Hoàng Gia khiêm vui vẻ đáp: “Con cháu hiếu kính vì ông bà là chuyện đương nhiên.”
Hoàng lão gia nhếch môi cười, hỏi lại một câu thâm sâu: “Cháu thật muốn hiếu kính với ta sao?”
Hoàng Gia Khiêm không hiểu lời này có ý gì, anh nhíu mày nhìn Hoàng lão gia, không đáp. Hoàng lão gia nhìn người đàn ông trẻ tuổi trước mặt khẽ lắc đầu, trong giọng nói có phần bất mãn: “Nếu cháu thật lòng muốn hiếu kính với ta thì cháu đã không làm như vậy.”
Hoàng Gia Khiêm nghe ra giọng nói không vui của ông ngoại thì vội ngẩng lên hoảng hốt hỏi lại: “Ông ngoại, cháu đã làm gì sai sao?”
Hoàng lão gia đặt mạnh chén trà xuống bàn, hừ mạnh một tiếng, tức giận chất vấn: “Cháu vẫn không biết cháu làm gì sai sao? Chuyện của con bé Yên Di lại là như thế nào?”
Đôi mí mắt của Hoàng Gia Khiêm từ từ hạ xuống rồi nhắm lại. Anh vốn biết chuyện này không thể giấu được ông ngoại. Chuyện Yên Di vì anh bị thương là chuyện lớn, ông ngoại lâu như vậy không hỏi anh là vì muốn xem biểu hiện và cư xử của anh với “em dâu” của mình. Giờ đây khi đứng trước tình cảm và sự nghiệp, anh chỉ có thể chọn một. Bây giờ cũng là lúc đưa ra quuyết định rồi.
Nghĩ vậy, Hoàng Gia Khiêm liền vuốt mặt, hít một hơi dài, lấy hết bình tĩnh cùng can đảm nói với Hoàng lão gia: “Ông ngoại, cháu yêu Yên Di nhưng hoàn cảnh của cô ấy khá đặc biệt. Nếu muốn tiếp tục theo đuổi tình cảm này, cháu chỉ có thể rút ra khỏi Hoàng...”
Lời còn chưa dứt, Hoàng lão gia đã tức giận xua bộ ấm tách trên bàn xuống đất bể tan tành. Hoàng Gia Khiêm thấy vậy liền sợ hãi vội vã quỳ xuống xin lỗi: “Ông ngoại, xin ông hãy bớt giận. Cháu có lỗi với ông, cháu đã phụ lòng ông, cháu...”
“Im ngay cho tôi.” - Hoàng lão gia lớn tiếng gắt.
Hoàng Gia Khiêm quỳ bên cạnh ông, cúi đầu. Ngày còn bé, khi anh làm sai, anh cũng quỳ bên cạnh ông nhận lỗi như vậy. Ông dạy bảo anh rất nghiêm nhưng cũng rất thương anh. Vì lẽ đó anh vừa sợ ông vừa nể ông và cũng yêu kính ông hết mực. Khác với cách dạy dỗ Tinh Vân, Hoàng lão gia luôn nghiêm khắc với Hoàng Gia Khiêm, yêu cầu đối với anh cũng rất cao.
“Anh có thể phụ lòng tôi nhưng không thể phụ lòng con bé đó phải không?” - Giọng Hoàng lão gia vừa đau vừa xót lại vừa nghiêm khiến Hoàng Gia Khiêm chấn kinh. Anh không biết trả lời ông thế nào, cũng không biết làm sao cho tốt. Chỉ có thể cúi đầu nhận lỗi.
Hoàng lão gia nhìn Hoàng Gia Khiêm buồn bã thì trong lòng cũng đau đến mấy phần. Ông từ tốn nói ra những lời dạy dỗ chân thành: “Gia Khiêm, cháu mấy tuổi thì đến nhà chúng ta?”
Hoàng Gia Khiêm như đứa trẻ, khẽ khàng trả lời: “Dạ, là ba tuổi.”
