“Chuyện này không thể thương lượng được, con còn nhỏ, không hiểu đạo lý trong đó đâu. Đêm đã khuya rồi, về nghỉ ngơi đi.”
Lữ Trưng hạ lệnh đuổi khách, Khang Hâm Đồng tự biết mình nói sai nên làm ra vẻ vừa bứt rứt vừa sợ sệt, môi dưới bị cắn hằn thành vết.
“Vâng, nghĩa phụ cũng nghỉ sớm đi ạ, đừng quá lao lực.”
Khang Hâm Đồng lui ra, Lữ Trưng nhìn ánh nến ngây ngẩn một hồi.
“Đứa bé này vẫn còn quá nhỏ tuổi...”
Lữ Trưng than nhẹ, tựa như đang cảm khái.
Nếu Khang Hâm Đồng có thể điềm tĩnh hơn một chút thì cô bé sẽ thấy rằng dù cô bé nói ra mấy câu đại nghịch bất đạo nhưng Lữ Trưng không hề ghét bỏ cô bé mà thậm chí còn không hề trách mắng. Như vậy có thể thấy trong lòng Lữ Trưng không còn quyết một lòng với An Thôi nữa, thậm chí còn có không ít oán hận với hắn.
Đúng như Lữ Trưng cảm khái, Khang Hâm Đồng quá trẻ tuổi, vì thế cô bé cho rằng suy nghĩ của mình là đúng, không nhận ra sự phức tạp trong đó.
Với tính cách của Lữ Trưng, chắc chắn anh ta không phải người chưa đánh đã hàng.
Nếu phải nịnh hót mà sống thì thà chết còn hơn!
Dù An Thôi có là tên ác ôn lừa gạt cũng vậy thôi.
Sau lần nói chuyện này, Lữ Trưng vẫn giống như bình thường, ngược lại Khang Hâm Đồng lại có chút chột dạ và hối tiếc.
Cô bé quá kích động, mặc dù cũng vì muốn tốt cho nghĩa phụ nhưng nghĩa phụ đã phụ tá An Thôi lâu như vậy, không thể nào nói buông là buông được.
Khang Hâm Đồng còn đang hối hận thì bên ngoài lều có âm thanh tiếng kèn hiệu xuất chinh lanh lảnh truyền đến, trống đánh như sấm khiến mặt đất cũng chấn động rung rung theo.
Trong lòng cô bé căng thẳng, len lén vén cửa lều nhìn ra bên ngoài.
Mặc dù đứng đây chẳng thấy gì nhưng nhìn rất nhiều những doanh trại trống vắng và nghe tiếng trống trận từ phía xa, cô bé cảm giác được không khí xơ xác tiêu điều tựa như muốn bóp nghẹt cổ họng khiến cô bé hít thở khó khăn. Khang Hâm Đồng nhìn bóng người vội vã bước đi, thấp giọng lẩm bẩm.
“Lại đánh nhau rồi, nghĩa phụ vẫn ổn chứ?”
Trận chiến này đánh từ trời sáng đến lúc trời tối, trong lúc đó có không ít thương binh được đưa trở về.
Có vài thương binh cả người đẫm máu, không nhận ra dáng vẻ ban đầu nữa, có vài người gãy tay gãy chân, nhìn không ra hình người.
Từng người bọn họ đau chết đi sống lại, miệng liên tục phát ra tiếng rên rỉ, hầu như không có người nào là tay chân lành lặn. Nếu không phải bản thân còn sống, Khang Hâm Đồng nghi ngờ mình đang ở địa phủ.
Khang Hâm Đồng nghe theo dặn dò của Lữ Trưng, không dám chạy lung tung, mỗi lần khai chiến đều núp ở trong lều vải. Tim đập như trống trận, đồng thời nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Mặc dù Khương Bồng Cơ là idol của cô bé nhưng cô bé cũng biết một khi An Thôi thua trận thì khó mà bảo toàn doanh trại, không những không tự bảo vệ được mình mà e rằng nghĩa phụ cũng sẽ gặp bất trắc. Vì vậy mỗi lần đánh nhau cô bé sẽ lo lắng rất lâu, từ lúc trống trận vang lên đến khi có tiếng chiêng báo hiệu thu binh.
