Tự do của thị trường kinh tế có thế kéo theo sự tiến bộ của cả quốc gia.
Trong lòng Lý Kỳ vẫn vô cùng hi vọng mượn tư tưởng vô vi mà trị để thời đại công nghiệp có thể đến Đại Tống sớm hơn.
Hơn nữa, hệ thống kinh tế tự do cũng phù hợp với phương châm chiến lược của Đại Tống, bởi vì kinh tế tự do không phản đối chiến tranh, khi sự giàu có trong nước bành trướng đến cực hạn, hoặc là khi kinh tế tiêu điều, thì không cần Hoàng đế nói, dân chúng tự nhiên sẽ thúc đẩy chính sách khuếch trương.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ở đây dù sao cũng là xã hội phong kiến, kinh tế hoàn toàn tự do là không thể, kinh tế thị trường vẫn phải được xây dựng trên quân vương, pháp luật, chính trị. Ngươi không thể làm ăn làm đến trên đầu Hoàng đế, ví dụ như ai mà ngốc đến mức chạy đến bán long ỷ, long bào của Hoàng đế. Tuy rằng trong kinh tế thị trường, bất cứ thứ gì đều có thể trao đổi ngang giá, nhưng ai lại thật sự làm thế chứ, vậy thì không phải là kinh tế thị trường thuần túy, mà là thuần túy tìm chết.
Có điều, đây là lần đầu tiên triều đình chỉ định rõ ràng tư tưởng kinh tế từ xưa đến nay.
Tại sao lại xuất hiện hiện tượng này. Thật ra đây không phải do con người làm ra, mà là một sự thể hiện khách quan. Phải biết rằng thương thuế của Đại Tống hiện nay chiếm chín phần thu nhập của quốc khố, triều đình còn lý do gì mà không coi trọng buôn bán, không phát triển thương nghiệp, các đại thần có tư cách gì mà phản đối thương nghiệp. Nếu thương nghiệp không tốt thì các ngươi đều đi ngáp gió tây bắc rồi.
Việc này cũng giống như làm người vậy, ngươi muốn được người khác coi trọng, đầu tiên phải thể hiện được giá trị của ngươi, người khác mới coi trọng người, cả ngày ngồi nhà than trời trách đất, hận này hận nọ, đây hoàn toàn là một tư tưởng sai lầm. Ngươi thể hiện được giá trị, dĩ nhiên sẽ có người tìm ngươi, đây là kinh tế thị trường.
Tướng Quốc Tự.
Cả ngàn học giả ngồi trên khoảnh đất bằng trước Tướng Quốc Tự, từ thuần túy tranh luận ban đầu, đến bây giờ đã diễn biến thành một cuộc nghiên cứu thảo luận, quốc gia phải thay đổi thế nào thì phát triển.
Cuộc tranh luận của bọn họ thúc đẩy chính sách của quốc gia sinh ra. Đương nhiên, về mặt này có sự âm thầm thao tác, chỉ là bọn họ không biết mà thôi. Nhưng cho dù nói thế nào, bọn họ cảm thấy chính mình được coi trọng, điều này làm bọn họ vô cùng tự tin. Thế nhưng sau khi chính sách của triều đình được đưa ra, lại thúc đẩy bọn họ suy nghĩ theo một góc độ càng cụ thể hơn.
Vì sao triều đình lại đồng ý cách nói này của chúng ta, phủ định cách nói khác, điều này đáng để bọn họ suy nghĩ.
Trên lầu hai của một lầu các bên cạnh mảnh đất, Triệu Giai dẫn theo ba người đứng đầu và Viện trưởng hai viện đứng trước cửa sổ, quan sát các học giả phía dưới.
- Tiếp thu ý kiến quần chúng, tiếp thu ý kiến quần chúng, đây mới là đạo trị quốc.
Triệu Giai nghe được thì liên tục gật đầu, lại quay đầu nhìn sang bọn Lý Kỳ nói: - Căn nhà mà hôm nay các khanh xây tốt hơn so với lần trước nhiều, chỉ cần các khanh có thể đồng tâm hiệp lực, thì e rằng trên đời này sẽ không có chuyện có thể làm khó được các khanh.
Còn không phải là bị ngươi bức sao, Lý Kỳ thầm lẩm bẩm một câu, ngoài miệng lại nói: - Chúng thần chỉ có tác dụng thúc đẩy, người có trí tuệ chân chính vẫn là những thánh nhân kia. Chúng thần chỉ là mượn tư tưởng của bọn họ áp dụng vào các chính sách hiện tại, chúng thần không nói ra được câu vô vi mà trị đâu.
