Lăng mộ của Lý Doanh bị hủy hoại, tiếng là thiên tai, nhưng chủ bộ Hỗn Thiên Giám lại cho rằng đó là nhân họa. Theo như chủ bộ, lăng mộ của công chúa Vĩnh An bị phá hoại là do có kẻ đã khuấy động hồn phách của nàng. Việc sư tử đá trước lăng bị sét đánh nứt đôi chính là lời cảnh báo, ngụ ý nàng không hài lòng.
Nhưng kẻ nào đã khuấy động hồn phách của công chúa Vĩnh An?
Một vị ngự sử họ Giả đã dâng sớ tố cáo Thôi Tuần, Thiếu khanh của Sát Sự Thính, rằng hắn đã hối lộ các tiểu lại ở Đại Lý Tự và Nội thị tỉnh, không chỉ bí mật điều tra hồ sơ vụ án của công chúa, mà còn mang sổ ghi chép xuất nhập cung của cung nữ hầu hạ Thái hậu ba mươi năm trước về nhà. Mưu đồ đã rõ rành rành, nên chuyện kẻ nào khuấy động hồn phách công chúa cũng đã quá rõ ràng.
Thái hậu và Thánh nhân vô cùng phẫn nộ, hạ lệnh điều tra triệt để. Thôi Tuần bị buộc tạm thời cách chức, không được thượng triều cho đến khi sự việc được làm sáng tỏ. Hắn thừa biết rằng chuyện này khó mà xử lý êm đẹp.
Cuối cùng Lý Doanh cũng hiểu được nguồn gốc của cảm giác bất an hôm đó. Có kẻ đang lợi dụng cái chết của nàng để giăng bẫy hãm hại Thôi Tuần.
Nếu nói về việc khuấy động hồn phách, thì hồn phách của nàng ở đây, chính nàng đã yêu cầu Thôi Tuần điều tra vụ án. Hồ sơ và sổ “Xuất nhập lục” đều là do nàng yêu cầu mang ra. Vậy hồn phách bị khuấy động từ đâu mà có?
Nàng không thể tin nổi, đã chết hơn ba mươi năm, mà vẫn có thể trở thành công cụ để kẻ khác loại trừ đối thủ chính trị.
Thật đáng buồn! Thật đáng xót xa!
Chưa đầy hai ngày sau, Thôi Tuần đã bị triệu vào cung.
Việc điều tra nhanh như vậy không làm hắn ngạc nhiên chút nào. Người chết vì tiền, chim chết vì mồi, những tiểu lại ở Đại Lý Tự và Nội thị tỉnh vì ham tiền mà bán đứng bí mật, không hề trung thành với hắn. Chuyện bị tra khảo và khai ra là điều không có gì bất ngờ. Điều này, hắn đã đoán trước từ lâu.
Ngược lại, Lý Doanh vô cùng lo lắng khi biết hắn phải vào cung, nàng hỏi: “A nương ta sẽ giết ngươi sao?”
“Có lẽ.” Thôi Tuần đáp.
“Thật vô lý!” Lý Doanh bất bình: “Rõ ràng là ta nhờ ngươi điều tra, sao lại có kẻ mượn danh ta để hại ngươi?”
“Bởi vì chúng biết cô không thể lên tiếng.” Thôi Tuần bình tĩnh nói. “Người chết là công cụ lợi dụng tốt nhất.”
“Ta phải đi tìm a nương!”
Lý Doanh bước đi hai bước, rồi đột ngột dừng lại. Làm sao nàng có thể đi tìm a nương khi a nương không nhìn thấy nàng? Nàng sẽ tìm bà bằng cách nào?
“Thôi bỏ đi.” Thôi Tuần biết rõ đại họa đang đến gần, nhưng ngược lại, hắn tỏ ra vô cùng bình thản. Hắn quay về phía Lý Doanh, đột nhiên cúi sâu một cái, hành lễ: “Công chúa, chuyện giữa ta và người là lỗi của ta, nhưng chuyện này không liên quan gì đến Vân Đình. Nếu ta không thể quay về, xin công chúa nghĩ cách đưa hài cốt của Vân Đình về cho gia quyến. Đại ân đại đức này, Thôi Tuần ta khắc cốt ghi tâm, suốt đời không quên.”
