Mùa hạ qua đi, thu lại ghé về. Lá phong đỏ rợp trời Trường An, mỗi người đều có một cuộc sống mới. Thịnh A Man mở một cửa tiệm, chuyên bán tỳ bà, dao cầm cùng các loại nhạc cụ. Nàng và những tỷ muội từng ở giáo phường chẳng có tài sản gì trong tay, cũng chẳng am hiểu nghề khác, chỉ biết gảy đàn, bèn lấy đó làm kế sinh nhai. Nàng thường thản nhiên ngồi trước tiệm gảy tỳ bà, thu hút khách nhân. Vốn dĩ nàng đàn rất hay, danh tiếng lại vang xa, nhờ vậy khách khứa tấp nập, việc buôn bán cũng nhờ thế mà chẳng phải lo nghĩ.
Quách Húc trở về quê cũ, đưa thủ cấp của Quách Cần Uy về chôn cất tại phần mộ tổ tiên. Khi hắn hồi hương, cũng mang theo Lục Mai, mật thám từng hoạt động trong Sát Sự Thính. Mẹ già của Quách Cần Uy đã qua đời từ sớm vì đau lòng trước việc Quách Húc bị lưu đày, trong nhà chỉ còn lại thê tử của ông. Bà không hề ghét bỏ xuất thân thấp kém của Lục Mai, tự mình làm chủ, tác thành cho hai người. Chẳng bao lâu sau, Lục Mai hoài thai, Quách Húc liền đưa nàng đến trước mộ phần Quách Cần Uy, vợ chồng cùng nhau quỳ lạy, khóc ròng báo tin vui.
Những thiếu niên như Hà Thập Tam dùng số tiền phúng viếng của huynh trưởng để bái sư học nghệ, ngày ngày rèn luyện võ công. Chỉ chờ khi đủ tuổi, chúng sẽ lên đường, ra biên cương tòng quân, tiếp tục cống hiến vì Đại Chu.
Triều đình cũng có biến chuyển. Tân chính không còn bị kiềm hãm, Thánh nhân hạ lệnh, từ nay khoa cử phải bôi kín tên họ trên bài thi, đồng thời cho phép thương nhân cùng con cháu tham gia ứng thí. Chiếu chỉ này vừa ngăn chặn được gian lận, khiến quan chấm thi không thể tuyển chọn nhân tài dựa trên gia thế hay danh tiếng, lại vừa mở rộng cánh cửa khoa cử cho sĩ tử hàn môn, khởi đầu một thời đại lấy tài làm trọng.
Ngư Phù Nguy nghe tin, mừng rỡ khôn xiết, lập tức từ bỏ việc buôn bán âm dương, đóng cửa không ra ngoài, ngày ngày ôn luyện thi thư, dốc lòng chuẩn bị cho kỳ thi tiến sĩ vào tháng Giêng, giành lấy vị trí đầu bảng.
Chí hướng của hắn xưa nay vẫn là phò nguy trợ thế, trung quân báo quốc. Hai mươi năm chờ đợi, rốt cuộc cơ hội đã đến, hắn tuyệt đối sẽ không bỏ lỡ.
Giữa những biến động lớn trong triều, so ra, việc Hoàng môn Thị lang kiêm Khởi cư lang Vương Huyên bỗng dưng mất tích, khiến Kinh Triệu Doãn tìm kiếm khắp nơi trong vô vọng, cũng chỉ là một chuyện nhỏ chẳng đáng để nhắc đến.
–
Thu chớm, rượu Lục Nghị [1] mới ủ, lò đất đỏ ấm áp, vốn là một cảnh trí tao nhã, nhưng tiếc rằng Lý Doanh không cho Thôi Tuần uống rượu, thành ra trên lò chỉ đun một ấm trà Bạch Lộ. [2]
[1] rượu Lục Nghị: rượu có màu xanh như cánh kiến, nổi tiếng với hương vị thanh thoát và thường được ủ từ gạo nếp.
[2] trà Bạch Lộ: là một loại trà nổi tiếng ở Trung Quốc, thường được thu hái vào khoảng mùa thu, đặc biệt là trong dịp tiết Bạch Lộ (白露), tức là thời gian giữa tháng 8 và tháng 9 dương lịch. Trà Bạch Lộ mang tên gọi này vì nó được thu hoạch ngay sau khi tiết Bạch Lộ đến, thời điểm có sương mù nhẹ và nhiệt độ bắt đầu mát mẻ hơn. Trà Bạch Lộ thường được sản xuất từ những búp trà non, tươi mới, có màu trắng nhạt và hương thơm rất đặc trưng. Trà này có vị nhẹ nhàng, thanh mát, và thường được đánh giá cao vì có nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp làm dịu cơ thể, giảm căng thẳng, và đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Vì vậy, trà Bạch Lộ được ưa chuộng trong các bữa trà của giới quý tộc và những người yêu thích trà Trung Quốc.
