Một lúc sau, Trịnh Vĩ lẩm bẩm: “Thà chị ấy bị bệnh nan y còn hơn.”
Trên đoạn đường tiếp theo, Trịnh Vĩ không nói thêm lời nào.
Nhưng có thể thấy tâm trạng cậu ta không tốt lắm.
Hơn hai tiếng sau, khi sắp đến nơi, Trịnh Vĩ lại lên tiếng: “Anh rể, em thật lòng mong anh có thể trở thành anh rể của em.”
Tần Trữ cau mày: “Có gì thì cứ nói thẳng.”
Trịnh Vĩ xoay vô lăng, tấp xe vào lề đường, tắt máy, thở dài: “Haiz, em không nói nữa, anh tự mình xuống xem đi.”
Tần Trữ: “Đến rồi à?”
Trịnh Vĩ: “Khu bà nội em ở là khu phố cổ, hai bên đường toàn là những quán hàng rong bán rau củ quả, xe vào không được, chỉ có thể đi bộ.”
Tần Trữ nghe vậy liền gật đầu, đưa tay mở cửa xe.
Một lúc sau, bốn người xuống xe, đi vào trong.
Khương Nghênh nhìn những quầy hàng rong bày bán gần như chắn hết đường, không khỏi lên tiếng: “Chỗ này không có ai quản lý sao?”
Trịnh Vĩ quay đầu lại đáp: “Có người quản lý, ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng, đội quản lý đô thị sẽ xuống kiểm tra, hai ngày đó không được bày bán.”
Nói xong, Trịnh Vĩ biết Khương Nghênh không hiểu, cậu ta cười nói: “Chị Khương Nghênh, chị không thấy những người bán hàng rong đều là người già sao? Họ đều là người dân ở đây, lãnh đạo thương họ, lúc đầu quản lý rất nghiêm ngặt, sau đó để mọi người có bát cơm ăn, liền cố tình quy định ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng xuống kiểm tra, làm cho có lệ.”
Nghe Trịnh Vĩ nói vậy, Khương Nghênh không khỏi cảm động: “Người Diêm Thành rất tình cảm.”
Trịnh Vĩ cười: “Cũng chỉ còn người già tình cảm thôi, chứ như thế hệ chúng em, hàng xóm là ai cũng không biết.”
Khương Nghênh mỉm cười: “Đây là tình trạng chung của giới trẻ hiện nay, không chỉ riêng cậu đâu.”
Khương Nghênh vừa dứt lời, Châu Dị đứng bên cạnh liền lên tiếng: “Lão Tần.”
Tần Trữ đang đi cùng Trịnh Vĩ ở phía trước quay đầu lại: “Sao vậy?”
Châu Dị hất cằm: "Ông định đến tay không à?”
Tần Trữ bị Trịnh Vĩ làm cho phân tâm, trong đầu chỉ nghĩ đến tình trạng sức khỏe của Sầm Hảo, quên mất quà đã chuẩn bị trong cốp xe.
Châu Dị vừa dứt lời, Trịnh Vĩ liền khoác vai Tần Trữ: “Không cần mang gì cả, bà nội em không thích những thứ đó, nếu anh thật sự muốn mua, lát nữa đến quán hoa quả phía trước mua ít nho là được.”
Tần Trữ định phản bác thì bị Trịnh Vĩ cười gượng gạo, ngắt lời: “Anh rể, em khuyên anh nên đến gặp chị em trước, đừng để mất cả chì lẫn chài.”
Tần Trữ: “…”
Dưới sự dẫn dắt của Trịnh Vĩ, Tần Trữ đến cửa hàng hoa quả mua ít nho, sau đó đi theo cậu đến một con ngõ nhỏ.
Trịnh Vĩ đút hai tay vào túi, đứng ở đầu ngõ, nghiêm túc nói: “Anh rể, con đường này khó đi, em không đi cùng anh nữa đâu.”
Tần Trữ nhướng mày: “??”
Trịnh Vĩ nói với vẻ mặt đầy ẩn ý: “Có những con đường, nhìn bề ngoài chỉ là một con đường, nhưng thực chất là bậc thang dẫn đến địa ngục.”
Tần Trữ: “…”
Trịnh Vĩ nhất quyết không chịu đi tiếp, lúc Tần Trữ xách nho đi vào trong, cậu ta còn vỗ mạnh vào tay Tần Trữ hai cái: “Anh rể, đi đi.”
Trịnh Vĩ nói xong câu này, vẻ mặt vô cùng bi tráng.
Trong đầu Tần Trữ hiện lên một câu thơ: “Gió hiu hiu thổi bên sông Dịch lạnh, tráng sĩ một đi không trở lại.”
Vài phút sau, Tần Trữ đi cùng Châu Dị và Khương Nghênh qua con ngõ nhỏ, đến cuối ngõ.
Vừa đến đầu ngõ, họ đã nhìn thấy Sầm Hảo đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, chơi bài với ba bà cụ.
Cách ăn mặc của Sầm Hảo giống hệt Trịnh Vĩ, áo ba lỗ, quần short, đi dép lê.
Cô cầm một bộ bài, một chân gác lên ghế, trông vô cùng “hào sảng”.
“Tứ quý! Thấy chưa?!”
“Đã nói là ba bà không phải đối thủ của cháu mà.”
“Mau mau, đưa tiền đây.”
“Đừng có giả vờ già yếu, trong mắt cháu, ba bà đều là những cô gái mười tám tuổi xinh đẹp, thiếu một xu cũng không được.”
Sầm Hảo nói xong, ba bà cụ cười toe toét, vừa cười vừa mắng cô, sau đó lấy tiền ra.
Sầm Hảo nhận lấy tiền, lắc lắc: “Chờ đấy, cháu đi mua kem cho ba bà.”
Nói xong, Sầm Hảo đứng dậy.
Trong ngõ nhỏ ồn ào, Sầm Hảo vừa đứng dậy đã nhìn thấy Tần Trữ đang đứng ở đầu ngõ.
Bốn mắt nhìn nhau, Sầm Hảo sững người.
Tần Trữ vẫn lạnh lùng như mọi khi, nhưng trong mắt lại ẩn chứa ý cười: “Cô Sầm.”
Sầm Hảo đỏ mặt, luống cuống giữa cơn gió mùa hè.