“Ta…” Lý Doanh cắn môi, trong lòng rối bời. Nàng tuy căm ghét Thôi Tuần, nhưng lần này hắn thật sự gặp nạn vì nàng, nàng không thể nói ra những lời làm tổn thương hắn nữa. Cuối cùng nàng gật đầu: “Ta đồng ý.”
Nghe vậy, Thôi Tuần mỉm cười. Từ trước đến nay, hắn luôn lạnh lùng như băng, không hề để lộ cảm xúc vui buồn, khiến người khác không thể đoán được lòng hắn. Lần này, nụ cười của hắn lại mang theo chút cảm kích: “Đa tạ công chúa.”
Lý Doanh nhìn theo bóng dáng Thôi Tuần chậm rãi bước ra khỏi phủ, tiến về phía những Thiên Ngưu Vệ đang đợi hắn. Bóng lưng hắn cô độc, lặng lẽ, dưới ánh chiều tà, bóng hình bị kéo dài trên mặt đất càng làm hắn thêm đơn độc, từng bước đi như nặng nề hơn. Trong thời khắc sinh tử này, cả kinh thành Trường An rộng lớn, lại chẳng có ai vì hắn mà lo lắng.
Trong lòng Lý Doanh, nàng không biết phải nói gì, cảm giác lẫn lộn. Khi hắn vừa bước qua khỏi cổng phủ, nàng bất chợt gọi lớn: “Thôi Tuần… ngươi… ngươi hãy sống và trở về!”
Thôi Tuần khựng lại một chút, nhưng chỉ trong giây lát, hắn tiếp tục bước theo Thiên Ngưu Vệ, cùng họ tiến về phía số phận còn chưa biết trước.
–
Trong điện Bồng Lai, những cột trụ chạm trổ tinh xảo, mái hiên cao vút, hương trầm lan tỏa khắp không gian, rèm châu buông thấp. Thái hậu ngồi nghiêm chỉnh phía sau rèm, không nói lời nào trong suốt thời gian dài.
Thôi Tuần cúi sát xuống đất, cũng im lặng không nói. Rất lâu sau, Thái hậu mới cười lạnh một tiếng: “Thôi Tuần, ngươi còn gì để nói?”
Thôi Tuần lặng lẽ đáp: “Thần, không có gì để nói.”
“Vậy tức là ngươi đã thừa nhận việc hối lộ tiểu lại của Đại Lý Tự và Nội thị tỉnh?”
“Phải.”
Sau rèm châu, giọng Thái hậu không thay đổi, bà từ tốn nói tiếp: “Thôi Tuần, ngươi chán sống rồi phải không?”
“Thần không dám.”
“Không dám? Còn gì mà ngươi không dám nữa? Ngươi biết rõ Minh Nguyệt Châu là nỗi đau của ngô, vậy mà lại dám lợi dụng nàng làm công cụ để thao túng quyền lực sao?”
Thôi Tuần cúi đầu, biết rằng lúc này dù có giải thích cũng vô ích, chỉ đành im lặng: “Thần không dám.”
“Ngươi điều tra vụ án Minh Nguyệt Châu để làm gì?” Thái hậu cười lạnh: “Ngươi thậm chí còn tự ý xem sổ “Xuất nhập lục” của cung nữ bên cạnh ngô? Ngươi muốn tìm ra điều gì? Có phải ngươi muốn chứng minh rằng ngô đã giết Minh Nguyệt Châu?”
Nghe đến đây, Thôi Tuần đột ngột ngẩng đầu, trên trán hắn mồ hôi lạnh rịn ra, hắn nghiến răng cúi đầu lạy: “Thần không dám.”
“Để ngô đoán xem ngươi thực sự muốn làm gì. Ngươi muốn chứng minh ngô là hung thủ, rồi dùng chuyện này uy hiếp ngô, để từ đó ngươi thao túng triều đình theo ý mình, đúng không?”
Giọng Thái hậu càng lúc càng gay gắt. Trong ba năm bên cạnh bà, Thôi Tuần chưa từng thấy bà tức giận đến mức này. Mồ hôi lạnh lăn dài từ trán xuống, nhỏ từng giọt lên sàn gỗ mun, phát ra âm thanh trong trẻo. Hắn cất lời, giọng run run: “Thần không dám.”
