Sau khi Nghiêm Tam nương và Hổ Nô rời đi, Thôi Tuần tiến đến trước mặt Lý Doanh. Hắn định kể với nàng về chuyện của Vãn Hương, nhưng Lý Doanh bỗng nhiên nói: “Thôi Tuần, hôm nay là tiết Hàn Thực, ta muốn du xuân. Ngài đi cùng ta có được không?”
Trong tiết Hàn Thực, ngoài việc tảo mộ, dân chúng Trường An còn thích ngắm hoa, cắm liễu, đạp thanh. Phong cảnh nhộn nhịp được lưu lại trong những vần thơ:
“Hàn Thực quyền hào tận xuất hành,
Nhất xuyên như hoạ vũ sơ tình.
Thuỳ gia lạc lạc du xuân thịnh,
Đam nhập hoa gian át át thanh.” [1]
[1] Dịch nghĩa:
“Tiết Hàn Thực, quyền quý đồng loạt xuất hành,
Dọc theo dòng sông như tranh vẽ, sau cơn mưa trời vừa tạnh.
Nhà nào nhộn nhịp du xuân đông vui,
Tiếng xe đẩy trong rừng hoa vang vọng.”
Đúng là đã khắc họa chân thực khung cảnh tưng bừng, náo nhiệt của ngày hội Hàn Thực.
Thôi Tuần nhìn nàng, khẽ gật đầu: “Được.”
–
Trên đường ra ngoại thành, cánh hoa rơi như mưa, nhành liễu tung bay trong gió. Hai người cùng đi qua con đường mòn giữa núi, nhìn xuống dưới thấy trẻ nhỏ đá cầu, thả diều, bọn trẻ mặc y phục gấm hoa, trong tay cầm cánh diều hình ưng.
Diều giấy vốn đắt đỏ, chỉ phổ biến trong giới quyền quý Đại Chu, còn nhà nghèo ít ai chơi được. Lý Doanh ngắm nhìn, nói: “Vừa rồi khi trò chuyện với Hổ Nô, ta mới chợt hiểu ý nghĩa của Tân chính Thái Xương.”
Thôi Tuần nhướn mày: “Ồ?”
Nàng cười nhạt, tiếp lời: “Trước đây ta chỉ biết Tân chính Thái Xương là chính sách do a gia thực hiện, là tâm huyết cả đời ông. Chính sách này có thể khiến Đại Chu phồn thịnh, dân chúng yên vui. Nhưng ta lại không hiểu rõ các biện pháp cụ thể, cũng không tường tận những thay đổi nó sẽ mang lại cho đất nước này. Thế mà giờ đây, ta dần hiểu ra rồi.”
Lý Doanh ngước nhìn những cánh diều vút cao trên nền trời: “Nếu không thực thi tân chính, cả đời Hổ Nô sẽ chẳng bao giờ thả nổi dù chỉ một cánh diều. Con cháu nó cũng vậy, đời đời chỉ là những nông phu nghèo khó, chẳng chút hy vọng. Nhưng nhờ có tân chính, Hổ Nô có thể thi đỗ khoa cử, từ người cày ruộng bước lên triều đường. Số phận nó sẽ thay đổi, con cháu nó cũng sẽ khác. Đây, có lẽ chính là ý nghĩa thực sự của tân chính Thái Xương.”
Giấy diều càng bay càng cao, tựa như đại bàng mạnh mẽ sải cánh giữa trời xanh. Thôi Tuần cất lời, giọng điệu trầm tĩnh mà sắc bén: “Phần quan trọng nhất của tân chính là xóa bỏ chế độ Cửu Phẩm Trung Chính, [2] khai mở khoa cử, rộng đường tuyển chọn nhân tài. Từ đây, sĩ tử hàn môn cũng có thể phong hầu bái tướng. Đại Chu không còn cảnh thượng phẩm vô hàn môn, hạ phẩm vô thế tộc. Có thể nói, tân chính thực sự thay đổi vận mệnh của biết bao gia đình nghèo khó.”