Hoàng lão gia lại hỏi tiếp: “Bây giờ cháu bao nhiêu tuổi?”
Hoàng Gia Khiêm cúi đầu thưa: “Dạ, là ba mươi ba tuổi.”
Hoàng lão gia liền nói: “Ba chục năm, là ta đã nuôi cháu ba chục năm. Cháu lại có thể nói muốn rời đi bỏ ta và Hoàng Thiên sao?”
Hoàng Gia Khiêm cúi đầu, hốc mắt anh bắt đầu đỏ hoe. Vinh hoa phú quý của nhà họ Hoàng là chuyện nhỏ, tính mạng anh năm đó được cứu mới là chuyện lớn. Ân tình này anh nợ nhà họ Hoàng cả mấy kiếp cũng không trả hết được. Nhưng mà...
Hoàng lão gia lại chân thành dạy dỗ: “Khi bắt đầu tình cảm với con bé đó, cháu nên hiểu thiệt hại danh tiếng mà Hoàng Thiên phải chịu đựng.”
Hoàng Gia Khiêm cúi đầu, hai bàn tay nắm chặt. Anh ngồi ở vị trí cao nhất của Hoàng Thiên, sao lại không nhìn ra thiệt hại của chuyện này nhưng Yên Di thì sao? Anh không muốn mất cô ấy. Anh đã ba lần đẩy cô ấy đi nhưng rốt cục vẫn là không buông được tình cảm trong lòng.
Hoàng lão gia thở dài chân tình lý giải: “Hoàng Thiên là tâm huyết cả đời ta. Vì nó ta đã đánh đổi rất nhiều thứ nhưng ta không thể đánh đổi cháu được.”
Hoàng Gia Khiêm nghe đến đây liền ngẩng mặt lên nhìn ông ngoại anh đang ngồi trên sofa ung dung nói nhưng trong giọng nói đã nhòe đi vì hơi nước.
Lời của ông ngoại anh giống như một cuốn phim cũ đều đều quay ra những thâm tình: “Hoàng Thiên của ta có thể bị tổn hại thậm chí bị phá sản hay mất đi danh tiếng trong thương giới nhưng ta không thể để mất cháu được. Cháu ngoại trừ là người đứng đầu Hoàng Thiên thì còn là cháu ngoại của ta. Bao nhiêu năm Kim Minh bỏ nhà đi, ta chỉ có cháu là người thân. Ta dạy dỗ cháu nghiêm khắc chỉ mong cháu nên người và sống cuộc đời hạnh phúc. Làm sao một ông lão “gần đất xa trời” như ta lại vì những thứ vật chất danh tiếng mà cản trở hạnh phúc của cháu.”
Những lời chân thành của ông khiến trái tim của Hoàng Gia Khiêm nhói đau. Tình cảm ông ngoại dành cho anh còn hơn cả ruột thịt. Hoàng Gia Khiêm lăn lộn trong thương giới nhiều năm, nhìn thấy không ít cảnh cha con tranh giành, anh em chém giết chỉ vì tài sản nhưng người ông này của anh có thể bỏ mặc của cải chỉ cần một đứa cháu như anh. Hoàng Gia Khiêm còn có thể nói được gì?
Hoàng lão gia nhìn gương mặt đau khổ của anh thì lại lấy tay xoa đầu anh vỗ về như ngày đứa cháu ngoại còn bé: “Gia Khiêm, cái tên này là ta đặt cho cháu, họ Hoàng cũng là họ của cháu. Từ khi nhận cháu về, ta đã cho người đi điều tra về thân thế của cháu nhưng đều không có manh mối nào. Con người phải nhìn về phía trước cho nên ta quyết định thay đổi cuộc đời cháu để cháu làm con cháu nhà họ Hoàng. Thân là con cháu, bất hiếu nhất chính là không chịu cưới vợ sinh con, còn đòi từ bỏ gia đình và trách nhiệm với gia nghiệp. Cháu đã biết lỗi chưa?”