Thái hậu cười khẩy: “Thật không ngờ ta nuôi một con chó, lại có ngày bị nó quay lại cắn ngược.”
Thôi Tuần nằm rạp trên đất, đầu cúi rất thấp, lưng hắn chợt run rẩy. Hắn nghiến răng nói: “Thần biết tội của mình không thể tha thứ, chỉ mong Thái hậu có thể tha cho thần một mạng.”
“Ngươi không muốn chết?”
“Không muốn.”
“Nếu không muốn chết, tại sao lại làm chuyện phản chủ như vậy?”
Thôi Tuần không thể biện minh, chỉ đành dập đầu: “Cầu xin Thái hậu tha mạng, muốn đánh muốn phạt, thần đều chấp nhận.”
Hắn dập đầu mạnh xuống nền gỗ cứng, trán trắng trẻo giờ đã sưng đỏ, rỉ máu. Thái hậu lạnh lùng nhìn hắn quỳ rạp, cúi đầu cầu xin tha thứ. Hắn, người của họ Thôi ở Bác Lăng, vốn là dòng dõi sĩ tộc “sĩ khả sát bất khả nhục” (kẻ sĩ có thể bị giết nhưng không thể bị sỉ nhục), vậy mà lại hèn hạ, cầu sống như một con chó. Thái hậu đã chấp chính hai mươi năm, không ngờ cuối cùng lại bị một kẻ như vậy phản bội. Thật đáng cười!
Cuối cùng, bà lạnh lùng nói: “Đủ rồi.”
Thôi Tuần ngừng dập đầu, nhưng không dám ngẩng lên, chỉ còn biết run rẩy chờ đợi phán quyết. Thái hậu cắn chặt răng, từng chữ như muốn nghiền nát: “Thôi Tuần, ngươi đã khiến Minh Nguyệt Châu chết cũng không yên, ngô chỉ hận không thể lột da ngươi!”
Nghe vậy, lòng Thôi Tuần thắt lại, nhưng Thái hậu lại nói tiếp: “Nhưng… nhưng…”
Bà ngừng lại, dường như vô cùng không cam lòng, nhưng vẫn phải đưa ra quyết định: “Ngô vẫn sẽ tha cho ngươi một mạng.”
Bà nghiêm giọng: “Người đâu!”
Thiên Ngưu Vệ lập tức bước vào điện. Thái hậu nghiến răng ra lệnh: “Thôi Tuần phạm tội khi quân, âm mưu bất chính, phạt một trăm trượng, bãi chức để làm gương!”
Hình phạt này không hề nhẹ, với thân thể Thôi Tuần, một trăm trượng có thể lấy đi nửa mạng của hắn. Nhưng Thôi Tuần lại như thở phào, hắn cúi đầu lạy tạ: “Tạ ơn Thái hậu.”
Khi bị áp giải ra khỏi điện Bồng Lai, Thôi Tuần lại cảm thấy trong lòng dần bình tĩnh. Hắn mặc kệ bọn Thiên Ngưu Vệ trói hắn lên ghế hình. Đại Chu có năm hình phạt: trượng, roi, tù, lưu đày, và tử hình. Trong đó, phạt trượng là nhẹ nhất, nhưng khi chịu hình phạt này, da thịt sẽ bị xé rách, máu me lênh láng, rất ít phạm nhân có thể chịu đựng mà không quằn quại trong đau đớn, vì vậy phạm nhân thường bị trói chặt vào ghế. Thôi Tuần bị trói bằng dây thừng thô ráp, chặt đến mức lún sâu vào thịt, nhưng hắn vẫn im lặng, không hề kêu la, khiến bọn Thiên Ngưu Vệ nghi ngờ rằng người bị trói không phải là kẻ sống, mà là một cái xác.
Nhưng khi bọn chúng định cởi áo của hắn ra, Thôi Tuần bất ngờ có chút phản ứng của một người còn sống, hắn giằng lại và nói: “Không cần.”