[2] Cửu Phẩm Trung Chính (九品中正) là một hệ thống tuyển dụng quan lại và quan chức dựa trên sự phân cấp thành 9 phẩm bậc, được sử dụng trong Trung Quốc thời cổ đại, bắt đầu từ thời kỳ Tam Quốc và phát triển qua các triều đại Tấn và Nam-Bắc triều. Đây là một cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhân tài và bổ nhiệm quan chức theo tiêu chuẩn phẩm hạnh và dòng dõi.
*Khái quát về hệ thống:
– Nguồn gốc và mục tiêu: Cửu Phẩm Trung Chính được khởi xướng trong thời đại loạn lạc để tìm kiếm nhân tài phù hợp với nhu cầu hành chính và quản lý. Hệ thống này bắt nguồn từ Tào Tháo, người muốn cải thiện tình trạng tuyển dụng quan chức một cách công bằng và có tiêu chuẩn.
– Cấu trúc và phân cấp: Quan lại được phân thành 9 phẩm, từ cao nhất đến thấp nhất. Những người có xuất thân quý tộc, gia thế cao, hoặc đã thể hiện tài năng xuất chúng, thường được đánh giá cao hơn. Mỗi phẩm được đánh giá bởi một nhóm quan gọi là Trung Chính Quan, người có trách nhiệm xác định cấp bậc cho từng ứng viên.
– Chức năng và thực hiện: Trung Chính Quan thường là những người có uy tín và kiến thức sâu rộng về gia phả, phẩm hạnh của người dân địa phương, đánh giá mức độ tài năng và đức hạnh của từng cá nhân để đưa vào hệ thống quan chức.
*Ưu và nhược điểm:
– Ưu điểm: Đảm bảo một hệ thống hành chính có trật tự, tuyển dụng được nhân tài từ các gia tộc danh giá hoặc có học vấn.
– Nhược điểm: Hệ thống này dần trở nên thiên vị theo hướng chọn người dựa trên gia thế, làm suy yếu cơ hội cho những người không có xuất thân danh giá, dẫn đến tình trạng gia đình trị và cản trở người tài thực sự từ các tầng lớp thấp hơn.
* Thay thế bởi khoa cử: Hệ thống Cửu Phẩm Trung Chính tồn tại và phát triển mạnh mẽ qua nhiều triều đại, nhưng dần bị thay thế bởi hệ thống khoa cử (thi tuyển công khai dựa trên học vấn và năng lực) dưới thời Tùy và Đường. Khoa cử được coi là một cải cách nhằm loại bỏ sự thiên vị gia tộc, giúp tuyển dụng dựa vào thực tài và học thức.
Lý Doanh gật đầu: “Ngài biết không, Hổ Nô thực sự rất thông minh. Một đứa trẻ như nó, nếu mãi làm nông phu, không chỉ là tổn thất của riêng nó, mà còn là tổn thất của Đại Chu.”
Thôi Tuần cười nhạt: “Có khoa cử, nó sẽ không phải làm nông phu mãi mãi. Những nhân tài xuất chúng như nó, dù xuất thân hàn môn, cũng sẽ có cơ hội đổi thay vận mệnh.”
Lý Doanh mỉm cười, ánh mắt sáng lên: “Ta cũng nghĩ vậy. Vì thế, a gia và a nương của ta, quả thực rất phi thường.”
Nhắc đến Thái hậu, Thôi Tuần chần chừ, sau đó nói: “Vừa rồi, Nghiêm Tam nương kể lại với ta, nguyên nhân thực sự khiến Vãn Hương bị phạt trượng.”
Hắn thuật lại lời của Nghiêm Tam nương, từng câu từng chữ. Lý Doanh dần nhíu mày: “Vậy là, Vãn Hương chịu sự sai khiến của a di, cố tình chia rẽ quan hệ giữa a nương và Trịnh Hoàng hậu. Sau khi sự việc bại lộ, a nương quyết định xử tử nàng ta?”