Triệu Giai ha ha nói: - Khó có khi nghe được khanh khen thánh nhân một câu, trẫm nhớ lúc trước khanh đều cảm thấy khinh thường những thứ này mà.
- Đó là do trước kia tầm nhìn của thần thiển cận, không biết tự lượng sức. Lý Kỳ vô cùng thành khẩn nói: - Nhưng trong mấy ngày gần đây, thần phát hiện thật ra có rất nhiều vấn đề, thánh nhân đã chỉ con con đường sáng cho chúng ta rồi. Bọn họ nhìn vô cùng thấu đáo, bọn họ mới là thiên tài chân chính. Chỉ là có một số người cực đoan hóa những tư tưởng này, dẫn đến thay đổi cả hương vị, việc này cũng giống như thức ăn vậy, để lâu thì sẽ biến vị.
Mấy câu này của hắn là thật lòng nói ra. Tuy hắn không nghiên cứu những học vấn này, đều là đám người Vương Trọng Lăng, Bạch Thì Trung, Thái Kinh nghiên cứu, hắn phụ trách tạo ra dư luận, nhưng nhìn thấy kết quả nghiên cứu, lần đầu tiên trong lòng hắn chân chính cảm thấy cảm phục các nhà tư tưởng Khổng Tử, Mạnh Tử vân vân. Trong thư tịch của bọn họ hàm chứa rất nhiều tương lai, đặc biệt là có một số tư tưởng vĩnh viễn đều không lỗi thời, hơn nữa có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực.
Phải biết rằng đây là tư tưởng của một ngàn năm trước, ai có thể ngờ được vô vi mà trị mà Lão Tử đề xuất một ngàn năm trước sẽ đặt cơ sở cho kinh tế thị trường của hôm nay.
Văn hóa Trung Hoa bác đại tinh thâm, điều này tuyệt đối không phải tự biên tự diễn.
Lý Kỳ phát hiện thật ra rất nhiều văn hóa cận đại phương Tây đã xuất hiện từ hai ngàn năm trước ở Trung Quốc rồi, ví dụ như văn hóa dân chủ mà phương Tây tự hào nhất, không ngờ là mấy ngàn năm trước Khổng Tử đã đề ra tư tưởng "mỗi người một ý" rồi, đây chính là sự thể hiện của dân chủ.
Chế độ tuyển cử? Hơn hai ngàn năm trước, khi người phương Tây còn chưa tiến hóa, Mạnh Tử đã hô lên khẩu hiệu "Dân thứ nhất, xã tắc thứ hai, quân không quan trọng, ai lấy được lòng dân sẽ làm thiên tử", chính là nếu có được sự thừa nhận của dân chúng thiên hạ mới trở thành thiên tử, đây chẳng phải là tư tưởng tuyển cử sao?
Chỉ là càng về sau những tư tưởng này hoàn toàn trở thành công cụ thống trị của kẻ thống trị, khuất nhục trong lịch sử cận đại Trung Quốc tuyệt đối không thể xóa sạch huy hoàng năm ngàn năm của Trung Quốc.
Nhưng nhà tư tưởng có một căn bệnh chung, chính là quá mức lý tưởng hóa. Nhưng đây chỉ là sự theo đuổi của bọn họ đối với lý tưởng, không có gì đáng trách. Nếu ai áp dụng hoàn toàn thế giới lý tưởng này vào trong hiện thực, đó không phải lỗi của thánh nhân, là sự ngu xuẩn của ngươi thôi. Trên đời này không có hoàn mỹ, chỉ cần tồn tại thì nhất định có sự thiếu hụt của nó. Nếu ngươi nhất định chỉ muốn thấy mặt xấu thì cũng không còn cách nào khác.
Cho dù thế nào thì Lý Kỳ của hôm nay cho dù là đang ở thời hậu thế, hắn cũng dám nói với cả thế giới một cách rất khí phách rằng, văn hóa Trung Hoa không thua kém người!
- Khó có khi khanh có thể nghĩ như vậy.
Triệu Giai vui mừng gật đầu, nói:
- Biết sai chịu sửa thì còn gì tốt hơn. Cũng giống vậy, các khanh cũng phải nhớ cho kỹ, lợi ích của quốc gia cao hơn tất cả. Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Quân còn như vậy, huống hồ là các khanh.
Ngụ ý của câu này là đang nói, các ngươi tranh thì cứ tranh, nhưng đừng tổn hại lợi ích của quốc gia, đây là điều y không cho phép.
- Chúng thần ghi nhớ.