Hoàng Gia Khiêm cúi đầu nhận lỗi, khẽ thưa: “Ông ngoại, cháu khiến ông tức giận, là lỗi của cháu.”
Ông ngoại anh lại nghiêm giọng nói: “Biết lỗi thì phải sửa lỗi. Cháu hãy mau đi thu xếp cùng ta đến Cartagena để giải quyết chuyện ly hôn của Yên Di và Thừa Hiên. Sau đó, ta sẽ đứng ra tác hợp cho cháu và con bé đó.”
Hoàng Gia Khiêm nghe xong mà không dám tin vào chính đôi tai của mình. Anh ngẩng lên nhìn ông lần nữa rồi hỏi lại: “Ý của ông là đồng ý cho cháu cưới Yên Di sao?”
Hoàng lão gia thở dài hỏi lại: “Lời ta nói chưa đủ rõ ràng sao?”
Hoàng Gia Khiêm lại phân vân nghi ngại: “Nhưng mà... thân phận “em dâu” và “anh chồng” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của tập đoàn.”
Hoàng lão gia nhếch môi cười, ôn tồn giải thích: “Chúng ta làm ăn kinh doanh, đưa sản phẩm uy tín đến cho khách hàng chứ không phải đưa mối quan hệ gia đình đến cho bọn họ. Ảnh hưởng này lớn đến đâu cũng không thể bằng việc ta không có cháu nội để bế bồng. Trông cậy vào con ngựa không dây như Thừa Hiên, chi bằng ta đặt niềm tin nơi cháu.”
Nói đoạn, ông liền hiền từ đỡ tay Hoàng Gia Khiêm lên: “Cháu đứng lên đi, lớn thế này rồi mà cứ như đứa trẻ. Chuyện yêu đương cũng phải để ông dạy hay sao?”
“Cháu đó, phải năng đi học hỏi mấy thằng láu cá như Lâm Thiên Vũ, Đoàn Nam Phong hay Phan Ưng Túc để xem tụi nó yêu đương như thế nào. Cách gì để phụ nữ chạy theo. Có biết hay chưa?” - Ông ngoại vừa nói vừa mỉm cười nhìn đứa cháu lương thiện của mình.
Hoàng Gia Khiêm xấu hổ, lấy tay gải phía sau ót, cười cười nhìn ông ngoại.
Hoàng lão gia lại nói thêm: “Trên đời này, cái gì lỡ có thể chờ lần sau chứ lỡ mất người mình yêu thì là lỡ cả đời. Cháu hãy nhìn vào ta, nhìn vào ba mẹ Tinh Vân mà suy nghĩ cho kỹ xem cháu có thực lòng muốn sộng với con bé đó suốt đời hay không? Ta không muốn cháu vì ta hay vì Hoàng Thiên mà bỏ lỡ tình cảm của mình.”
Hoàng Gia Khiêm cúi đầu nghe ông dạy. Ông ngoại anh lại từ tốn nói tiếp: “Gia đình chúng ta không chê bai gì xuất thân của nó, cho nên vấn đề chỉ còn là ở các cháu mà thôi. Nghe lời ông, suy nghĩ cho kỹ rồi quyết định.”
Lời của Hoàng lão gia từng lời thấm đượm ân tình và chân thành dạy bảo khiến Hoàng Gia Khiêm cảm động và mang ơn ông vô cùng. Nhìn từ bên ngoài, ông ngoại anh là người đàn ông cứng rắn nhưng chưa bao giờ trong ba mươi năm qua ông không dùng tình cảm chân thành và tấm lòng nhân từ để dạy dỗ anh. Bây giờ cũng như vậy, ông vì tác hợp cho anh mà không quan tâm đến được mất của Hoàng Thiên. Có thể tìm được một người ông hiền từ và một gia đình tốt như vậy, với Hoàng Gia Khiêm đã là mãn nguyện nhất trên đời. Điều này lớn hơn phần tài sản khổng lồ mà ông dành cho anh.