Trong phòng giam, Thôi Tuần nói với Nghiêm Tam nương: “Chỉ cần bà nói ra những gì bà biết, mỗ sẽ không làm khó bà.”
Ngoài phòng giam, Lý Doanh nói với Hổ Nô: “Chỉ cần a bà của em nói ra những gì bà ấy biết, hắn sẽ không làm khó bà ấy.”
–
Từ khi xuất cung Nghiêm Tam nương đã chịu đủ gian truân, ít khi được người khác đối đãi tử tế. Nghe vậy, khóe mắt bà bất giác ửng đỏ, nhưng vẫn cẩn thận đáp lời: “Thôi Thiếu khanh, ta sẽ nói hết những gì ta biết, nhưng… ta có một thỉnh cầu.”
“Cứ nói.”
“Ta muốn nhờ ngài giúp ta an táng hài cốt của Vãn Hương.”
Nói đến đây, như sợ Thôi Tuần không đồng ý, bà vội vàng nói tiếp: “Trong thành Trường An này, chỉ có ngài mới dám an táng hài cốt của Vãn Hương. Vãn Hương mệnh khổ, trong nhà chỉ có một người mẹ già mù lòa. Sau khi nàng mất, ta không dám báo tin cho bà ấy. Mấy năm sau, mẹ nàng cũng qua đời. Ta muốn chôn cất nàng bên cạnh mẹ nàng. Nếu ngài đồng ý giúp, ta sẽ nói tất cả những gì ta biết. Nếu ngài không đồng ý, dù có đánh chết ta, ta cũng không nói.”
Y phục làm bằng vải thô trên người Nghiêm Tam nương chằng chịt mảnh vá, trông bà sống thật nghèo khổ. Thế nhưng, dù khổ cực đến đâu, bà vẫn gắng sức chăm lo, tiễn đưa mẹ của Vãn Hương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ánh mắt Thôi Tuần rời khỏi những vết vá trên người bà, dừng lại trên gương mặt phong sương kia, rồi bình thản nói: “Cháu trai của bà rất thông minh. Nếu có tiền bạc học hành, sau này ắt có tiền đồ rộng mở. Bà chọn tiền bạc, hay chọn an táng Vãn Hương?”
Nghiêm Tam nương sững sờ, tựa hồ trong lòng đang giằng xé. Cuối cùng, bà đáp: “Vãn Hương là bạn của ta. Ta… ta chọn an táng cho nàng.”
Thôi Tuần lặng im giây lát, gật đầu nói: “Được, ta hứa với bà, giúp hài cốt nàng ta không còn phải nằm lại nơi bãi tha ma.”
Nghiêm Tam nương mừng rỡ, lập tức cúi lạy thật mạnh: “Đa tạ Thôi Thiếu khanh, đa tạ ngài, đa tạ ngài.”
Thôi Tuần đưa tay cản bà: “Nói ra tất cả những gì bà biết, không sót một lời.”
–
Hai mươi chín năm trước, Nghiêm Tam nương chỉ là một cung nữ quét dọn trong cung của Trịnh Hoàng hậu. Thân phận thấp hèn, lại vì tính cách trầm lặng, bà chẳng được Hoàng hậu yêu thích. Vãn Hương lớn tuổi hơn bà, vào cung sớm hơn, cũng khôn khéo hơn bà ấy rất nhiều. Những khi Nghiêm Tam nương bị Hoàng hậu trách phạt, Vãn Hương không hùa theo các cung nữ khác, cũng không đổ thêm dầu vào lửa, mà thường lén lút đưa thuốc chữa thương cho bà. Vì vậy, Nghiêm Tam nương ôm lòng cảm kích, dần trở thành bạn với Vãn Hương.
Nhưng kể từ khi Khương Quý phi được sủng ái, tính khí Trịnh Hoàng hậu ngày càng dở tệ. Nghiêm Tam nương thường xuyên bị trách phạt, cuộc sống không lúc nào được yên. Chính lúc ấy, Thẩm quốc phu nhân, chị gái của Khương Quý phi, đã tìm đến bà.
Thôi Tuần hỏi: “Bà ta muốn bà làm nội ứng sao?”
Nghiêm Tam nương gật đầu: “Đúng vậy. Bà ta cho ta rất nhiều bạc, nói rằng Trịnh Hoàng hậu đối xử tệ với ta. Nếu ta giúp bà ta, bà ta sẽ không bạc đãi.”
“Vậy bà đã đồng ý?”
“Không.” Nghiêm Tam nương đáp: “Nếu bị Hoàng hậu phát hiện, chắc chắn người sẽ đánh chết ta. Ta không có gan đó, cũng không muốn có tiền nhưng không còn mạng để tiêu.”
“Vậy bà từ chối?”