Cô bé lo lắng Khương Bồng Cơ sẽ thua, lo lắng nghĩa phụ gặp nguy hiểm…
Cô bé dặn người làm cơm cho Lữ Trưng, giữ ấm trên bếp lò để anh ta vừa trở về là có thể ăn cơm nóng. Có lẽ thế công của địch khá mãnh liệt nên tình hình trận chiến rất căng thẳng, hai ngày gần đây Lữ Trưng cũng không xử lý việc lặt vặt, trời còn chưa sáng đã bị An Thôi gọi đi họp, trăng lên giữa trời vẫn chưa trở về. Không biết tình hình trận chiến lần này ra sao, Khang Hâm Đồng vừa ngồi trông bếp lò vừa ngáp, ngủ một giấc tỉnh dậy vẫn chưa thấy Lữ Trưng trở về.
“Chẳng lẽ hôm nay đã thua trận rồi?”
Khang Hâm Đồng nhớ lại những thương binh hôm nay mình nhìn thấy, quả thật số lượng nhiều hơn với mấy lần trước, nhìn còn thảm hại hơn nữa.
Cô bé ôm đầu gối đợi thêm một lúc, rốt cuộc nghe thấy bên ngoài lều truyền tới tiếng bước chân quen thuộc.
Cơn buồn ngủ của Khang Hâm Đồng bay mất tiêu luôn.
“Nghĩa phụ!”
Cô bé kêu một tiếng, có người vén cửa lều vải lên, nhờ vào ánh sáng của mấy ngọn nến trong lều mới miễn cưỡng nhìn rõ người đến là ai.
“Làm sao mà con vẫn chưa ngủ?”
Lữ Trưng còn đang ngạc nhiên thì Khang Hâm Đồng đã tiến lên đón rồi.
Anh ta lui lại một bước theo bản năng nhưng vẫn không kịp, Khang Hâm Đồng ngửi thấy mùi máu trên người anh ta, sắc mặt thay đổi.
Khang Hâm Đồng vội vàng hỏi: “Nghĩa phụ bị thương sao?”
Lữ Trưng giơ tay lên che đi cánh tay trái, lắc đầu: “Đao kiếm trên tiền tuyến không có mắt, khó tránh khỏi bị thương.”
Khang Hâm Đồng nói: “Nghĩa phụ giám sát chỉ huy quân đội, đứng bên trong quân đội sao lại dễ dàng bị thương như thế được ạ?”
Trừ khi quân đội bị kẻ địch phá, chúng tấn công trực tiếp quân ta nên Lữ Trưng được bảo vệ bên trong mới có thể bị ngộ thương.
Lữ Trưng hơi mệt mỏi, anh ta nói: “Tình hình trận chiến hôm nay không lạc quan lắm, chiến lực của quân địch rất mạnh, còn quân ta thì...”
Lữ Trưng muốn nói lại thôi.
Bàn về lực lượng quân đội, chắc chắn An Thôi chiếm ưu thế cực lớn, gần như nhiều gấp đôi quân địch.
Nhưng... Bàn về khả năng tác chiến toàn diện thì tinh nhuệ dưới trướng Khương Bồng Cơ kỷ luật nghiêm minh, lực tác chiến rất mạnh nên đương nhiên sức chiến đấu cũng được phát huy mạnh mẽ. Dù không có “bug” Khương Bồng Cơ liều chết xung phong trên tiền tuyến thì bọn họ vẫn có thể áp đảo khí thế của An Thôi.
Lữ Trưng đã trải qua rất nhiều phong ba bão táp nhưng lại chưa bao giờ muốn chửi bậy như hôm nay.
Nhìn tư chất chiến đấu của địch mà xem, nhìn phương pháp chiến đấu của nhà người ta mà xem!
Binh mã dưới trướng Khương Bồng Cơ dùng hành động nói cho An Thôi biết một đạo lý - số lượng không phải là tất cả.
Chất lượng của mình đã không bằng người ta, thế mà An Thôi vẫn chiêu mộ nhiều người trẻ khỏe để sung quân cho đủ, vì thế mới kéo chất lượng tập thể đi xuống. Mấy ngày hôm nay Lữ Trưng mới hiểu thấu cái gì gọi là “vô lực”, gần như sắp không kiềm chế được cảm xúc tiêu cực.
