Về chuyện đó, sau này anh lại mơ hồ nghe được nguyên nhân từ bệ hạ.
Bách Nguyệt Hà nhìn trúng Sử Trung vì ba lý do.
Thứ nhất, Sử Trung biết cách làm sao để lấy lòng cha vợ khiến Bách Ninh rất có thiện cảm với hắn.
Thứ hai, Bách Nguyệt Hà cũng cảm thấy mình cần có con để nối dõi tông đường, để cha an tâm hưởng tuổi già.
Thứ ba, Sử Trung là một người đàn ông, là một người đàn ông không có bản lĩnh lại còn dễ bắt nạt, dù gà bay chó sủa cũng vẫn chỉ có cái đức hạnh đó mà thôi.
[Ai cũng có thể làm chồng nhưng cha thì chỉ có một mà thôi. Lời của cổ nhân trái lại cũng có mấy phần đạo lý.]
Nói tóm lại Bách Nguyệt Hà tình nguyện kết thúc cuộc sống độc thân chẳng qua là vì người cha già Bách Ninh mà thôi.
Trên cõi đời này người có thể lấy làm chồng nhiều như nước biển nhưng mà cha thì chỉ có một, làm sao có thể như nhau được?
Vệ Từ không tiện nói ra những lời này, chỉ là úp úp mở mở nói đại khái quá trình.
Anh nói: “Kiếp trước Bách Nguyệt Hà sắp ba mươi tuổi mà vẫn không chịu kết hôn khiến tướng quân Bách Ninh rất sốt ruột. Sử Trung lại bị mẫu thân bức ép không còn cách nào, không biết làm sao lại nhìn trúng Bách Nguyệt Hà, hy vọng cô ấy có thể hỗ trợ mình trên con đường làm quan. Trái lại Sử Trung biết thân biết phận, không chủ động tiếp cận cô nương nhà người ta, mà đi đường vòng tìm đến tướng quân Bách Ninh. Thường xuyên qua lại nên cũng có chút thiện cảm. Trước khi cưới Sử Trung giả bộ rất tốt, sau khi cưới không đến mấy năm liền lộ rõ bản chất, không cách nào nhẫn nhịn được địa vị của thê tử cao hơn mình, làm nhục tôn nghiêm của trượng phu.”
Khương Bồng Cơ cười nói: “Cái này ngược lại buồn cười, một mặt hy vọng thê tử trợ giúp mình, một mặt lại không chịu được địa vị của đối phương cao hơn mình, hắn muốn như thế nào? Chẳng lẽ hắn cho là Bách Nguyệt Hà giúp đỡ hắn, cho hắn cơ hội thì hắn có thể một bước lên mây ư?”
Bản thân có tư chất như thế nào mà còn không tự biết trong lòng à?
Vệ Từ nói: “Trên cõi đời này có nhiều người tâm cao hơn trời, có lẽ trong lòng hắn nghĩ như vậy.”
Kết quả, Bách Nguyệt Hà và Sử Trung lập gia đình được mấy năm, có hai đứa con nhưng Sử Trung vẫn là một viên quan nhỏ không được trọng dụng, còn đường làm quan của Bách Nguyệt Hà lại ngày càng thuận lợi, làm công bộ thượng thư của một trong sáu bộ quan lại. Trong triều đình ai cũng biết Bách Nguyệt Hà có một người chồng hèn nhát không ra hồn, những lúc bạn đồng liêu hội họp, luôn có người trêu chọc hoặc giễu cợt Sử Trung rằng hắn cũng coi như chủ gia đình, tại sao lại không quản được phu nhân của mình.
Sử Trung sớm đã rất oán hận việc Bách Nguyệt Hà không chịu dốc sức nâng đỡ mình, lúc đó liền lửa giận dâng cao, cực kỳ ghen tị.
Không biết bắt đầu từ lúc nào, Sử Trung sa vào tầm hoa vấn liễu, lần đầu tiên đi thì bị đồng liêu báo tin cho Bách Nguyệt Hà.