Lý Doanh chống cằm, lặng lẽ nhìn Thôi Tuần vung bút viết hàng chữ hành thảo. Kể từ khi được nàng khuyên giải, Thôi Tuần quyết định buông bỏ quá khứ, theo nàng bôn ba khắp sông núi Đại Chu, cùng nàng cứu giúp lê dân. Tâm tư hắn cũng thay đổi ít nhiều, không còn trầm uất căng thẳng như trước, trái lại buông lỏng từ từ, dần dà nhẹ nhõm hơn trước. Lối hành thảo hắn từng không thể viết ra được, giờ cũng có thể viết ra.
Lý Doanh nhấc ấm trà Bạch Lộ khỏi lò than, dùng chiếc muôi bạc cán dài múc một chén trà màu hổ phách, đưa đến trước mặt hắn rồi nói: “Nét chữ này đã có bảy tám phần phong thái của Lưu Tùng Bách rồi, so với bức chàng viết tặng Trương Hoằng Nghị khi trước thì tốt hơn nhiều lắm.”
Thôi Tuần buông bút lông sói, nhận lấy chén trà, nhấp một ngụm rồi chăm chú nhìn nét chữ mình viết, trầm giọng nói: “Trước kia còn đẹp hơn nữa cơ.”
Lý Doanh khẽ cười: “Đợi khi chúng ta đến Dương Châu, đến Ngô Quận, chàng sẽ lại là Thôi Tuần của sáu năm trước.”
Sáu năm trước, Thôi Tuần từng là người thế nào nhỉ? Nàng chưa từng gặp, chỉ nghe Quách Cần Uy kể lại, đại để là dáng vẻ ngựa trắng yên bạc, phong thái tiêu sái như sao băng. Nàng không thể gặp hắn khi ấy, mà lại gặp được hắn trong những tháng ngày u ám nhất cuộc đời. Nhưng nàng chưa từng cảm thấy nuối tiếc, bởi vì đẹp đẽ là hắn, sa sút cũng là hắn. Nàng sẽ không vì ánh hào quang của ngày cũ mà day dứt với hiện tại, bởi điều đó sẽ chỉ làm tổn thương cả hai. Điều đáng để nàng dành tâm sức, chính là ngày hôm nay và mai sau của hắn, chứ không phải dĩ vãng đã qua.
Thôi Tuần mỉm cười, gật đầu: “Ừ.”
Hắn cũng rất mong chờ ngày cùng nàng đặt chân đến Dương Châu, đến Ngô Quận, bắt đầu một cuộc sống mới.
–
Trong hương Bạch Lộ thanh nhã vấn vương, Lý Doanh ngắm nhìn dòng chữ Thôi Tuần viết: “Nhàn mộng Giang Nam mai thục nhật,”, nàng cất giọng: “Câu tiếp theo chẳng phải là “Dạ thuyền xuy địch vũ tiêu tiêu” sao?” [3]
[3] Hai câu thơ trích từ bài “Ức Giang Nam” (Nhớ Giang Nam) của tác giả Hoàng Phủ Tùng.
Bản dịch của Thien Thanh (thivien.net): Buồn mơ Giang nam ngày mai chín/ Thuyền đêm thổi sáo mưa rì rào,
“Hẳn là vậy.”
Lý Doanh mỉm cười: “Vậy câu sau để ta viết nhé.”
Thôi Tuần mỉm cười, liền cầm thỏi mực Tùng Yên lên giúp nàng mài mực, song, mực chưa kịp mài xong thì ngoài phủ đã có thêm một vị khách không mời.
Là Lư Hoài.
Từ sau khi Lư Dụ Dân qua đời, hắn đã u uất suốt một khoảng thời gian dài. Trong triều, không ít kẻ viện cớ hắn là cháu ruột Lư Dụ Dân, dâng sớ luận tội hắn trước Thái hậu và Long Hưng Đế. Nhưng, những tấu chương ấy đều bị Thái hậu kiên quyết chặn lại. Dưới sự bảo hộ hết lòng của Thái hậu, Lư Hoài dần vực dậy tinh thần. Có minh chủ che chở như vậy, nếu hắn cứ mãi chìm đắm trong quá khứ, chẳng những phụ lòng Thái hậu, phụ chính bản thân mình mà còn phụ cả kỳ vọng của Lư Dụ Dân, người từng xem hắn là toàn bộ hy vọng của họ Lư đất Phạm Dương.