Trong đầu anh ta có mấy thế trận để đối phó với địch, chủ tướng cùng phối hợp truyền quân lệnh xuống cấp dưới, thế nhưng hiệu quả không tốt như mong đợi.
Nó giống như đầu óc suy nghĩ liên tục, cố gắng khống chế cơ thể thực hiện các động tác phản kích, phòng ngự kẻ địch, cơ mà tay chân lại cứ không theo kịp đầu óc, hoặc là tê dại cứng ngắc, hoặc là huơ tay múa chân, trơ mắt nhìn kẻ địch giơ cao lưỡi đao chém vào thân thể mà không thể làm gì được.
Hôm nay Lữ Trưng về trễ như vậy không chỉ bởi vì anh ta bị thương mà quan trọng hơn là vì anh ta bị An Thôi giữ lại mắng cho một trận.
Mọi người đều biết lý do tại sao nhưng không một ai đứng ra nói thay cho Lữ Trưng.
Không dám nói chứ sao.
Bọn họ nói cái gì?
Nói sức chiến đấu toàn diện của đại quân không mạnh là do An Thôi cưỡng ép chiêu mộ binh mã tư chất quá kém, không những không tăng được lực chiến đấu mà ngược lại còn gây trở ngại sao? Nếu nói như vậy chẳng khác nào nghi ngờ quyết định và bản lĩnh của An Thôi, cũng chẳng có ai muốn “ngược gió gây án” vào lúc lửa giận của An Thôi bốc cao ba trượng cả, thế nên Lữ Trưng trở thành “hiệp sĩ đổ vỏ”. Dĩ nhiên An Thôi vẫn có chừng mực, nói là mắng nhưng thật ra cũng không nặng lời lắm.
Dẫu sao hiện giờ tâm phúc và trợ thủ đắc lực Hoa Uyên của hắn không có ở đây.
Bây giờ hắn vẫn còn phải dựa vào Lữ Trưng, không thể đắc tội, làm lòng người rét lạnh được.
Khang Hâm Đồng im lặng không lên tiếng, chỉ bưng đồ ăn đã hâm nóng lên cho Lữ Trưng, hy vọng ít nhiều gì anh ta cũng ăn một chút.
“Trận chiến này e rằng... Vi phụ sẽ cố gắng thu xếp ổn thỏa cho con.”
Từ đầu đến cuối Khương Bồng Cơ không hề xuất hiện nhưng có Phù Vọng thống lĩnh đại quân và mấy vị mưu sĩ nổi danh, còn bên cạnh Lữ Trưng chỉ có đồng đội heo, anh ta có lòng mà không đủ sức. Thừa dịp tình hình còn chưa trở nên ác liệt, anh ta định tìm trước một đường lui cho Khang Hâm Đồng, bảo đảm cho sự an toàn của cô bé.
“Nữ nhi không đi đâu hết!”
Khang Hâm Đồng quả quyết khước từ, Lữ Trưng im lặng ăn cơm, từ chối cho ý kiến.
Lữ Trưng còn chưa kịp tính toán gì thì hai ngày sau, tin xấu đã truyền tới khiến toàn quân trên dưới hoang mang lo sợ.
Hai trăm nghìn thạch lương thảo đã bị cướp!
An Thôi giận run người, chém chết tướng lĩnh vận chuyển lương thảo, trong lòng cũng hỏi thăm một lượt mười tám đời tổ tông nhà Khương Bồng Cơ.
Lông mày Lữ Trưng hơi cau lại.
Khương Bồng Cơ ẩn thân hai tháng không thấy bỗng dưng xuất hiện.
Vừa ra tay đã trấn mất hai trăm nghìn thạch lương thảo. Nguồn : Vietwriter.vn
Lữ Trưng ảo não thở dài, nói: “Quả thật là phong cách của cô ấy.”
Đã không làm gì thì thôi, một khi làm là chết người.
Đối với lần này, Khương Bồng Cơ đúng kiểu “excuse me”?
Ai quẳng nồi đến chỗ cô thế?