Đợi hắn về phủ Bách Nguyệt Hà gặng hỏi, Sử Trung biết đồng liêu bí mật báo tin, vừa xấu hổ vừa giận dữ, mất kiềm chế định ra tay bạo hành vợ.
Không đoán cũng biết, Bách Nguyệt Hà là con gái của võ tướng làm sao có thể bị thua thiệt, trái lại Sử Trung bị cô đánh cho mặt mũi bầm dập, mẹ chồng khóc lóc kêu trời kêu đất.
Biết được nguyên nhân khiến con trai bị đánh, mẹ của Sử Trung liền âm thầm xúi giục hắn, ép buộc Bách Nguyệt Hà từ quan ở nhà giúp chồng dạy con mới là đúng đắn. Do Bách Nguyệt Hà không chịu nhượng bộ, mẹ của Sử Trung liền tìm cách khiến con dâu sinh non cái thai mới được ba tháng, đến lúc sinh non Bách Nguyệt Hà mới biết mình có bầu.
Khương Bồng Cơ nói: “Trên đời này trừ anh em trong nhà và người đã có gia đình ra, có người đàn ông nào không thể lấy làm chồng, làm sao Bách Nguyệt Hà chịu nhẫn nhịn đây?”
Vệ Từ nói: “Đương nhiên cô ấy không nhẫn nhịn. Đúng lúc bệ hạ thúc đẩy chế độ một gia đình có hai hộ, cô ấy liền dùng chức quan bắt Sử Trung đáp ứng. Ban đầu muốn ghi tên hai đứa trẻ vào hộ nhà mình, lại chuẩn bị hòa ly, nhưng mà hai mẹ con Sử Trung không đồng ý, luật pháp cũng không đồng ý cho Bách Nguyệt Hà mang hai đứa bé đi nên cô bèn mang trưởng nữ đi. Cô con gái rất có tiền đồ, còn cậu con trai lại bị nuôi hư.”
Trưởng nữ của Bách Nguyệt Hà được chọn làm thư đồng cho trữ quân Khương Diễm, xem quan hệ của hai đứa trẻ, chắc chắn tương lai sẽ là trợ thủ đắc lực cho thiếu đế.
Trái lại đứa con trai của Bách Nguyệt Hà bị mẹ con Sử Trung nuôi dưỡng thành tính tình kiêu căng, phu nhân Sử Trung cưới sau này lại nuôi theo kiểu nuông chiều cho hư.
Vào lúc đứa bé kia mười lăm tuổi tranh hơn thua với người ta, tham gia đua ngựa, giẫm chết sáu người, cuối cùng bị phán tử hình.
Khương Bồng Cơ ngược lại không thấy bất ngờ: “Mẹ con Sử Trung vốn dĩ chẳng ra gì, gần mực thì đen, làm sao có thể dạy dỗ tốt đứa bé được.”
Vệ Từ nói: “E là đứa bé kia bẩm sinh đã chẳng ra làm sao giống phụ thân nó. Trước khi hòa ly hai đứa con đều do Bách Nguyệt Hà dạy dỗ. Hòa ly không bao lâu thì Bách Nguyệt Hà biết được tình cảnh trong phủ của nhi tử, vốn định tranh thủ đón về nuôi, ai ngờ đứa bé kia lại chỉ thẳng tay vào mặt mẹ đẻ nhổ nước bọt nhục mạ, so sánh mẹ với kỹ nữ khiến Bách Nguyệt Hà giận đến mức vứt bỏ luôn đứa con này, mãi mãi không nhận nó là con nữa.”
Đương nhiên cuối cùng thi thể con trai vẫn do Bách Nguyệt Hà phái người đến Thái Thị Khẩu* đưa về.
* Thái Thị Khẩu: Là nơi thực hiện các hình phạt tử hình và được công khai cho công chúng xem.
Tình mẫu tử chỉ có như vậy.