Mấy tên Thiên Ngưu Vệ liếc nhìn nhau, một tên lên tiếng: “Thôi Thiếu khanh, chúng tôi cũng vì tốt cho ngài thôi. Nếu không cởi áo, vải sẽ lẫn vào vết thương, khi chữa trị sẽ càng đau đớn hơn.”
Thôi Tuần chỉ lặp lại: “Không cần.”
Một tên Thiên Ngưu Vệ căm ghét Thôi Tuần, cho rằng hắn là kẻ tiểu nhân, định lên tiếng quát mắng, nhưng bị những người khác ra hiệu ngăn lại. Thôi Tuần đã hầu hạ Thái hậu ba năm, lần này bà giận hắn, nhưng ai biết được sau này liệu bà có nhớ lại điểm tốt của hắn mà triệu về không? Vì vậy, không cần thiết phải đắc tội quá mức với hắn.
Nếu Thôi Tuần không muốn cởi áo, thì cứ để vậy. Nhưng việc thi hành một trăm trượng là mệnh lệnh của Thái hậu, họ chỉ làm theo chỉ dụ, dù có vô tình đánh quá mạnh, Thôi Tuần cũng chẳng dám phản đối.
Dụng cụ hành hình bằng tre, dài năm thước, mỏng nửa tấc, các đốt tre chưa được gọt nhẵn. Ngay từ cú trượng đầu tiên giáng xuống lưng, bộ quan phục màu đỏ sẫm của Thôi Tuần đã thấy một vệt máu loang. Sau hai mươi trượng, quan phục của hắn đã rách nát, máu chảy thành dòng, nhưng hắn vẫn chỉ cắn chặt đầu lưỡi, không để mình r.ên r.ỉ thành tiếng, như thể nếu làm vậy sẽ giữ được chút tôn nghiêm ít ỏi.
Đầu lưỡi của hắn đã bị cắn đến chảy máu, vị tanh của máu trộn lẫn với vị đắng lan ra trong miệng. Trong cơn mê man, lưng hắn chẳng còn mảnh da nào nguyên vẹn, mỗi đòn giáng xuống đều đánh vào những vết thương cũ, khiến da thịt bị xé toạc thêm. Trước mắt Thôi Tuần dần mờ đi, trong đầu hắn lại hiện ra hình ảnh của những cánh đồng cát vàng, từng người cưỡi ngựa phi nhanh, kiếm trong tay lấp lánh dưới ánh nắng, tiếng cười vang vọng như nhật nguyệt. Trong tai hắn vang lên giọng nói trong trẻo của Lý Doanh: “Ngươi làm biết bao chuyện ác, đến khi xuống hoàng tuyền, làm sao có thể đối diện với các cố nhân của Thiên Uy quân?”
Máu từ đầu lưỡi tràn ra khóe miệng, ý thức của Thôi Tuần ngày càng mờ nhạt. Khi xuống hoàng tuyền, họ… liệu có còn nhận hắn là bạn không?
Một thùng nước lạnh đổ thẳng vào người hắn, khiến Thôi Tuần giật mình tỉnh lại. Bên tai hắn vang lên giọng khinh bỉ của bọn Thiên Ngưu Vệ: “Thái hậu nói, Thôi Thiếu khanh phải tỉnh táo mà chịu phạt.”
Thôi Tuần thở d.ốc, đau đớn khiến hắn không thể giữ nổi nhịp thở. Lưng hắn giờ đã bị đánh đến mức máu thịt nhão nhoét, vết thương sâu đến tận xương. Ánh mắt hắn mờ đi, sắc mặt tái nhợt như tờ giấy. Những cú trượng tiếp tục giáng xuống, mỗi cú càng nặng hơn cú trước. Đốt tre cọ vào thịt, rồi khi nhấc lên lại kéo theo cả một mảng da thịt nữa. Thôi Tuần vẫn cắn chặt đầu lưỡi, trên nền đá xanh, máu và nước hòa lẫn vào nhau, tạo thành một vũng lầy nhầy.
Hắn nhìn dòng máu trên mặt đất, tựa như thấy những thanh niên năm xưa đang xông pha chiến trường, máu từ ngực họ tuôn ra, loang đỏ cả sườn núi Lạc Nhạn Lĩnh.
