Con đường làm quan của con trai bà ta không thể đứt, vậy danh tiếng trong sạch của cô ta không quan trọng sao?
Bảo cô ta từ lương tịch vào kỹ nữ tiện tịch thì cả đời này cô ta không còn tư cách để làm chính thất nữa rồi, con cái sinh ra cũng sẽ bị người ta khinh thường cả đời.
“Không, không ký!”
Bà lão tức đến mức không nhịn được, đang định đánh thì biểu muội ôm bụng cúi người, sắc mặt trắng bệch như tuyết. Bà lão nhìn vừa tức vừa giận: “Sắp sinh rồi à? Tôn nhi bảo bối của ta còn chưa đủ tháng, đồ vô tích sự này! Mang thai mười tháng cũng không làm được!”
Phủ đệ lại loạn nháo nhào, bà lão nhân lúc người phụ nữ sinh sản ý thức không rõ ràng, cưỡng ép cô ta ký khế ước bán thân.
Gã đàn ông thì nhờ quan hệ ghi khế ước bán thân này vào danh sách của quan phủ, ngày hôm sau lấy khế ước bán thân ấy để giải oan cho mình.
Không chỉ người đàn ông này mà mấy nhà khác cũng dùng cách xử lý y như vậy, bạc tình bạc nghĩa đến mức khiến người khác chạnh lòng.
Dương Tư quyết định tạm thời xử lý lạnh, đuổi về nhà, để bọn họ ở nhà hối lỗi trước.
Không lạm quyền nạp thiếp nhưng tội nuông chiều thiếp thất, lấn át thê tử là không tránh khỏi.
Nhìn những tờ khế ước bán thân, Dương Tư không kìm được lắc đầu cảm thán: “Đúng là nhẫn tâm!”
Khương Lộng Cầm bên cạnh cười lạnh: “Tất cả đều đáng chết.”
Dương Tư căng thẳng nhìn cô: “Nàng đừng quản chuyện này, tránh kinh động đến đứa bé trong bụng, những kẻ cặn bã kia có người trừng trị.”
Giết bọn chúng là không thể, ý của Khương Bồng Cơ cũng không phải vậy.
Có vài hình phạt còn đau khổ hơn cả cái chết.
Qua vài ngày, tin tức này vừa mới lắng xuống, Tái Trì Cư Sĩ – cây bút đệ nhất Hoàn Châu phát hành sách mới.
Những thuyết thư tiên sinh làm việc cho quan phủ là những người lấy được nội dung mấy chương đầu tiên sớm nhất.
Dân chúng nghe được tin này, lũ lượt kéo đến tiệm trà quán rượu đợi chờ, để nghe kể chuyện.
Thuyết thư tiên sinh nói: “Cách một năm, Tái Trì Cư Sĩ lại ra một tác phẩm mới. Hôm nay tiểu nhân sẽ kể cho chư vị khách quan ở đây nghe chương đầu tiên.”
Dân chúng không khỏi dỏng tai lên, chăm chú nghe thuyết thư tiên sinh kể chuyện xưa.
Không giống với phong cách tích cực như trước đây, tuy rằng tác phẩm lần này vẫn giữ được trình độ khi xưa nhưng phong cách lại hơi u ám âm trầm.
Vai chính trong sách trở thành cô gái nhà lành, gia thế trong sạch lại hiền lương thông tuệ, mười ba tuổi định thân, hai bên ái mộ lẫn nhau, chỉ chờ cập kê thì có thể thành hôn. Ngờ đâu lại có biến cố bất ngờ, phụ thân của cô gái nhà lành nghiện cờ bạc lại hung bạo, một lần say rượu làm nhục con gái xinh đẹp trẻ trung...
Đây là nội dung chương đầu tiên, mọi người còn tưởng đây là câu chuyện về một cô gái nhà lành phấn đấu trưởng thành, tạo phúc cho lê dân, không ngờ tình tiết đột nhiên chuyển đổi, dọa dân chúng sợ bạt hồn. Vệ Từ xây dựng hình tượng cô gái đẹp bao nhiêu, tốt bao nhiêu, thiện lương bao nhiêu thì tình tiết cô ấy bị phụ thân say rượu làm nhục lại khiến dân chúng nghe chuyện sởn gai ốc bấy nhiêu, không ít người muốn nổ tung tại chỗ. Phụ thân cưỡng đoạt con gái, không phải cầm thú thì là gì!!!
Trong lòng thuyết thư tiên sinh cũng khổ, ông đọc bản thảo mới suýt chút khóc ra tiếng.
Tái Trì Cư Sĩ bị thằng chồng tồi ruồng bỏ à?
Sao tác phẩm mới lại ngược tâm thế này?
Thuyết thư tiên sinh lại kể đến nội dung của chương thứ hai.
Người cha cầm thú sợ sự việc bị bại lộ, một mặt lừa gạt vợ mình, một mặt đe dọa con gái, bán con gái cho người môi giới.
Kế đến, gã về nhà nói dối rằng con gái không chịu yên phận, thấy tiền sáng mắt, nửa đêm theo trai bỏ nhà ra đi rồi.
Trên thực tế, cô gái nhà lành bị một lão phu nhân phú hộ mua về nhà làm thị thiếp cho con trai của bà ta.
Cô nghĩ rằng khổ tận cam lai, ai ngờ vừa thoát khỏi hang hổ lại rơi vào hang sói. Hộ nhà này cũng kỳ quái, trên có lão phu nhân âm trầm, giữa có chính thê đoan trang xinh đẹp lại vô cùng tiều tụy, dưới có đại lang quân bị điếc từ thuở nhỏ và đại nương tử tự kỷ không được xem trọng.