Vậy nên, Lư Hoài trở lại vị trí Thiếu khanh Đại Lý Tự, tiếp tục tuân theo tôn chỉ làm quan của mình: “Kẻ tận trung giúp đời, dù là thù cũng phải thưởng; kẻ phạm pháp chểnh mảng, dù là thân thích cũng phải phạt.” Chỉ có điều, khi nghe tin Thôi Tuần đột ngột từ quan, hắn vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Sau bao ngày đắn đo, rốt cuộc hắn cũng mang theo một vò rượu, đến tìm gặp Thôi Tuần.
Từ ô cửa sổ đang hé mở, Lý Doanh nhìn thấy vò rượu trong tay Lư Hoài. Không chút nghĩ ngợi, nàng liền lên tiếng cảnh cáo Thôi Tuần: “Chàng không được uống.”
Phải vất vả lắm thân thể Thôi Tuần mới dần hồi phục, nàng tuyệt đối không để mọi cố gắng trước đó đổ sông đổ bể.
Thôi Tuần nhếch môi, gật đầu chấp thuận, sau đó đứng dậy nghênh đón Lư Hoài. Hắn chợt nhớ lại lần cuối cùng Lư Hoài bước vào Thôi phủ, khi ấy hắn đã trở thành tù nhân, bị Đại Lý Tự giam giữ. Vậy mà mới chỉ mấy tháng trôi qua, cảnh cũ người xưa, nay đã đổi thay khôn lường.
Vừa bước vào thư phòng, thứ đầu tiên Lư Hoài thấy chính là lò than đất đỏ và ấm trà Bạch Lộ đặt trên đó.
Hắn nâng vò rượu Lục Nghị mới ủ trong tay, nở một nụ cười: “Đã có lò than đất đỏ, sao lại không có một vò Lục Nghị?”
Thôi Tuần lắc đầu: “Thất lễ, thân thể ta không tiện uống rượu.”
Lư Hoài thoáng sững người, rồi lại ngượng ngùng nói: “Lần ta được thăng chức Thiếu khanh Đại Lý Tự, từng tặng Thôi Thiếu khanh một bình rượu hoa sen. Lỗi ở ta, mong Thôi Thiếu khanh rộng lượng.”
Hắn ngỡ rằng Thôi Tuần vẫn còn oán trách chuyện này, nhưng Thôi Tuần chỉ nhàn nhạt đáp: “Có chuyện đó sao? Ta quên rồi.”
Lư Hoài giật mình ngẩng lên, chỉ thấy thần sắc Thôi Tuần bình lặng như nước. Bất giác, hắn bật cười: “Ồ, là ta nhớ lầm rồi, nào có chuyện ấy.”
Ánh mắt hắn chợt dừng trên tờ giấy gai trắng đặt trên án thư, trên đó viết hàng chữ: “Nhàn mộng Giang Nam mai thục nhật”. Hắn buột miệng: “Thôi Thiếu khanh đã có kế hoạch đến Giang Nam rồi sao? Giang Nam quả là đất lành, x.uân th.ủy xanh biếc như trời, thuyền hoa tiếng mưa ru ngủ, rất hợp để quy ẩn.”
Thôi Tuần chỉ thở dài, đáp: “Lư Thiếu khanh, giữa ta và ngài xưa nay chẳng có giao tình gì sâu đậm.”
Lư Hoài sững lại, chỉ nghe giọng Thôi Tuần lãnh đạm tiếp lời: “Thế nên, hôm nay ngài đến đây, rốt cuộc muốn nhờ ta chuyện gì, chi bằng cứ nói thẳng ra đi.”
Lời lẽ thẳng thắn của Thôi Tuần khiến Lư Hoài lập tức đỏ mặt tía tai. Chứng kiến cảnh ấy, Lý Doanh bất giác bật cười. Tính tình Thôi Tuần vốn ít nói, nhưng một khi đã mở miệng thì có thể khiến hạng quân tử da mặt mỏng như Lư Hoài tức đến chết đi sống lại. Có điều, từ khi hắn và nàng định tình, hắn vẫn luôn dịu dàng với nàng, đến nỗi nàng gần như quên mất dáng vẻ sắc bén này của hắn.
Nhìn Lư Hoài mặt đỏ bừng bừng, Lý Doanh lại thấy có phần tội nghiệp. Dẫu sao trong vụ án Thiên Uy quân, hắn cũng dốc sức không ít. Kể cả khi hắn là cháu ruột Lư Dụ Dân, trước đây từng nhiều lần hạ nhục Thôi Tuần, nhưng xét một cách công bằng, công của hắn vẫn lớn hơn tội.
Lý Doanh nâng người, thổi một hơi vào tai Thôi Tuần, thì thầm: “Đừng quá đáng.”
Tai hắn tê dại như có dòng điện chạy qua, mặt cũng bất giác đỏ lên. Nhưng có Lư Hoài ở đây, hắn không thể để lộ bất cứ điều gì, chỉ đành hắng giọng, ý bảo nàng chớ làm loạn.