“Đúng.” Nghiêm Tam nương khựng lại, vẻ mặt thoáng chút âm u: “Nhưng ta không ngờ bà ta lại đến tìm Vãn Hương.”
“Vãn Hương đã đồng ý?”
Giọng nói của Nghiêm Tam nương đầy sự đau khổ: “Ta đã khuyên nàng. Ta bảo nàng, tranh đấu giữa các bậc quý nhân, chúng ta đừng nên xen vào. Những người như chúng ta, chỉ cần sống bình yên là được. Nhưng Vãn Hương phải nuôi mẹ già mù lòa, nàng cần tiền bạc, nên nàng đã đồng ý làm nội ứng cho Thẩm quốc phu nhân, trợ giúp Khương Quý phi.”
“Nàng ấy đã mật báo mọi chuyện trong cung Trịnh Hoàng hậu cho Khương Quý phi?”
Nghiêm Tam nương ngập ngừng, rồi nói: “Nếu chỉ như vậy, Vãn Hương đã không mất mạng.”
Thôi Tuần cau mày: “Vậy là sao?”
Nghiêm Tam nương nghiến răng: “Nàng không chỉ báo cáo những chuyện đã xảy ra trong cung Trịnh Hoàng hậu, mà còn dựng nên những chuyện chưa từng xảy ra rồi mật báo…”
Khi Nghiêm Tam nương dò hỏi Vãn Hương để biết chân tướng, bà đã kinh hãi đến rụng rời. Những lời Trịnh Hoàng hậu từng nói hay chưa từng nói, Vãn Hương đều báo lại với Khương Quý phi. Nàng kể rằng Trịnh Hoàng hậu thường xuyên nguyền rủa Khương Quý phi và công chúa Vĩnh An, mong cả hai sớm gặp bất trắc. Nàng còn bịa ra rằng Trịnh Hoàng hậu từng nói, một ngày nào đó sẽ biến Khương Quý phi thành một Thích phu nhân [1] thứ hai. Nhưng trên thực tế, Trịnh Hoàng hậu chưa từng thốt ra những lời như vậy.
[1] Thích phu nhân (chữ Hán: 戚夫人, ? – 194 TCN), hay còn gọi là Thích Cơ (戚姬), là một phi tần rất được sủng ái của Hán Cao Tổ Lưu Bang, người sáng lập ra nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Bà là mẹ của Triệu vương Lưu Như Ý, do mẹ được sủng ái nên Như Ý cũng được Cao Tổ coi trọng, từng có ý định lập Như Ý thay Hán Huệ Đế Lưu Doanh làm Thái tử. Sau khi Cao Tổ băng hà, Thích Cơ cùng con trai bị mẹ của Hán Huệ Đế là Lữ hậu ra tay tàn sát rất độc ác, nổi danh trong lịch sử. Nguồn chú thích: Wikipedia.
Thôi Tuần chau mày hỏi: “Vì sao Vãn Hương phải làm vậy?”
“Ban đầu ta cũng không hiểu.” Nghiêm Tam nương cười khổ. “Về sau mới rõ, Vãn Hương không phải nội ứng của Khương Quý phi, mà là tay trong của Thẩm quốc phu nhân.”
–
Dưới sự xúi giục của Vãn Hương, Khương Quý phi ngày càng căm ghét Trịnh Hoàng hậu. Thực ra, Trịnh Hoàng hậu dù kiêu căng, nhưng không phải hạng người ngoan độc. Đối diện với sự sủng ái mà Tiên đế dành cho Khương Quý phi, bà ganh tỵ, tức giận và bất bình. Bà không thể hiểu nổi vì sao mình, xuất thân từ danh môn Trịnh thị đất Huỳnh Dương, là nguyên phối của Tiên đế, theo hầu từ khi Tiên đế còn là Thái tử, dung mạo mỹ miều, học thức thông tuệ, ngoại trừ việc không thể sinh con, bà có điểm nào thua kém Khương Quý phi, một kẻ xuất thân hèn mọn? Nhưng dù thế nào, Tiên đế vẫn một lòng thiên vị Khương Quý phi, đến mức chẳng buồn ngó ngàng gì tới bà.
Trịnh Hoàng hậu không thể nào lý giải được. Dù thường xuyên buông lời trách móc và gây khó dễ cho Khương Quý phi, nhưng bà chưa từng có ý muốn đoạt mạng người hay công chúa Lý Doanh.
Nghiêm Tam nương kể tiếp: “Vãn Hương còn từng mật báo rằng bát canh sâm Trịnh Hoàng hậu ban cho công chúa Vĩnh An có vấn đề. Sau này mới biết, chính Thẩm quốc phu nhân đã bỏ độc vào canh, rồi giả vờ làm đổ bát canh ấy. Từ đó, Khương Quý phi hoàn toàn tin rằng Trịnh Hoàng hậu muốn hãm hại mình và công chúa Vĩnh An.”
