong, và nàng, cũng không phải mặc những bộ y phục vá chằng vá đụp nữa, thậm chí còn thường xuyên được vào cung, bầu bạn với di mẫu và biểu muội: Vĩnh An công chúa, Lý Doanh.
So với cuộc sống trước kia của nàng, có thể nói biểu muội Lý Doanh trời sinh đã cao quý. Vừa chào đời nàng đã là đứa con được thiên tử yêu thương nhất, không chỉ có nhũ danh Minh Nguyệt Châu được rút từ bảo vật chí bảo trong kinh Phật, mà còn được ban vùng đất phong giàu có và trù phú bậc nhất là quận Quảng Lăng. Phụ thân Lý Doanh chỉ thiếu điều dâng cả thiên hạ đến trước mặt nàng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, ngàn phần sủng ái, vạn phần chiều chuộng. May thay, Lý Doanh không vì vậy mà trở nên kiêu căng. Nàng ấy vô cùng ôn hòa, thiện lương, đối với biểu tỷ như nàng cũng rất tôn trọng. Chỉ là, có lẽ tính tình một người đã định hình từ năm bốn tuổi, những trải nghiệm thời thơ ấu khiến Thẩm Dung tuy đối xử tử tế với Lý Doanh nhưng hành động đó chưa từng xuất phát từ tấm lòng.
Năm nàng mười bốn tuổi, cũng là lúc di mẫu đã được phong làm Quý phi. Từ đó, gia tộc của nàng không còn là thương hộ, a gia nàng được phong làm quan tam phẩm, có thể nói đã vượt qua bậc thềm giai tầng. Di mẫu từng hỏi a nương nàng có để ý thanh niên tài tuấn nào không, nếu có, người sẽ tấu thỉnh Thánh thượng ban hôn. Khi a nương kể lại lời ấy, nàng lại lắc đầu. Bởi lẽ, câu nói của di mẫu từ hơn mười năm trước vẫn vang vọng mãi trong tâm trí nàng: “Đã làm thiếp, sao không chọn người quyền thế nhất thiên hạ để hầu cận?”
–
Khi Thẩm Khuyết nghe tới đây, hắn không thể tin nổi: “Bà nói, a tỷ của ta vốn ôm dã tâm, muốn vào cung tranh sủng?”
Thôi Tuần cũng thoáng chau mày. Người ta đồn rằng, vì Thái hậu mãi không thể hạ sinh hoàng tử nên để bảo toàn lợi ích gia tộc, Thẩm quốc phu nhân mới định đưa nữ nhi Thẩm Dung vào cung, hầu hạ Tiên đế. Thái hậu ghen tức, liền hạ độc giết cả Thẩm quốc phu nhân và Thẩm Dung, từ đó, Thái hậu mang tiếng độc phụ, không màng thân tình, thủ đoạn tàn nhẫn. Trong câu chuyện này, Thẩm Dung luôn hiện lên với hình tượng mỹ lệ, nhu nhược, thân bất do kỷ, đáng thương vô tội. Nhưng không ngờ, người thật sự muốn vào cung lại chính là Thẩm Dung.
Thái hậu hồi tưởng lại quá khứ, rồi cười chua chát: “Thẩm Dung không muốn xuất giá, a tỷ từng tìm đến ngô, vòng vo bóng gió, tiết lộ ý muốn đưa Thẩm Dung vào cung. Khi ấy, ngô đã cả kinh thất sắc. Cung Đại Minh là nơi thế nào, chả nhẽ tỷ ấy không rõ. Tạm không nói đến Trịnh Hoàng hậu như hổ đói rình mồi, những phi tần khác đều không phải hạng dễ đối phó. Ngày ngô mới nhập cung, từng làm cung nữ trong điện Hiền phi, chỉ vì Tiên đế khen ngô có đôi mắt đẹp mà Hiền phi đã nổi cơn ghen. Bà ta chẳng những đánh đập mà còn sai người khoét đôi mắt ngô, nếu không nhờ Tiên đế đến kịp, ngô đã chầu trời lâu rồi. Thẩm Dung chỉ nhìn thấy phong quang của một Quý phi, nhưng lại không nhìn thấy những khổ ải ngô trải qua từ khi là cung nữ, từng bước leo lên vị trí này.”
Thái hậu vốn dĩ luôn kiêu hãnh, chưa từng để lộ sự yếu đuối trước mặt người khác. Đây là lần đầu tiên bà kể về những cay đắng ngày xưa trước mặt Long Hưng Đế. Sắc mặt Long Hưng Đế không khỏi biến đổi, giọng nói run rẩy: “A nương…”
Thái hậu thì thầm: “Khi đó ngô không chỉ cự tuyệt a tỷ, mà còn nói với tỷ ấy rằng, chỉ cần ngô còn một ngày thì tuyệt đối không thể để Thẩm Dung nhập cung. Ngô chỉ muốn tốt cho Thẩm Dung, nào ngờ lại… hại chết Minh Nguyệt Châu.”
–
Thẩm Dung bị từ chối, trong lòng thất vọng tràn trề. Nàng hỏi mẫu thân: “A nương, di mẫu nói thế thật sao?”
Thẩm quốc phu nhân gật đầu, vẻ mặt đầy lo âu: “Dung nhi, thôi đi con. Giờ đây nhà chúng ta đã có địa vị, đàn ông ở Trường An nhiều vô số kể, con muốn chọn ai chẳng được, hà tất phải vào cung, gả cho Hoàng đế?”
Thẩm Dung tức giận: “Không, con không cần những người khác, con chỉ muốn gả cho Hoàng đế.”