Vị lão gia kia lại chưa từng gặp mặt.
Cô vừa được mua về, đang nơm nớp lo sợ với môi trường lạ lẫm, vô tình bắt gặp cháu gái của lão phu nhân và một người đàn ông lạ mặt tằng tịu, sau đó mới biết người đàn ông là lão gia của phủ. Ngay sau đó lại chứng kiến lão phu nhân mắng nhiếc chính thất phu nhân, bới móc lý do đủ điều. Sau cùng, cô gái nhà lành nghe được đoạn đối thoại của hai bà vú già, trong cuộc đối thoại mơ hồ nói đến nguyên nhân thật sự về chuyện đại lang quân bị điếc tai...
Mới thoắt một cái mà nội dung của ba chương mới đã kể hết.
Dân chúng nghe kể chuyện nói: “Sau đó thì sao? Thôi nương cuối cùng thế nào?”
Thuyết thư tiên sinh bất lực nói: “Truyện vẫn chưa ra tiếp.”
Dân chúng nóng vội, ông cũng vội lắm.
Ông rất muốn biết Thôi nương đã trải qua những gì ở nhà này, trong phủ ẩn chứa bí mật gì. Cuối cùng Thôi nương có phá kén thành bướm được không?
Dân chúng một truyền mười, mười truyền trăm, cuối cùng có người phát hiện, câu chuyện này rất quen tai.
“Đây chẳng phải nhà ở hẻm Trường An kia...”
“... Bà không nhắc tôi còn không biết, vừa nhắc... Đúng là giống thật!”
Vì tình tiết dừng đột ngột, dân chúng không thỏa mãn, trở về kể cho nhau nghe, phát hiện tình tiết trong truyện vô cùng trùng khớp với nhà ở hẻm Trường An kia.
Vietwriter.vn
Dưới sự thao túng của Vệ Từ, chuyện trong nhà ở hẻm Trường An cũng bị dân chúng đào bới sạch sẽ.
Dân chúng xem náo nhiệt lại được ăn dưa no.
Thì ra câu chuyện của Tái Trì Cư Sĩ có nguyên mẫu.
Thì ra phú hộ nạp thiếp có nhiều quy tắc như vậy đấy, không phải bọn họ muốn nạp bao nhiêu thì nạp bấy nhiêu đâu.
Thì ra nhà giàu ở hẻm Trường An kia có bộ mặt khó coi đến như vậy, tình tiết trong truyện có bao nhiêu việc đã xảy ra thật?
Quyển này Vệ Từ viết rất nhanh, chẳng mấy chốc dân chúng có thể biết được đoạn sau của câu chuyện rồi.
Cô gái nhà lành Thôi nương chứng kiến nhà này từ lúc hưng thịnh đến khi lụn bại, nam chủ nhân vì tự bảo vệ mình mà cưỡng ép thiếp thất từng ân ái ngụy tạo khế ước bán thân. Người biểu muội từng được sủng ái kia cũng bị bức ép đồng ý trong lúc sinh sản, sau cùng khó sinh băng huyết, để lại một cô con gái rồi buông tay rời khỏi trần gian.
Vẻ mặt lão phu nhân lộ ra sự căm ghét, mặc kệ bé con còn đỏ hỏn, hùng hùng hổ hổ bỏ đi.
Vốn là phú hộ lại rơi vào cảnh túng quẫn, nhà cửa bị tịch thu.
Thôi nương may mắn tránh được một kiếp.
Cuối cùng, Thôi nương thất hồn lạc phách trở về nhà, mơ hồ nghe được trong nhà có động tĩnh lạ thường.
Cô lén lút đi xem, kinh hoảng nhìn thấy người phụ thân đã hủy hoại mình đang nằm trên người tiểu đệ, không biết xấu hổ làm chuyện đồi bại kia.
Câu chuyện kết thúc.
Không chỉ quần chúng ăn dưa bị kết cục này dọa một trận mà ngay đến người mê sách của Tái Trì Cư Sĩ là Dương Tư cũng bị dọa đến tam quan sụp đổ.
Tên này bị cái gì kích thích, dùng thủ đoạn ấy để trả thù xã hội sao?
Loại trả thù xã hội có tình tiết mặn mà này đâu giống người có tấm lòng rộng mở như Vệ Từ viết ra được chứ?
Vệ Từ biểu thị ha ha.
Thủy quân dư luận còn chưa phát huy hết tác dụng đó biết chưa?
Sau câu chuyện này của Tái Trì Cư Sĩ, vài tiểu thuyết gia khá nổi cũng viết sách mới với nội dung tương tự.
Nếu người có tâm chăm chú để ý thì sẽ phát hiện, những câu chuyện này đều có một điểm chung: Trong câu chuyện luôn có trẻ em bị cha mẹ, thân thích, láng giềng hoặc người trong thôn của mình làm hại, không chỉ là thân thể mà còn cả tinh thần. Tạo hình ban đầu của những đứa trẻ này đều là những bé trai, bé gái nhà bên tích cực hăng hái tiến lên, vừa nghe đã khiến người khác yêu thích, kết cục thì đứa sau thê thảm đáng thương hơn đứa trước.
Những tiểu thuyết gia đích thân hủy hoại hình tượng đẹp đẽ của nhân vật mình xây nên.
Càng như vậy càng có sức hút.
Có dân chúng cảm thấy đó là nói chuyện giật gân, đa số thì vừa phẫn nộ vừa bi thương lại vừa cảm thấy không rét mà run.
Bởi vì bọn họ phát hiện, tình tiết những câu chuyện này vô cùng quen thuộc, dường như mỗi câu chuyện đều có nguyên mẫu!