“Cái gã Sử Trung này thật chẳng ra gì, sau khi hắn hòa ly với Bách Nguyệt Hà vẫn còn thường xuyên tự cho mình là ‘trượng phu của công bộ thượng thư’, bình thường đi ăn đi uống với đám hồ bằng cẩu hữu lại đem chuyện riêng tư của mình với Bách Nguyệt Hà ra nói, thường xuyên đi thanh lâu, mẹ hắn còn chửi bới gièm pha khắp nơi.” Vietwriter.vn
Người làm quan rất chú trọng danh tiếng, bất kể bên trong như thế nào, bên ngoài không được có điều tiếng gì.
Nếu không phải Bách Nguyệt Hà rất được tín nhiệm, bình thường cô làm việc cũng cẩn thận ổn thỏa thì e là sẽ bị ngôn quan chọc cho uất ức.
Vệ Từ nói: “Vốn tưởng rằng Bách Nguyệt Hà gia nhập dưới trướng chủ công từ rất sớm thì không gặp phải Sử Trung, không ngờ lại gặp nhau trong tình cảnh như vậy.”
Khương Bồng Cơ nói: “Có lẽ cái này gọi là duyên phận.”
“Cho dù là duyên phận thì đó cũng là nghiệt duyên.” Vệ Từ thở dài nói: “So với Sử Trung, trái lại Từ cảm thấy Hi Hành khá hơn một chút. Chỉ tiếc Hi Hành và Bách Nguyệt Hà cùng làm việc mấy năm, hai người chỉ coi nhau là đồng liêu, tựa như không có chút tình cảm nam nữ nào. Nếu hai người thành vợ thành chồng thì có phải tốt đẹp không.”
Kiếp trước Trương Bình có số độc thân, đó cũng là con đường anh ta theo đuổi, Vệ Từ không tiện khuyên nhủ gì.
Kiếp này anh thấy chấp niệm độc thân cả đời của Trương Bình không sâu, có lẽ có hy vọng.
Khương Bồng Cơ nói: “Nếu như huynh mà đi làm mai mối có khi chết đói lâu rồi.”
Vệ Từ: “Tại sao?”
Khương Bồng Cơ nói: “Làm mai cũng là một môn học, sao có thể làm ẩu giống huynh chứ?”
Vệ Từ nhịn cười nói: “Xin chủ công khai sáng cho.”
Khương Bồng Cơ ra vẻ người từng trải, nói: “Đối với loại chuyện như thế này ấy mà, huynh cứ đi thẳng vào vấn đề, tuyệt đối đừng có màu mè hoa lá làm gì. Cứ hỏi bọn họ có ấn tượng gì với đối phương không, có đồng ý sau trăm năm cùng nằm trong một cỗ quan tài hay không, vậy chẳng phải xong rồi à?”
Vệ Từ: “...”
Như vậy không khỏi quá mức lỗ mãng và đơn giản?
“Nói đi cũng phải nói lại, thử xem, biết đâu lại tác thành được một đôi, lâu rồi ta không được uống rượu mừng.” Khương Bồng Cơ do dự một lúc rồi nói: “Khoan đã, tại sao huynh lại muốn tác hợp Hi Hành với Bách Nguyệt Hà mà không phải với người khác? Không phải ta có thành kiến gì, chẳng qua dáng vẻ Hi Hành khí phách mạnh mẽ, nếu anh ta có ý muốn kết hôn sợ là ngưỡng cửa nhà anh ta sớm đã bị người làm mối đạp bằng rồi ấy chứ, khả năng lựa chọn Bách Nguyệt Hà có lẽ không cao lắm.”
Vệ Từ nhịn cười nói: “Hi Hành không dựa vào khuôn mặt để phân biệt xấu đẹp đâu, huynh ấy nhìn tay đấy.”
Do chứng bệnh cổ quái này nên người ngoài cũng cho rằng Trương Bình cứng đầu, khó mà sống chung được, Vệ Từ là một trong số ít bạn bè của anh ta.
Trương Bình chủ động làm quen với Vệ Từ chỉ vì Vệ Từ có một đôi tay khiến người ta vừa thấy đã yêu.
Vả lại, Bách Nguyệt Hà cũng không phải người xấu xí, cô có một vết bớt trên mặt, cái bớt đó nếu nhìn quen thì cũng thấy cô là một mỹ nhân.