Thôi Tuần trầm giọng hỏi: “Vãn Hương làm vậy, không sợ sự việc đến ngày bại lộ sao?”
“Nàng sợ chứ.” Nghiêm Tam nương thở dài. “Sợ đến tột cùng, nhưng đã lỡ bước lên thuyền của Thẩm quốc phu nhân, làm sao còn đường thoát thân? Nàng chỉ còn cách liều mình làm theo lệnh phu nhân, tiếp tục gây hiềm khích giữa Trịnh Hoàng hậu và Khương Quý phi. Trong khi đó, Khương Quý phi căm hận Trịnh Hoàng hậu đến tận xương tủy, còn Trịnh Hoàng hậu lại không hề hay biết, vẫn bận rộn lo liệu hôn sự giữa cháu trai mình, Trịnh Quân, và công chúa Vĩnh An. Nhưng trong mắt Khương Quý phi, sự chu toàn ấy của Trịnh Hoàng hậu tuyệt đối không có ý tốt.”
Thôi Tuần trầm ngâm không đáp. Nghiêm Tam nương tiếp lời: “Năm Thái Xương thứ hai mươi, công chúa Vĩnh An rơi xuống nước qua đời. Khương Quý phi đương nhiên nghĩ Trịnh Hoàng hậu giết công chúa, Tiên đế nổi giận, hạ lệnh điều tra, cuối cùng tra ra là do phò mã Trịnh Quân gây nên. Trịnh Hoàng hậu bị phế truất, ta cũng bị đuổi khỏi cung. Nhưng Vãn Hương lại được thăng làm Tư thiện của cục Thượng Thực. Ta khuyên nàng hãy sớm thoát thân, cùng ta rời cung, nhưng Vãn Hương nói không thể đi được. Nàng dường như đã đoán trước kết cục của mình, nên đem hết tiền bạc giao lại cho ta, nhờ ta nếu có chuyện chẳng lành, hãy chăm sóc mẹ nàng thay nàng.”
Nghiêm Tam nương càng nói càng u sầu: “Một năm sau, có lẽ Khương Quý phi phát hiện ra Vãn Hương luôn lừa dối mình, liền sai người đánh chết nàng. Đây chính là tất cả những gì ta biết.”
Vài câu ngắn ngủi kể hết cuộc đời bi thảm của một người con gái đáng thương. Một bước sai lầm, vạn kiếp không thể quay đầu.
Thực ra, trong câu chuyện này, ngoài Nghiêm Tam nương, không có ai là vô tội cả. Vãn Hương lừa gạt Khương Quý phi, nàng không vô tội. Trịnh Hoàng hậu căm ghét Khương Quý phi, cũng không vô tội. Mà Khương Quý phi, một năm sau, khi biết rõ mọi chuyện đều do Vãn Hương xúi giục, rằng Trịnh Hoàng hậu không có ý định hại chết Lý Doanh, nhưng vẫn sai người vào lãnh cung siết cổ Trịnh Hoàng hậu, bà càng không vô tội.
Khi ấy, tâm tư của Khương Quý phi không khó đoán. Trịnh Hoàng hậu đã bị phế, bà không thể để Hoàng hậu có cơ hội trở lại, càng không muốn giảng hòa. Bà chọn cách gi.ết ch.ết Hoàng hậu để trừ đi hậu họa.
Mưu lược như thế, thực ra cũng chẳng khác gì Tiên đế. Năm xưa, Tiết Thái hậu sát mẫu đoạt tử, dù Tiên đế biết rõ chân tướng từ lâu, nhưng vẫn nhẫn nhịn không nói, tiếp tục vở kịch mẹ hiền con hiếu. Đợi đến khi quyền lực đủ mạnh, Tiên đế mới trở mặt, nhốt Tiết thị trong tẩm cung, để bà chết đói. Cả gia tộc Tiết thị cũng bị tàn sát. Tâm cơ sâu sắc đến mức khiến người ta bất giác phải rùng mình.
Lúc Khương Quý phi mới nhập cung, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Tất cả mưu lược của bà đều do Tiên đế dạy bảo. Cho nên, dù biết bản thân trách lầm Trịnh Hoàng hậu, bà cũng không thể tha thứ.
Thôi Tuần nghĩ, có lẽ tất cả sự dịu dàng của đế phi chỉ dành cho con gái họ, Lý Doanh. Có lẽ chỉ khi đối diện với Lý Doanh, họ mới đơn thuần là cha là mẹ, mà không phải là những người suốt ngày toan tính.
Thôi Tuần hỏi Nghiêm Tam nương: “Tại sao Thẩm quốc phu nhân lại muốn gây bất hòa giữa em gái mình và Trịnh Hoàng hậu?”