Hắn từ từ nhắm mắt lại, mồ hôi và nước mắt đã thấm ướt cả khuôn mặt. Hắn để mặc bọn Thiên Ngưu Vệ trút giận lên lưng mình. Ý thức hắn lúc rõ lúc mờ, hết bị dội nước lạnh cho tỉnh rồi lại tiếp tục chịu đánh. Cứ thế lặp đi lặp lại, không biết đã bao lâu, cuối cùng hình phạt một trăm trượng cũng kết thúc.
Khi Thiên Ngưu Vệ tháo dây trói, quan phục sau lưng Thôi Tuần đã rách nát hoàn toàn, toàn bộ lưng hắn đầy máu thịt lẫn lộn, trông thảm thương vô cùng. Hắn thoi thóp, không thể đứng vững nổi, phải nhờ mấy tiểu lại trong Sát Sự Thính đánh bạo đỡ lấy, dìu hắn bước từng bước một ra khỏi cung. Nhưng chỉ vừa bước đi, vết thương trên lưng lập tức bị kéo căng, khiến hắn đau đớn đến mức cả người run lên không ngừng. Mồ hôi tuôn xuống thành dòng từ trên trán, hắn cúi đầu, nghiến răng chịu đựng cơn đau tê tái, và bất ngờ nhìn thấy một bóng áo tím.
Áo tím là của quan tam phẩm. Thôi Tuần ngước lên, quả nhiên đó là Bùi Quan Nhạc.
Mũ quan của Thôi Tuần đã bị tước, quan phục trên lưng rách nát, toàn thân đẫm máu, y phục đã bị thấm ướt bởi mồ hôi và nước, dính sát vào cơ thể. Những lọn tóc đen xõa xuống, ướt đẫm, bết vào khuôn mặt tái nhợt như tuyết. Dù thảm hại đến thế, khi nhìn thấy Bùi Quan Nhạc, Thôi Tuần vẫn cố chịu đau ngẩng cao đầu, thẳng lưng, lạnh lùng nhìn ông ta.
Bùi Quan Nhạc cười nhạt, cúi xuống múc một gáo nước lạnh và tạt thẳng vào mặt Thôi Tuần.
Mấy tiểu lại trong Sát Sự Thính đều kinh ngạc thốt lên: “Bùi… Bùi Thượng thư!”
Nhưng Bùi Quan Nhạc không để ý đến họ, chỉ thản nhiên nói với Thôi Tuần: “Một con chó rơi xuống nước mà cũng dám đấu với ta sao?”
Nước lạnh tạt vào mặt Thôi Tuần, từ trán sưng đỏ và rách da của hắn chảy xuống đôi mắt sâu thẳm, lướt qua đôi môi nhợt nhạt không chút sắc hồng, rồi trượt xuống đôi vai đầy thương tích. Dù bị lăng nhục như vậy, ánh mắt hắn vẫn không hề đổi sắc. Hắn chỉ thở d.ốc, nhếch miệng cười lạnh lùng: “Vậy thì cẩn thận đấy, lần sau con chó này sẽ cắn chết ngươi.”
“Hừ,” Bùi Quan Nhạc cười khẩy, “mơ mộng hão huyền!”
Ông ta nhìn Thôi Tuần từ trên xuống dưới, giống như đang nhìn một kẻ vừa được vớt lên từ vũng máu. “Ngươi nói xem, vất vả lắm mới giữ lại được mạng, chỉ cần an phận làm con chó của Thái hậu là được, vậy mà còn muốn đối đầu với ta. Bây giờ ngươi đã thua thảm hại, để ta xem, ngươi làm cách nào để xoay chuyển được tình thế!”
“Vậy cứ nhìn xem,” Thôi Tuần, dù mặt mày trắng bệch, vẫn cất giọng yếu ớt nhưng rất rõ ràng: “Đừng chết trước ta là được.”
Bùi Quan Nhạc khinh thường cười lớn. Ông ta đã hơn năm mươi tuổi, râu tóc bạc phơ, phong thái đĩnh đạc, danh tiếng lẫy lừng. Quan lại trong triều đều kính trọng ông ta, không ai dám so sánh với Thôi Tuần, một kẻ nổi tiếng tàn nhẫn. “Được, vậy để xem giữa chúng ta, kẻ nào chết trước!”