Thôi Tuần gật đầu, Lý Doanh lại hỏi: “Vì sao a di lại làm như vậy?”
“Nghiêm Tam nương nói, bà ấy không biết.”
Lý Doanh chợt nhớ lại một lần nọ, Trịnh Hoàng hậu ban cho nàng một chén canh sâm do Cao Ly tiến cống. Nàng vừa định uống thì dì của nàng vội vã chạy đến, làm đổ bát canh. Sau đó, bà viện cớ đuổi nàng đi. Khi ấy, nàng còn chưa hiểu rõ sự tình. Chỉ nhớ rằng sau đó, a nương gặp nàng, sắc mặt vô cùng khó coi, thần thái hiếm khi nổi giận như vậy. Có lẽ, đó chính là lần a di bày mưu, khiến a nương hạ quyết tâm, quyết không đội trời chung với Trịnh Hoàng hậu.
Một cơn gió thoảng qua, những cánh liễu theo gió bay đầy trời, tựa như tuyết lớn phủ trắng lối đi phía trước. Lý Doanh giơ tay áo che mặt, đợi cánh liễu tản bớt mới hạ tay xuống, thẫn thờ nói: “A di của ta, từ sau khi ta ra đời, năm nào cũng tự tay làm cho ta một đôi giày. Lúc trẻ, nhà bà ấy rất nghèo, phải vá giày để mưu sinh. Nhưng vì không đủ tiền mua nến, bà đã khâu giày đến hỏng cả mắt. A nương bảo mắt bà không tốt, không cho làm nữa, nhưng bà lại nói khi xưa, mỗi lần bà khâu giày, a nương ta đều đứng bên cạnh, hỏi rằng: “A tỷ, bao giờ tỷ cũng làm cho muội một đôi giày đẹp như vậy?” Bà đã ghi nhớ câu nói đó trong lòng suốt nhiều năm. Nay bà có tiền, muốn mua bao nhiêu kim chỉ cũng được, thế nên đem nỗi áy náy với a nương đền bù lên người ta.”
Thôi Tuần trầm mặc giây lát, rồi nói: “Thái hậu chỉ có một người chị là Thẩm quốc phu nhân, Thẩm quốc phu nhân cũng chỉ có mỗi một em gái là Thái hậu. Trước kia, hai tỷ muội họ quả thật đã nương tựa lẫn nhau.”
Lý Doanh cười khổ: “Ta không biết từ khi nào, tất cả đã thay đổi. Có lẽ, cho đến trước khi ta chết, ta vẫn chưa từng thực sự hiểu rõ. Ta không biết a di đã sai sử Vãn Hương, cũng như không biết Trịnh Quân muốn giết ta.”
Trước khi rơi xuống hồ sen rồi bỏ mạng, ấn tượng của nàng về a di vẫn là một người luôn yêu thương nàng, còn Trịnh Quân là người luôn tôn trọng và bảo vệ nàng. Mãi đến giây phút lìa đời, nàng vẫn tin tưởng như vậy.
Thế nhưng, ba mươi năm sau, nàng mới nhận ra mọi chuyện không phải như thế. Những người luôn chăm sóc nàng hết mực, lại mang trong lòng những toan tính hoàn toàn khác nhau.
Nhìn theo bông liễu theo gió bay xa, Lý Doanh cảm thấy bản thân như rơi vào vòng nghi hoặc về nhân tính: “Thôi Tuần, trên đời này, rốt cuộc cái gì là thật, cái gì là giả?”
Thôi Tuần nghiêng đầu nhìn ánh mắt mông lung của nàng, rồi lặng lẽ thu hồi ánh mắt, đáp: “Ban đầu, tình cảm họ dành cho cô quả nhiên là thật lòng. Nhưng sau này, vì nhiều lý do khác nhau, họ buộc phải nói dối cô. Nếu có thể chọn lại một lần nữa, họ nhất định sẽ không làm vậy.”