Nghiêm Tam nương lắc đầu: “Ta không biết. Có lẽ bà ta không muốn em gái mình đi vào vết xe đổ của Thích phu nhân, hoặc có lý do khác, nhưng chuyện này không phải là điều người như ta có thể lý giải được.”
Thôi Tuần gật đầu, hỏi câu cuối: “Bà biết Tưởng Lương không?”
“Biết. Hắn là đối thực của Vãn Hương. Năm đó, khi tiên đế chinh phạt Miêu Man ở Kiềm Châu, hắn bị bắt làm tù binh, bị hoạn và đưa vào cung. Vãn Hương rất thương hắn, đối xử rất tốt với hắn. Nhưng sau khi ta bị đuổi khỏi cung, hắn thế nào ta cũng không rõ nữa.”
Thôi Tuần không hỏi thêm, chỉ nói: “Vãn Hương chắc chắn là một người tốt.”
Nếu không, Nghiêm Tam nương đã không thắp hương đốt giấy tiền cho nàng ta suốt hai mươi chín năm, Tưởng Lương cũng sẽ không âm thầm mưu tính suốt hai mươi chín năm chỉ để báo thù cho nàng.
Nghiêm Tam nương trầm mặc một lúc, chỉ đáp: “Với ta, nàng là người tốt.”
–
Khi Thôi Tuần tiễn Nghiêm Tam nương ra khỏi Sát Sự Thính, Lý Doanh đang nói chuyện với Hổ Nô. Nghe tiếng a bà, Hổ Nô liền quay đầu lại, lao đến ôm chầm lấy bà: “A bà, bà ra rồi?”
Nghiêm Tam nương ôm chặt đứa trẻ vào lòng, nước mắt rơi không ngừng: “A bà ra rồi, ra rồi.”
Hổ Nô ngẩng đầu nhìn Thôi Tuần, ánh mắt cảnh giác: “A tỷ nói ngài sẽ không làm khó a bà, là thật đúng không?”
Nghiêm Tam nương thắc mắc: “A tỷ? A tỷ nào?”
Hổ Nô chưa kịp đáp, Thôi Tuần đã hơi nghiêng đầu, ánh mắt dừng lại phía Lý Doanh. Nàng vẫn mỉm cười nhìn hắn. Dưới ánh hoàng hôn dần buông, sắc vàng rực rỡ trải dài trên gương mặt nàng, tựa như ráng chiều trên trời cao, phác hoạ nên một nét dịu dàng hiếm thấy. Giây lát sau, Thôi Tuần thu hồi ánh nhìn, lấy từ trong tay áo một tấm bái thiếp, rồi nói với Nghiêm Tam nương: “Bà cầm bái thiếp của ta, dẫn cháu bà đến phường Tuyên Dương, tìm Thôi tướng công, Thôi Tụng Thanh. Lúc mới gặp, có lẽ sắc mặt ông ấy sẽ không mấy dễ chịu, nhưng bà đừng sợ, hỏi ông ấy có cần người hay không. Sau đó, cứ để Hổ Nô trả lời những câu hỏi của ông ấy. Một khi đã trả lời xong, ông ấy nhất định sẽ tận tâm bồi dưỡng cho nó.”
Nghiêm Tam nương e dè hỏi: “Thôi tướng công? Một vị quan to như vậy, chúng ta nghèo khổ thế này, liệu ông ấy có chịu cưu mang Hổ Nô không?”
Thôi Tuần gật đầu: “Thôi tướng công đã dùng cả đời để tìm kiếm hiền tài cho Đại Chu, bất kể giàu nghèo, đều đối đãi công bằng. Cháu bà là nhân tài, ông ấy sẽ vừa ý thôi.”
Nghiêm Tam nương lặng lẽ nhận lấy bái thiếp, bất giác cảm thán: “Thôi Thiếu khanh, hình như ngài không giống như những gì người ta từng đồn đại.”
Thôi Tuần chỉ đáp: “Đi đi. Thôi tướng công sẽ nghỉ năm ngày trong tiết Hàn Thực, [2] hẳn vẫn đang ở trong phủ.”
[2] Tết Hàn Thực hay Tết bánh trôi bánh chay là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. “Hàn Thực” nghĩa là “thức ăn lạnh”. Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới. Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình cho xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay (ở Trung Quốc nấu chè trôi nước), nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên. Nguồn chú thích: Wikipedia.
Nghiêm Tam nương gật đầu, dắt tay Hổ Nô, đi được vài bước lại ngoái đầu nhìn. Hổ Nô vẫn liên tục vẫy tay với Lý Doanh, bóng dáng hai bà cháu nương tựa vào nhau, dần dần khuất khỏi tầm mắt của Thôi Tuần và Lý Doanh.