Nàng mím chặt môi, trong đầu hiện lên dáng vẻ oai phong tuấn tú của Thái Xương Đế: “Nếu di mẫu không giúp con, con sẽ tự nghĩ cách.”
–
Cách mà Thẩm Dung nghĩ ra, bước đầu tiên chính là khơi mào cuộc tranh đấu giữa dì ruột nàng và Trịnh Hoàng hậu .
Người không đồng ý cho nàng nhập cung, Trịnh Hoàng hậu lại càng không. Cả hai đều là những nữ nhân quyền lực bậc nhất trong hậu cung, nàng phải khiến họ đấu nhau đến lưỡng bại câu thương.
Thẩm Dung liền xúi giục Thẩm quốc phu nhân, mua chuộc cung nữ bên cạnh Trịnh Hoàng hậu, lan truyền những tin tức giả, nhằm khơi dậy oán hận của di mẫu đối với Trịnh Hoàng hậu.
Thẩm quốc phu nhân không hiểu dụng ý của nàng: “Con mua chuộc cung nữ bên cạnh Trịnh Hoàng hậu để dò la tin tức thay di mẫu thì ta còn hiểu được, nhưng tại sao lại bảo cung nữ đó bịa ra những lời Trịnh Hoàng hậu chưa từng nói, khiến di mẫu con càng thêm chán ghét bà ta?”
“Con làm vậy vì muốn tốt cho di mẫu.” Thẩm Dung điềm nhiên đáp: “Từ sau khi sinh Minh Nguyệt Châu, di mẫu luôn dè dặt, còn đâu sự quyết đoán và táo bạo thuở mới trèo lên long sàng? Con hiểu, người sợ nếu đấu với Trịnh Hoàng hậu mà thua thì sẽ liên lụy đến Minh Nguyệt Châu. Nhưng chẳng lẽ người không đấu thì Trịnh Hoàng hậu sẽ buông tha cho người sao? Nực cười.”
Thẩm quốc phu nhân khuyên nhủ: “Từ trước đến nay, di mẫu con luôn là người biết co duỗi nhất. Lúc mới nhập cung, một chữ bẻ đôi người cũng không biết nhưng giờ thì từng nét chữ đều rất thanh tao, đã thế còn hay đọc đủ thoại thi thư. Thánh nhân lại hay cùng người thảo luận việc triều chính, có lẽ tâm tư của người chưa chắc đã đặt ở việc tranh sủng chốn hậu cung. Huống hồ di mẫu con vẫn luôn nhượng bộ, khiến Trịnh Hoàng hậu được nước lấn tới. Trong triều đã râm ran những lời bất mãn về Trịnh Hoàng hậu. Chúng ta cứ kiên nhẫn đợi xem, biết đâu chẳng bao lâu nữa, di mẫu con sẽ thắng.”
Thẩm Dung khinh thường đáp: “Một Quý phi không có con trai thì làm sao thắng nổi? Huống hồ, Trịnh Hoàng hậu chỉ là hơi nóng nảy, nhưng không phạm lỗi lớn nào. Nếu cứ tiếp tục chờ đợi, nếu Trịnh Hoàng hậu qua đời trước Thánh nhân thì còn may, nhưng nếu bà ta chết sau Thánh nhân, di mẫu sẽ trở thành Tích phu nhân tiếp theo. Cả nhà chúng ta e cũng không tránh khỏi bị tru di cả tộc.”
Thẩm quốc phu nhân kinh hãi: “Dung nhi, con đừng làm ta sợ.”
“A nương, người hãy nghe lời con.” Thẩm Dung nghiêm túc nói: “Con làm vậy là muốn tốt cho di mẫu, kể cả dì mẫu có biết cũng sẽ không trách chúng ta.”
Thẩm quốc phu nhân do dự mãi, cuối cùng vẫn đồng ý với Thẩm Dung, mua chuộc cung nữ Vãn Hương bên cạnh Trịnh Hoàng hậu, châm ngòi oán hận giữa Trịnh Hoàng hậu và Khương Quý phi.
–
Mọi chuyện tiến hành vô cùng thuận lợi, đặc biệt khi Thẩm Dung sai Vãn Hương vu khống rằng Trịnh Hoàng hậu đã đầu độc Lý Doanh bằng bát canh sâm. Điều này khiến di mẫu nàng hận Trịnh Hoàng hậu đến cực điểm. Tiếp theo, nàng chỉ cần thúc đẩy một chút nữa, để người hạ được quyết tâm, đánh gục Trịnh Hoàng hậu hoàn toàn.
Thẩm Dung hiểu rất rõ, trở ngại lớn nhất ngăn cản nàng vào cung không phải di mẫu mà chính là Trịnh Hoàng hậu. Trong cung vốn đã có một Khương Quý phi được sủng ái nhất mực, Trịnh Hoàng hậu tuyệt đối sẽ không để xuất hiện thêm một Khương Quý phi thứ hai.
Huống hồ, so với Khương Quý phi, Thẩm Dung trẻ trung hơn, dung mạo càng diễm lệ hơn. Mà đàn ông, ai lại không thích những thiếu nữ trẻ đẹp? Thái Xương Đế cũng là đàn ông, đương nhiên cũng không ngoại lệ.
Muốn tiến cung, muốn chuyên sủng, trước tiên phải trừ khử Trịnh Hoàng hậu hoàn toàn.
Về phần làm thế nào để hạ bệ triệt để Trịnh Hoàng hậu, Thẩm Dung chuyển sự chú ý lên biểu muội của mình: Lý Doanh.