May mà Lư Hoài đang cúi đầu nhấp từng ngụm trà Bạch Lộ, chìm đắm trong nỗi hổ thẹn của chính mình, hoàn toàn không để ý đến dáng vẻ khác thường của Thôi Tuần. Hắn uống thêm mấy ngụm, cuối cùng đặt chén xuống, hạ quyết tâm: “Đúng vậy, quả thực ta có chuyện muốn nhờ Thôi Thiếu khanh.”
Thôi Tuần thản nhiên đáp: “Chuyện gì?”
“Hoàng môn Thị lang Vương Huyên, từ sau buổi triều hội bảy ngày trước liền bặt vô âm tín. Y chỉ để lại một phong thư, nói rằng muốn bỏ trốn cùng một kỹ nữ. Việc này, Thôi Thiếu khanh có biết hay không?”
“Có nghe phong thanh.”
“Thánh nhân vô cùng giận dữ, đã giao cho Kinh Triệu Doãn điều tra tung tích của Vương Huyên, nhưng suốt bảy ngày qua vẫn không thu hoạch được gì.” Lư Hoài lo lắng: “Ta cũng phái vũ hầu dò xét, nhưng cũng không lần ra manh mối.”
Hắn than nhẹ: “Bác Diễn là bằng hữu tri kỷ của ta, mẹ già vợ con ở nhà khóc lóc thảm thiết, thật lòng ta không đành. Ta biết Sát Sự Thính có tai mắt khắp Trường An, vì vậy mới muốn nhờ Thôi Thiếu khanh giúp ta tìm kiếm tung tích của Bác Diễn.”
Lư Hoài lại tìm đến hắn nhờ vả ư? Mặt trời đúng là mọc từ phía tây rồi.
Nhưng dù Lư Hoài có khẩn khoản thế nào, Thôi Tuần vẫn từ chối: “Ta đã từ quan, người kế nhiệm tuy chưa nhậm chức, nhưng trong triều không phải việc ta có thể nhúng tay. Huống hồ, Kinh Triệu Doãn và Đại Lý Tự đều đang điều tra, ta không thể vượt quyền.”
Lư Hoài có phần sốt ruột: “Tuy có Kinh Triệu Doãn và Đại Lý Tự, nhưng nếu luận về việc dò la tin tức, không ai có thể sánh với Sát Sự Thính.”
Sát Sự Thính vốn được lập ra để theo dõi động tĩnh quan lại, chuyên xử lý những việc quỷ quyệt trong tối. Nói không ngoa, đêm qua quan viên trong triều mở tiệc khoản đãi ai, Sát Sự Thính đều có thể nắm rõ từng chi tiết. Chính vì vậy, Lư Hoài mới gạt bỏ thể diện, đích thân đến cầu xin Thôi Tuần.
Nhưng Thôi Tuần vẫn lắc đầu. Hắn không có hứng thú với việc truy tìm tung tích một quan viên bỏ trốn cùng kỹ nữ. Lư Hoài cắn răng nói: “Thôi Thiếu khanh, ta biết trước đây ta có lỗi với ngài, nhưng sự mất tích của Bác Diễn ắt có uẩn khúc. Y là người nhút nhát sợ phiền phức, sao có thể bỏ vợ bỏ con để chạy theo một nữ tử thanh lâu? Ta dám khẳng định, lời đồn về vụ bỏ trốn này là giả! Mong ngài bỏ qua hiềm khích, giúp ta tìm ra Bác Diễn.”
Nghe vậy, Thôi Tuần hơi nhíu mày. Nếu lời Lư Hoài nói là thật, Vương Huyên không hề bỏ trốn cùng kỹ nữ, thì sự biến mất của một Hoàng môn Thị lang đúng là có điều mờ ám. Nhưng, liệu lời của Lư Hoài có thật sự đáng tin? Hắn chậm rãi hỏi: “Lư Thiếu khanh, đã bao lâu rồi ngài chưa gặp Vương Huyên?”
Lư Hoài sững người, cúi đầu đáp: “Từ sau khi thúc phụ ta qua đời, ta đã không còn tâm trí lên triều, cũng đã hơn một tháng chưa gặp Bác Diễn.”
“Vậy ngài dựa vào đâu để khẳng định, chuyện bỏ trốn nhất định là giả?”
Dù sao thì, ngay đến việc thúc phụ mình là trung thần hay gian thần, Lư Hoài còn chẳng phân biệt nổi. Hắn quá coi trọng tình nghĩa, mà tình nghĩa đôi khi lại khiến con người ta bị che mờ đôi mắt.
Lư Hoài mím môi: “Không, nhất định là giả!”