Lý Doanh vẫn mang theo chút ngờ vực, hỏi: “Thật sao?”
Thôi Tuần kiên định, nhẹ gật đầu: “Thật.”
Hắn ngừng lại một lúc, rồi nói tiếp: “Bởi vì công chúa xứng đáng được tất cả mọi người đối xử chân thành.”
Lý Doanh ngây người nhìn Thôi Tuần. Gương mặt hắn vẫn nhợt nhạt, ánh mắt thâm trầm, không để lộ chút cảm xúc nào. Nàng nhìn hắn thật lâu, sau đó quay đi, khẽ mỉm cười, giọng nhỏ nhẹ: “Ừm.”
–
Hai người cứ thế bước đến một vùng xanh tươi cách Trường An ba bốn dặm. Cây cối nơi đây rợp bóng, hoa cỏ ngát hương. Thôi Tuần chợt dừng bước.
Thấy hắn đứng lại, Lý Doanh cất tiếng: “Đúng vậy, nơi này chính là mộ viên của nhà họ Thôi.”
Cũng là nơi an táng mẫu thân hắn.
Lý Doanh lại cất lời: “Thôi Tuần, hôm nay là tiết Hàn Thực.”
Chẳng có người làm con nào lại không muốn được về thắp nén nhang, quét dọn mộ phần cho mẫu thân trong ngày này.
Thôi Tuần đưa ánh mắt về phía nàng, giọng trầm thấp: “Vậy nên, không phải cô đến đây để du xuân?”
“Không phải.” Lý Doanh đáp, ánh mắt chân thành: “Ta muốn dẫn ngài tới đây là để viếng mộ mẫu thân ngài.”
“Tại sao?”
“Không tại sao cả. Ta chỉ muốn dẫn ngài tới thôi.” Lý Doanh dịu dàng nói, giọng điệu chân thành như khắc sâu vào lòng người: “Thôi Tuần, từ khi ngài gia nhập Thiên Uy quân, chắc hẳn chưa từng tế bái mẫu thân trong tiết Hàn Thực, đúng không? Ngài không muốn làm điều đó sao?”
Thôi Tuần không trả lời. Lý Doanh tiếp lời, giọng trầm ngâm: “Nếu không muốn, sao mỗi năm vào dịp Thượng Nguyên, ngài vẫn đến Tây Minh tự, thắp một ngọn đèn trường minh cho mẫu thân ngài?”
Thôi Tuần nhìn nàng, yết hầu khẽ động, nhưng không thốt nên lời. Lý Doanh thở dài nhè nhẹ: “Ta biết, ngài có lẽ lại muốn bảo rằng đây không phải chuyện của ta. Nhưng ta thực sự muốn làm gì đó cho ngài, và cũng rất muốn, ngài có thể vui vẻ hơn đôi chút.”
Hắn mím chặt môi, cảm thấy hốc mắt nóng bừng. Quay mặt đi, ánh mắt hắn dừng lại nơi những ngôi mộ lớn nhỏ trong mộ viên. Lý Doanh cũng không rõ trong lòng hắn nghĩ gì, liệu có trách nàng nhiều chuyện hay không. Nhưng rồi ánh mắt Thôi Tuần dừng lại ở một phần mộ chính giữa khu mộ, giọng khàn khàn vang lên: “Ở đó, là mộ phần của mẫu thân ta.”
Lý Doanh đưa mắt nhìn theo. Thôi Tuần thì thầm: “Sau năm mười bốn tuổi, ta chưa từng tới đây viếng bà.”
“Có phải vì phụ thân ngài không cho phép?”
Hắn gật nhẹ, nét mặt u uẩn: “Ông nói, ta là nỗi nhục của nhà họ Thôi.”
“Ngài không phải.” Lý Doanh khẳng định chắc nịch: “Ông ta mang danh người họ Thôi ở Bác Lăng, chẳng những không biết cầm quân chống giặc ngoại xâm như ngài, cũng chẳng được như huynh trưởng, nhập triều tận tùy vì nước. Ông ta để mặc hậu trạch rối ren, khiến gia đình chẳng lúc nào yên ổn. Một kẻ như vậy, không trị được nước, chẳng giữ nổi nhà, chính ông ta mới là nỗi nhục của Thôi gia!”
Lời nàng nói ngày càng thêm giận dữ. Thôi Tuần vốn ảm đạm u uất cũng bất giác bật cười, nét mặt giãn ra đôi phần. Thấy thế, nàng cũng mỉm cười, ngẩng đầu đầy tự hào: “Ta là công chúa Đại Chu, lời ta nói nhất định là đúng.”
Hắn gật nhẹ đầu: “Ừ, không sai.”
Lý Doanh nghiêng đầu, cười nhìn hắn: “Vậy đi thôi, viếng mộ mẫu thân ngài nào.”
Nàng hơi dừng lại, rồi nói thêm: “Nếu phụ thân ngài có tới, ta đã chuẩn bị cách đối phó rồi.”
Cỏ dại mọc um tùm trước mộ phần của mẫu thân Thôi Tuần, trông tiêu điều hơn hẳn những ngôi mộ khác. Chỉ nhìn qua đã biết, sau khi phụ thân hắn đã cưới vợ kế đã chẳng còn vương vấn gì người cũ. Lại thêm Thôi Tuần không được phép tới đây viếng mộ, đương nhiên chẳng ai chăm sóc mộ phần cho bà.
Thôi Tuần cúi người, chậm rãi ngồi xuống, cẩn thận nhổ từng nhánh cỏ dại trên phần mộ. Hắn làm việc rất tỉ mỉ, từng chút một, không chút qua loa. Lý Doanh định nói gì đó, thì thoáng thấy một đoàn nam nhân áo mão chỉnh tề từ chân núi đi lên. Qua vài đường nét có phần hao hao với Thôi Tuần, nàng đoán những người này hẳn là phụ thân và huynh đệ của hắn, nhưng tướng mạo thì không bằng một phần vạn hắn.
Hẳn là họ đến đây để tế bái tại mộ viên Thôi thị. Ngón tay Lý Doanh khẽ động, một ngọn quỷ hỏa xanh biếc bốc lên, bay vút về phía những người kia, hóa thành làn sương mờ bao trùm quanh người họ.
Thôi Tuần ngước mắt nhìn nàng, nàng cười bảo: “Chỉ là chút thuật che mắt thôi. Trong một thời gian ngắn phụ thân ngài sẽ không thể lên đây được. Thôi Tuần, ngài cứ yên tâm mà bái mẫu thân, những kẻ phiền phức ấy sẽ không quấy nhiễu được ngài đâu.”
Thôi Tuần mỉm cười nhè nhẹ, cúi đầu tiếp tục nhổ cỏ. Lý Doanh cũng ngồi xuống bên hắn, cùng hắn nhổ cỏ, động tác cẩn thận không kém. Nàng nói với hắn: “Thôi Tuần, ta giúp ngài dọn dẹp. Mộ phần mẫu thân ngài sẽ sạch sẽ hơn nhiều.”
“Ừ.”
“Ta còn rất nhiều tiền âm phủ, tất cả sẽ để ngài đốt cho mẫu thân.”
“Ừ.”
“Lễ vật dâng bà đều là thứ tốt nhất ở mộ viên này. Mẫu thân ngài dưới suối vàng nhất định sẽ rất tự hào vì có người con trai như ngài.”
Thôi Tuần ngừng tay, ngẩng đầu nhìn nàng. Nàng vẫn cúi xuống, tập trung nhổ cỏ. Đôi mắt vốn dĩ sâu thẳm như mặt nước yên lặng của hắn, giờ đây thoáng qua những gợn sóng lăn tăn. Hắn lặng lẽ nhìn nàng rất lâu, rồi khẽ nói một tiếng: “Ừ.”